Rò rỉ khí clo từ trạm nước, hoa màu khô héo

Do bất cập trong quy trình xử lý chất thải độc hại nên trong 3 năm qua, những bình chứa clo bị rò rỉ của Trạm xử lý nước sông Miện thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp thoát nước tỉnh Hà Giang vẫn chỉ được “dìm” trong bể vôi ngoài trời chờ phân hủy. Thi thoảng, khí clo lại phát tán ra ngoài môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ở khu vực xung quanh.

Có mặt tại tổ 17, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang vào một ngày đầu tháng 9, chúng tôi tận mắt chứng kiến "hậu quả" vụ rò rỉ khí clo từ Trạm xử lý nước sông Miện trước đó một ngày: cả khu vực rộng lớn nhuộm một màu vàng cháy, xám xịt. Theo quan sát thực tế, hầu hết các loại cây lâu năm đều bị vàng lá, rụng nhiều lá, nhiều loại rau như mồng tơi, khoai lang mọc sát mặt đất cũng bị khí độc làm cho xoăn tít, khô héo…

Hàng loạt các cây lâu năm trong khu vực đều bị vàng lá, rụng tả tơi khi bị "trúng" khí clo.


Những hộ dân sống quanh khu vực Trạm xử lý nước đều cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên mà tình trạng này đã xảy ra cách đây mấy năm. Vì không biết nguyên nhân nào khiến cây cối thi thoảng lại khô héo, người thì tức ngực, khó thở… ai cũng nghĩ là do sương muối.

Gần đây nhất vào trưa 3/9, nhiều người đã tận mắt nhìn thấy lượng khí lạ, màu trắng đục bay ra từ bên trong Trạm xử lý nước sông Miện. Khí bay đến đâu, cây cối, hoa màu héo khô đến đó. Người dân xung quanh vội bảo nhau đi ở tạm nơi khác, nhiều gia đình sau hơn một ngày vẫn chưa dám về nhà do sợ khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Trần Văn Sự, nhà ngay cạnh cổng Trạm xử lý nước sông Miện, cho biết: Cây cối chết là một chuyện, nhưng sức khỏe con người mới quan trọng. Chúng tôi rất lo vì tình trạng này đã có từ lâu, người dân đã hít phải khí độc nhiều lần, gần đây nhất là vào khoảng tháng 7/2014 cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự. Mặc dù đến nay vẫn chưa phát hiện có người đổ bệnh, nhưng tương lai thì chưa biết thế nào… Khu vực tổ 17, phường Trần Phú có hơn 100 hộ dân, nhưng chỉ có hơn 20 gia đình sống xung quanh Trạm xử lý nước là bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp thoát nước tỉnh Hà Giang, Trạm xử lý nước sông Miện là đơn vị kinh doanh nước sạch với công suất 6.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Giang.

Cách đây 3 năm, trong quá trình sản xuất, có 3 bình chứa clo bị rò rỉ (trong đó một bình có dung tích 140 lít, hai bình còn lại mỗi bình 40 lít), không thể tiếp tục sử dụng. Công ty đã xử lý bằng cách xây một bể nước vôi có khối lượng hơn 10m3 và ngâm cả 3 bình clo xuống đó.

Với cách này, khí clo còn lại trong các bình sẽ rò rỉ dần và hòa tan với nước vôi có trong bể mà không bị thoát ra môi trường. Tuy nhiên, cách làm này chỉ hãm được khí rò rỉ ở mức độ ít với điều kiện lượng nước vôi phải luôn đảm bảo. Nếu sơ xuất để nước vôi cạn, khí clo bị rò rỉ sẽ nhanh chóng phát tán ra ngoài, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Giám đốc Công ty thừa nhận việc khí clo rò rỉ ra bên ngoài môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân xung quanh. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công ty đã cử cán bộ đến nhà dân thăm hỏi và xin lỗi người dân, đồng thời xử lý bằng cách cho thêm nhiều vôi vào trong bể để trung hòa khí clo rò rỉ.

Với những bình clo còn nằm trong bể vôi, Công ty không có biện pháp để kiểm tra lượng khí còn lại trong bình. Về phương án giải quyết, ông Phú cho rằng đây là việc rất khó vì hiện tại tỉnh Hà Giang chưa có đơn vị nào có thể xử lý được chất thải độc hại. Công ty cũng đã đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang hỗ trợ tìm hướng giải quyết nhưng phương án cụ thể thế nào, đến nay vẫn chưa có.

Khu vực bể vôi chứa ba bình clo đang bị rò rỉ của Trạm xử lý nước sông Miện.


Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên TTXVN, ông Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang khẳng định: Sở không hề biết có 3 bình clo đang nằm dưới bể nước vôi trong Trạm xử lý nước sông Miện suốt 3 năm qua, phía công ty cũng chưa báo cáo. Clo là một loại khí độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người nếu bị rò rỉ ra ngoài môi trường không khí. Việc xử lý chất thải độc hại là trách nhiệm trực tiếp của công ty, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang chỉ là cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Đỗ Thái Hòa khẳng định Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo với UBND tỉnh Hà Giang về sự việc trên, đồng thời yêu cầu Công ty phải lập phương án xử lý triệt để và gia hạn trong thời gian một tháng phải giải quyết xong, giúp nhân dân yên tâm sinh sống.

Trung tá Hoàng Minh Tiến, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Cơ quan công an vẫn chưa có hồ sơ và cam kết bảo vệ môi trường của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp thoát nước tỉnh Hà Giang.

Đơn vị cũng chưa nhận được bất kỳ báo báo cáo chính thức nào của các đơn vị dưới địa bàn về sự việc trên mà chỉ nắm bắt thông tin qua dư luận. Về nguyên tắc, trong hợp đồng mua bán chất độc hại phải có cam kết xử lý nếu xảy ra sự cố chứ không thể để kéo dài gây hậu quả như vậy. Phòng sẽ cử cán bộ xuống nắm bắt tình hình và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, vi phạm đến đâu sẽ tiến hành xử lý đến đó.


Bài, ảnh: Đỗ Bình
Ngộ độc khí clo, 7 công nhân nhập viện

Khoảng 11h ngày 3/5, Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả đã tiếp nhận 7 công nhân của Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả vì bị ngộ độc khí Clo. Các nạn nhân nhập viện trong tình trạng khó thở và bị ngất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN