Thượng tá Trần Huy Thục, Trưởng ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho biết: Với số lượng vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh rất lớn tại gia đình ông Nguyễn Văn Nho, đơn vị đã tăng cường lực lượng để đẩy nhanh tiến độ rà phá, tổ chức dò sâu từ 7 đến 10 mét, sau đó rà phá sạch mìn, vật liệu nổ để bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân, giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn, vật liệu nổ gây ra.
Với trách nhiệm, quyết tâm tâm cao, sau một thời gian làm việc khẩn trương, hiệu quả, các cán bộ, chiến sỹ đã rà phá được trên 7.000 vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh gồm: Đạn 12,7 ly, đạn pháo phòng không 37 mm, đạn cối 82, và đạn cối 100, mìn vướng nổ POM-Z2, lựu đạn chày và ngòi lựu đạn…
Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, việc bố trí hệ thống bom mìn, vật cản trên một số khu vực, nhất là khu vực gần các điểm cao chiến lược với mật độ lớn và dày nên số lượng bom mìn, vật nổ còn tồn sót chưa được rà phá trên địa bàn tỉnh lên đến hàng chục nghìn héc-ta.
Thượng tá Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho biết: Với sự nỗ lực không quản ngại khó khăn của cán bộ, chiến sỹ công binh, những năm qua hàng trăm héc-ta đất đã được đơn vị rà phá sạch bom mìn và bàn giao cho các địa phương. Từ khi đất sạch mìn, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đã đến dựng nhà mới, sử dụng đất sạch để trồng ngô, lúa tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn và vật liệu nổ. Đặc biệt, khi phát hiện bom mìn, vật liệu nổ phải báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, tuyệt đối không tự ý vận chuyển, buôn bán, tháo gỡ gây nguy hiểm cho tính mạng.