Quê hương của chiếc gậy Trường Sơn

Tại xã Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội) phong trào chiếc gậy Trường Sơn ra đời trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ đã động viên tinh thần con em địa phương lên đường chiến đấu. Phong trào này đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương khác, kêu gọi lớp lớp thanh niên trên cả nước lên đường nhập ngũ với tinh thần “Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Kí ức về chiếc gậy Trường Sơn


Những năm 1966 - 1967, sau khi Mỹ tăng cường lực lượng đánh chiếm miền Nam, yêu cầu chi viện từ miền Bắc càng trở nên bức thiết, đặc biệt là về sức người. Cũng như nhiều địa phương khác tại miền Bắc, vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống giặc Mỹ leo thang, Hòa Xá (Ứng Hòa, Hà Tây) cũng tích cực góp sức chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, đặc biệt là công tác tuyển quân lên đường nhập ngũ. Theo tài liệu của Đảng bộ xã Hòa Xá ghi lại, mỗi lần giao quân, chỉ tiêu của Hòa Xá luôn đạt và vượt yêu cầu.

Cựu chiến binh Phùng Văn Quán bên chiếc gậy Trường Sơn năm xưa, hiện được ông lưu giữ tại nhà như kỉ vật.


Ông Phùng Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá, kể lại: Từ giữa năm 1966, ở xã Hòa Xá không khí tự nguyện lên đường nhập ngũ diễn ra sôi nổi. Nhiều người chưa được lên đường nhập ngũ vẫn hăng hái tham gia sản xuất tại địa phương, nhưng trong tâm trí vẫn nóng lòng được lên đường trực tiếp ra mặt trận. Trước tình hình đó, Hòa Xá đưa ra sáng kiến xây dựng “Phân đội dự bị” nhằm đào tạo quân dự bị trước khi lên đường nhập ngũ ngay tại địa phương. Khi Tổ quốc gọi, đơn vị “bộ đôi làng” sẵn sàng lên đường chiến đấu. Phân đội này do hai đồng chí bộ đội phục viên của xã là Nghiêm Khắc Cộng và Chu hoán phụ trách. Họ được lập sẵn hồ sơ, rèn luyện tại địa phương như kỹ thuật chiến đấu, ném lựu đạn, tập hành quân xa, mang vác nặng... Tất cả với khẩu hiệu: “Vai đeo 25 kg, chân đi ngàn dặm/Vượt núi băng sông, sẵn sàng nhập ngũ”. Cứ lớp này đi, lớp sau kế cận lại được đào tạo, huấn luyện.

Để động viên và hỗ trợ tập luyện cho Phân đội dự bị, lực lượng “Bạch đầu quân” gồm những cụ phụ lão trong làng ngày ấy đã tự nguyện tìm tre, trúc để trẻ lạt, đan sọt, vót gậy hành quân phục vụ tập luyện… Hình ảnh này đã trở thành kiểu mẫu cho nhiều địa phương về tham quan học tập. Với những người nhập ngũ, bên cạnh việc tới chơi, thăm hỏi, động viên, để cổ vũ tinh thần cho họ, Hòa Xá cũng: Tặng gậy hành quân, trao cờ thêu tay có dòng chữ “Hòa Xá tặng, ra đi là chiến thắng”. Đồng thời, để khẳng định tình yêu nơi quê nhà cho người lên đường yên tâm chiến đấu, Ứng Hòa cũng thực hiện “Tặng nhẫn thủy chung” của các chị em có chồng hoặc người yêu lên đường nhập ngũ.

Ông Phùng Văn Mạnh kể về phong trào tập luyện của Phân đội dự bị bên một góc Bảo tàng quê hương phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”.



Trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1964-1973), Hòa Xá đã tiến hành 27 đợt tuyển quân và tiễn đưa 537 thanh niên lên đường nhập ngũ; 50 người cũng theo tiếng gọi đất nước tham gia thanh niên xung phong và dân quân hỏa tuyến. Toàn xã có 6 gia đình có 4 người con theo kháng chiến; 11 gia đình có 3 người con ra mặt trận; 61 gia đình có 2 người con lên đường nhập ngũ. Tại địa phương, lực lượng dân quân, du kích cũng đã bắn rơi một máy bay của Mỹ. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 3/9/1973, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” cho dân quân, du kích xã Hòa Xá. Đây là đơn vị đầu tiên của tỉnh Hà Tây cũ nhận được danh hiệu cao quý này.

Tháng 4/1967 nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng hai nhạc sĩ Văn Cao và Hoàng Vân về thăm miền quê Hòa Xá. Cũng trong thời gian ấy, miền quê Hòa Xá nhận được ba chiếc gậy hành quân của ba người con Hòa Xá từ các mặt trận gửi về cho gia đình. Kết hợp câu chuyện này cùng các phong trào trên tại Hòa Xá, tháng 6/1967, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cho ra đời ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn”. Ông Phùng Văn Quán, một trong ba người đã gửi gậy hành quân năm ấy giờ vẫn tâm sự: ”Tôi không nghĩ chính những chiếc gậy của mình và đồng đội gửi về chỉ với với mục đích báo tin cho gia đình lại trở thành ý tưởng để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” nổi tiếng ấy. Hiện nay, chiếc gậy ấy vẫn được tôi cất giữ như một kỉ vật vô giá của một thời máu và lửa”. Ông Mạnh cho biết: “Trong bản giấy vẽ khuông nhạc của ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên ngày ấy có ghi: “Kính tặng thanh niên Hòa Xá trước khi lên đường nhập ngũ”. Sau này, khi bài hát được lan rộng, cổ vũ khí thế của lớp lớp thanh niên cả nước, dòng chữ trên được sửa lại thành “Kính tặng thanh niên Hòa Xá và thanh niên cả nước trước khi lên đường nhập ngũ”.

Cùng với góp sức chi viện cho miền Nam, vừa chiến đấu chống giặc Mỹ leo thang ngoài miền Bắc, Hòa Xá còn tiếp tục xây dựng các phong trào nhằm hỗ trợ, giúp đỡ bộ đôi, du kích đóng quân tại địa phương. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng “Ba thứ quân”, các cụ phụ lão trồng chuối quanh các trận địa để ngụy trang, các em thiếu nhi quyên góp vải vụn giúp bộ đội, du kích lau vũ khí; các chị các mẹ làm tốt khâu hậu cần, quân nhu, chia sẻ khó khăn gian khổ, tất cả chung sức vì một mục tiêu đánh đuổi giặc Mỹ, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Tiếp nối truyền thống

Không chỉ là chiếc nôi ra đời của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”, Hòa Xá còn nhiều lần vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo như: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Võ Nguyên Giáp về thăm. Đây cũng là mảnh đất được đồng chí Văn Tiến Dũng chọn làm nơi bí mật hoạt động trước cách mạng tháng 8/1945.

40 năm đã qua đi kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước, non sông thu về một mối. Tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương những năm kháng chiến, những giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần vẫn luôn được Hòa Xá trân trọng, lưu giữ. Tại Bảo tàng quê hương phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”, những hiện vật gắn liền những năm kháng chiến như lá cờ có ký tên con em Hòa Xá lên đường nhập ngũ, danh hiệu, cờ thi đua, ảnh luyện tập, chiến đấu và sản xuất thời chiến, những bài báo viết về quê hương Hòa Xá... đều được trưng bày trang trọng để ghi nhớ một thời anh hùng của địa phương. Kết hợp với đó, những năm qua, Hòa Xá thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện truyền thống cho các thế hệ thanh, thiếu niên nhằm ôn lại về lịch sử quê hương và phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” vang danh một thời. Đồng thời, kêu gọi con em phấn đấu, góp sức xây dựng quê hương trong thời đại mới. Trong không khí những ngày tuyển quân tham gia nghĩa vụ, Hòa Xá cũng đã đặt ra kế hoạch hoàn thành xuất sắc, vượt chỉ tiêu trên giao. Xứng đáng là mảnh đất anh hùng, quê hương của “Chiếc gậy Trường Sơn” huyền thoại.

Bài và ảnh: Anh Đức

Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn
Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chiều 22/12, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp mặt thân mật đoàn đại biểu Cựu chiến binh Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN