Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Long (75 tuổi, thôn An Hòa, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) nằm cạnh sông Phước Giang, mỗi đợt mưa lũ lại bị ngập sâu trong nước, đỉnh điểm trận lũ năm 2013 nhà ngập đến 2,5m. Vì vậy, cứ mỗi khi mưa lớn, nước sông dâng, vợ chồng ông lại chủ động mang đồ dùng cần thiết lên gác để bảo đảm an toàn. “Các con đều đi làm ăn xa, nên thấy mưa lớn, nước sông dâng lên, vợ chồng tôi chủ động mang mì tôm, nước suối lên gác. Đồng thời, gọi điện nhờ Đoàn Thanh niên xã, dân quân xã di chuyển một số thiết bị điện tử nặng lên cao, tránh thiệt hại do nước lũ”, ông Long cho hay.
Là rốn lũ của huyện, mỗi mùa mưa bão, xã Hành Dũng xảy ra từ 5-6 đợt lũ, nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập, gây nhiều khó khăn trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, địa phương xây dựng, triển khai các phương án, bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần, sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hành Dũng Trần Văn Thiện cho biết: Xã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã và các Tiểu ban ở thôn, xóm; tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết.
Từ đầu mùa mưa bão năm 2023, huyện Nghĩa Hành đã triển khai nhiều giải pháp, phương án với phương châm “Chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lê Quang Nhu: Trước mùa mưa bão, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn, các địa phương tăng cường kiểm tra, triển khai các phương án phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai; kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, huyện tổ chức rà soát, thống kê các hộ dân sống trong vùng nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng,…có phương án di dời đến nơi an toàn; rà soát kiểm tra các tuyến đê, kè, cầu cống quan trọng bị xuống cấp, hư hỏng để kịp thời gia cố, tu sửa.
Tại các cửa sông, cửa lạch và cửa khẩu cảng biển, công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão của các Đồn, Trạm Biên phòng cũng được triển khai đồng bộ. Các cán bộ, chiến sĩ đã đến từng tàu để tuyên truyền, nhắc nhở bà con không chủ quan, bị động trước những thông tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới; hướng dẫn bà con sử dụng phao cứu sinh cá nhân... Ngư dân Nguyễn Thống, Thuyền trưởng tàu cá QNg 98116 TS chia sẻ, được sự vận động của các chiến sĩ Biên phòng, chúng tôi trang bị cho mỗi thuyền viên áo phao, dụng cụ phao cam. Trước mỗi chuyến ra khơi đều kiểm tra kỹ các thiết bị liên lạc, máy móc. Khi đánh bắt trên biển, anh em liên tục theo dõi dự báo thời tiết để chủ động tìm nơi tránh trú.
Là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ở khu vực biên giới biển và tìm kiếm cứu nạn trên biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với bão, lũ theo từng giai đoạn. Lực lượng Biên phòng chủ động rà soát bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai; kiểm tra, sửa chữa các tàu thuyền, ca nô làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ.
Đại tá Đoàn Thanh Long, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Bộ Chỉ huy đã quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo các đơn vị chủ động thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" khi có thiên tai để xử lý tình huống kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tài sản, tính mạng của nhân dân.
Mùa mưa bão tại Quảng Ngãi thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, gây lũ quét, ngập úng, sạt lở nhiều nơi. Với việc triển khai phương án phòng, chống cụ thể, đến tận cơ sở và ý thức phòng, chống thiên tai của người dân ngày càng được nâng cao sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.