Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, đến sáng 17/9, số tàu cá của Quảng Nam đang hoạt động trên biển là 553 tàu với 5.684 lao động; trong đó có 260 tàu đánh bắt xa bờ với 4.336 lao động, hoạt động ở khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa; 293 tàu với 1.348 lao động hoạt động ở vùng biển gần bờ. Các tàu cá này đã nhận được thông báo về diễn biến của bão, đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng, vào khu tránh trú bão an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đài thông tin tìm kiếm cứu nạn thường xuyên phát các bản tin về diễn biến của bão số 5 để các phương tiện tàu cá chủ động phòng tránh, di chuyển. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thống kê, kiểm đếm số người, tàu thuyền, đặc biệt là tàu cá xa bờ; duy trì lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng tham gia trực chiến, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ khi có yêu cầu.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn tổ chức kiểm tra, chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, có các biện pháp bảo vệ trụ ăng ten, biển hiệu quảng cáo... đảm bảo an toàn; chặt tỉa cành cây, khai thông cống rãnh để hạn chế thiệt hại do mưa lũ; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) cho đến khi bão tan.
Các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão; hướng dẫn các tàu thuyền tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao..., thực hiện các biện pháp cảnh báo để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, chủ động phương án thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn đối với những khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất; kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2020; triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng.
Các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra, trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.
Các doanh nghiệp thường xuyên theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Các đơn vị thi công có phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản và các công trình xây dựng đang thi công. Các lực lượng cứu nạn cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.