Tại đây, lãnh đạo ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận tình trạng “bát nháo” các dịch vụ làm đẹp trên địa bàn và sự “bất lực” của cơ quan quản lý khi chưa thể kiểm soát được loại hình dịch vụ này.
Chỉ kiểm soát được 8/1.398 cơ sở phun, thêu, xăm thẩm mỹ
Thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/9/2019 trên địa bàn Thành phố có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa hoặc đơn vị thẩn mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và khoảng 1.398 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chăm sóc da, spa. Trong đó gây “đau đầu” nhất là công tác quản lý đối với các cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da, spa bởi thực tế nhiều cơ sở này đã “lén lút” thực hiện các dịch vụ phun, xăm, thêu thẩm mỹ dù không được phép.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý dịch vụ y tế - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện chỉ mới có 8 cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da, spa có văn bản báo cáo Sở Y tế và được thẩm định đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật phun, thêu, xăm thẩm mỹ hợp lệ, còn lại hơn 1.390 cơ sở không thể kiểm soát được có thực hiện phun, xăm, thêu thẩm mỹ hay không. Thậm chí nhiều cơ sở chăm sóc da, spa còn thực hiện các kỹ thuật xâm lấn và tiêm chất làm đầy. “Làm sao để quản lý được các đối tượng này vẫn là bài toán khó”, ông Hùng thừa nhận.
Đơn cử như tại Quận 10, ngoài 65 cơ sở chuyên khoa thẩm mỹ thì hiện địa bàn này còn có 229 cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da, spa. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Phòng Y tế Quận 10 đã kiểm tra 19 cơ sở và xử phạt 14 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt lên đến 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Trưởng Phòng Y tế Quận 10 cho biết, nhiều cơ sở chăm sóc da đã thực hiện “chui” một số dịch vụ như tiêm chất làm đầy (filler, botox), nhấn mí, cắt mí, truyền trắng, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hết hạn sử dụng. Thậm chí, nhiều cơ sở còn liên kết với các bác sỹ “chạy sô, mổ dạo, mổ chui” thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn vượt quá mức cho phép.
Mặc dù vậy, quá trình thanh, kiểm tra các cơ sở này vô cùng khó khăn do các cơ sở thường che giấu, phủ nhận các hành vi vi phạm của mình. Sử dụng chiêu đối phó chủ cơ sở đi vắng, nhân viên trì hoãn thời gian tiếp đón để tranh thủ xóa dấu vết hiện trường khi có đoàn kiểm tra.
Trong khi đó, nhân sự của Phòng Y tế Quận 10 hiện chỉ có 1 bác sỹ, 1 dược sỹ và một số nhân sự phụ trách các lĩnh vực khác. Chính nhân sự mỏng, thiếu và yếu trong khi số lượng các cơ sở thẩm mỹ ngày một phát triển “nở rộ” khiến đơn vị này rơi vào tình trạng “bất lực”.
Tai biến thẩm mỹ: Lỗi tại ai?
Ở góc độ người hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, bác sỹ Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để xảy ra tai biến không đáng có là lỗi không chỉ của cá nhân bác sỹ mà còn là lỗi quy trình của cơ sở thẩm mỹ.
Thực tế, theo bác sỹ Lê Hành, nhiều bác sỹ trong lĩnh vực thẩm mỹ chưa coi trọng bệnh nhân, chưa hết lòng với bệnh nhân như các bác sỹ điều trị khác. Thời gian gặp mặt bệnh nhân quá ít, thời gian để các bác sỹ đặt tâm tư của mình vào các ca phẫu thuật thẩm mỹ không nhiều. Thậm chí, thời gian theo dõi bệnh nhân trước và sau phẫu thuật cũng bị lơ là, bỏ qua khiến cho tai biến thẩm mỹ không đáng có dễ xảy ra. “Ngoài chuyên môn y khoa thì lĩnh vực thẩm mỹ bị chi phối nhiểu bởi yếu tố kinh tế. Do đó trước nhu cầu thực tế, nhiều bác sỹ hành nghề đã đi “chệch” khỏi con đường thẳng”, bác sỹ Lê Hành thừa nhận.
Trong khi đó, bác sỹ Nguyễn Thị Thoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra các tai biến trong thẩm mỹ. Nguyên nhân đầu tiên là bác sỹ hành nghề không khai thác tiền sử, bệnh sử của người bệnh trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Đặc biệt, nhiều cơ sở khi thực hiện thẩm mỹ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đã bỏ qua việc khai thác kỳ kinh cuối của khách hàng, không kiểm tra tình trạng mạng thai dẫn đến việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho cả phụ nữ đang mang thai như trường hợp mới xảy ra gần đây (hút mỡ bụng cho thai phụ).
Bên cạnh đó, một lỗi khá phổ biến mà nhiều cơ sở thẩm mỹ mắc phải là không lập hồ sơ bệnh án hoặc lập hồ sơ quá sơ sài trong khi đây chính là cơ sở để bảo vệ mình nếu có sự cố xảy ra. Trong khi đó, điểm yếu của các sơ sở thẩm mỹ hiện nay là khâu xử trí khi người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch. Khi xảy ra các tình huống nguy cấp, nhiều cơ sở không kích hoạt “báo động đỏ” lên tuyến trên mà tự xử trí, đến khi chuyển người bệnh lên tuyến trên thì đã quá muộn, không thể cứu được.
Liên quan đến vấn đề hợp tác chuyên môn, cho thuê mướn phòng mổ để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ gây tranh cãi trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thoa cho rằng, các quy định của pháp luật không cấm hành vi này, nhưng khi xảy ra tai biến thẩm mỹ thì cơ sở thẩm mỹ là đơn vị phải chịu trách nhiệm. “Khi có sự cố xảy ra, lỗi cá nhân bác sỹ là 30% nhưng lỗi của bệnh viện lên đến 70%. Do đó, sự cố xảy ra ở cơ sở nào thì cơ sở đó phải chịu trách nhiệm”, bà Thoa khẳng định.
Trong khi đó, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, để xảy ra sự tai biến thẩm mỹ là sự chủ quan của các cơ sở thẩm mỹ. Đây cũng chính là thách thức cho các nhà quản lý, từ Phòng Y tế quận, huyện đến Sở Y tế. Theo ông Thượng, những tai biến thẩm mỹ xảy ra trong thời quan qua đòi hỏi cần có những giải pháp mới trong công tác quản lý. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát, thanh kiểm tra thường xuyên, liên tục các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, thậm chí lực lượng Thanh tra Sở Y tế sẽ “đóng giả” người dân để tiếp cận các cơ sở thẩm mỹ vi phạm các quy định pháp luật.