Quản lý chặt bếp ăn khu công nghiệp

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm đã được Quốc hội đưa vào chương trình giám sát đặc biệt, chính vì vậy tỉnh Bình Dương cũng đưa vấn đề giám sát và quản lý này đặt lên hàng đầu

Tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất tại tỉnh Bình Dương trong thời gian qua được xác định là do: Người chế biến, phục vụ suất ăn tại các cơ sở cung cấp suất ăn không có kiến thức về chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm an toàn. Giá thành suất ăn thấp (có nơi chỉ 8.000 đồng đến 12.000 đồng), do đó các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, không bảo đảm an toàn để chế biến món ăn… 

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.276 bếp ăn tập thể (trong đó có 685 bếp ăn doanh nghiệp và 618 bếp ăn trường học) và 223 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. 

Cũng theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở này cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, các cơ sở này chỉ thuê địa điểm lúc ban đầu để có được giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện Vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó họ lại rời cơ sở đi chỗ khác. 

Công nhân Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) tại khu công nghiệp Thuận An, Bình Dương nằm cấp cứu do nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN


Trước thực trạng trên, Sở Y tế tỉnh Bình Dương chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm triển khai mạnh mẽ mô hình tổ tự quản bếp ăn với thành phần gồm, đại diện công đoàn, y tế cơ quan, kỹ thuật thực hiện kiểm tra nhanh ….nhằm tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, xử lý sự cố liên quan đến chất lượng thực phẩm tại bếp ăn. 

Ngoài ra, Sở cũng sẽ đề xuất các bộ, ngành xây dựng mô hình trung tâm cung cấp suất ăn cho công nhân tại các khu công nghiệp, chế xuất; có quy định cụ thể về hình thức dịch vụ suất ăn sẵn, hướng dẫn quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm và diễn đàn chia sẻ về quản lý ngộ độc thực phẩm giữa các tỉnh qua các cổng thông tin điện tử. Đồng thời, thắt chặt hơn việc yêu cầu các chủ lao động phải cung cấp, cập nhật tên địa chỉ của các nhà cung cấp suất ăn sẵn cho cơ quan quản lý để giám sát. 

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng đã thực hiện ký quy chế phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo để triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Ông Huỳnh Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biế, tỉnh Bình Dương có nhiều khu công nghiệp với số lượng lao động lớn, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là việc bảo vệ đến sức khỏe của cá nhân lao động nói riêng và quá trình phát triển kinh tế của tỉnh nói chung. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm đã được Quốc hội đưa vào chương trình giám sát đặc biệt, chính vì vậy tỉnh Bình Dương cũng đưa vấn đề giám sát và quản lý này đặt lên hàng đầu.

Huyền Trang (TTXVN)
Vụ ngộ độc Kotop Vina: Bếp ăn chưa có chứng nhận ATVSTP
Vụ ngộ độc Kotop Vina: Bếp ăn chưa có chứng nhận ATVSTP

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại doanh nghiệp Kotop Vina, đặc biệt bếp ăn của doanh nghiệp chưa được Chi cục cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN