Quân dân miền Nam nhớ về vị tướng tài ba

Những ngày này, những cựu chiến binh đã từng gặp Đại tướng Võ Nguyễn Giáp hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đều thương tiếc vô vàn trước tin Đại tướng qua đời.


Vị tướng bình dị


Gần 21 giờ ngày 4/10, Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó Giám đốc chính trị Học viện lục quân (Bộ quốc phòng) hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, biết được thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Suốt đêm đó, ông trằn trọc không ngủ. “Tôi tiếc thương cho vị chỉ huy tối cao của mình, một vị tướng vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mặc dù theo quy luật của cuộc sống, đến tuổi già ai cũng phải “ra đi” nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy xót xa, day dứt bồi hồi khi nghĩ về Đại tướng”, Trung tướng Nguyễn Văn Thái tâm sự.

 

Trung tướng Nguyễn Văn Thái bồi hồi xúc động, vui mừng mỗi khi nhắc lại những lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể lại: “Năm 1995, có dịp ra Hà Nội vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 84 của Đại tướng, ông đã cùng Trung tướng Khiêu Anh Lân (khi đó là Giám đốc Học viện Lục quân) đi chúc thọ Đại tướng tại nhà riêng. Cả hai đã được Đại tướng tiếp đón thân mật, gần gũi. “Trước khi đến nhà, chúng tôi cứ nghĩ Đại tướng ở cấp bậc cao hơn mình nên sẽ rất khó nói chuyện. Nhưng khi tiếp xúc, Đại tướng xưng hô “các cậu” đã khiến chúng tôi quên mất cảm giác xa lạ mà chỉ còn đọng lại cảm giác thân thuộc như anh em một nhà”. Lần gặp thứ thứ 2 là vào năm 1996, khi Đại tướng tới phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm thành lập Học viện. Khi lên phát biểu, Đại tướng không cầm bài phát biểu thảo sẵn mà nói luôn một mạch. Sau này, ông Nguyễn Văn Thái, xem lại và so sánh bài phát biểu mà đơn vị, cũng như văn phòng chuẩn bị cho Đại tướng với bài Đại tướng nói thì hai bản có nội dung, trình tự giống nhau tới 98%. “Điều này càng khiến tôi khâm phục sự minh mẫn của Đại tướng, mặc dù khi đó Đại tướng đã chuẩn bị bước qua tuổi 85”.

 

Các tướng lĩnh trong hội cựu chiến binh quận 1 làm bàn thờ thắp hương kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Sau này, khi Đại tướng không còn làm Bí thư Quân ủy Trung ương, không còn làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng… nhưng khi nghe những góp ý cho sự phát triển chung của quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Thái càng thêm phần ngưỡng mộ và khâm phục Đại tướng hơn.


“Việc Đại tướng đã trực tiếp kiến nghị của về việc khôi phục lại chế độ cấp ủy, khôi phục chính ủy… mà trước đây chúng ta bỏ, sau này đã được các đồng chí trong Bộ Chính trị tiếp thu và thực hiện khôi phục cho thấy Đại tướng là một vị tướng tài ba, biết nhìn xa trông rộng và biết lo lắng cho quân đội dù không còn làm trong quân đội đã lâu. Việc khôi phục lại chế độ này, đã góp phần nâng cao sức chiến đấu của quân đội không chỉ về mặt tinh thần mà còn đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ của quân đội trong mọi tình huống”- Trung tướng Thái cho hay.


Khoảnh khắc ý nghĩa


Đại tá Võ Văn Hiến, nguyên Chủ tịch Hội cựu Chiến binh quận 1 (TP Hồ Chí Minh) lại có chuyến gặp gỡ Đại tướng rất ý nghĩa ngay giữa Thủ đô Hà Nội vào năm 2004.

Đại tá Võ Văn Hiến (bìa trái) vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần cùng đoàn cựu chiến binh quận 1 (TP Hồ Chí Minh) tham gia chuyến về nguồn năm 2004.


Đó là năm Đại tá Võ Văn Hiến tổ chức đoàn đại biểu gồm các cựu chiến binh quận 1 đi tham quan các chiến trường, đơn vị cũ ở ngoài Bắc. Trong lần này, anh em trong Hội Cựu chiến binh tâm niệm một điều: “Nếu không gặp được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chuyến đi không thành công, cho nên bằng mọi cách phải gặp cho được Đại tướng”. Không phụ lòng ngưỡng mộ của các tướng lĩnh miền Nam, cuối cùng các cựu chiến binh cũng đã gặp được Đại tướng.

Nên có một nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Từ khi đoàn chúng tôi đã tới thăm Đại tướng trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) cho tới khi nghe tin Đại tướng mất, tôi nghĩ việc chúng ta nên làm sau này là có một nơi cho các bạn bè Quốc tế, con cháu, thế hệ trẻ có chỗ tới viếng thăm, ôn lại những chiến công, đức độ của vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp. Thực tế, việc này sẽ làm tăng thêm niềm tự hào, vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Một vị Tướng như vậy rất cần thế hệ trẻ ngày nay học tập noi gương theo.

(Đại tá Võ Văn Hiến)


Đại tá Võ Văn Hiến nhớ lại: “Nếu đi đúng lịch trình, khi ra tới Hà Nội thì Đại tướng lại không có ở nhà. Nhưng với tâm niệm phải gặp bằng được Đại tướng cho nên chúng tôi đã thay đổi lịch trình đi Thái Nguyên, Hạ Long, Hải Phòng… trước, sau đó mới trở lên Hà Nội. Lần này, chúng tôi đã thỏa được lòng mong ước vì đã gặp được Đại tướng. Tiếp đoàn chúng tôi không phải là hình ảnh một vị Đại tướng cao sang, xa lạ mà là hình ảnh một vị Đại tướng thân mật, niềm nở, gần gũi, chân tình… càng khiến chuyến đi của chúng tôi có ý nghĩa và hạnh phúc”.


Tương tự, ông Đặng Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực Hội cựu chiến binh quận 1, người được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần duy nhất, nhưng đó là lần hạnh phúc của cuộc đời người lính. Ông Định chia sẻ: “Chúng tôi vẫn tâm niệm, đã là một người lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nếu gặp được Đại tướng trong thời chiến thì người đó rất may mắn và hạnh phúc. Tuy nhiên, khi hòa bình, những người lính mà không gặp được Đại tướng của mình thì sẽ cảm thấy day dứt trong lòng, thậm chí còn thấy thiếu đi cái gì đó quan trọng trong đời”.


Cũng xuất phát từ sự khâm phục đức độ và tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngay sau khi nghe tin Đại tướng qua đời, Hội Cựu chiến binh quận 1 đã ngay lập tức tổ chức lập một bàn thờ và thông báo cho tất cả các đồng chí trong hội đến làm lễ và kính viếng.


Bài và ảnh:Hoàng Tuyết

Chiến sĩ Tàu không số tri ân Đại tướng
Chiến sĩ Tàu không số tri ân Đại tướng

Trong niềm nhớ thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cựu binh nguyên là chiến sĩ Đoàn tàu không số hiện đang sống ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kính cẩn nghiêng mình tri ân và gửi lời vĩnh biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN