Phụ nữ Hà Nội đã bớt bị bạo hành

Được triển khai trên địa bàn Hà Nội khoảng 10 năm nay, dự án "Cải thiện chăm sóc y tế đối với nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới" do Qũy Ford Foundation (Mỹ) tài trợ đã góp phần giảm số phụ nữ bị bạo hành gia đình. Theo kết quả công bố mới đây của Sở Y tế, dự án triển khai tại trạm y tế 2 phường Ngọc Thụy và Long Biên đã giảm được hơn 60% số vụ bạo hành gia đình.

Dự án này được triển khai tại 2 bệnh viện đa khoa Đức Giang, Đông Anh và 6 xã của 3 quận, huyện Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Hội đồng dân số và Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học giới tính, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) là đơn vị thực hiện dự án.


Một phụ nữ bị chồng đánh và bỏ lại cạnh mương nước trên đường Lê Văn Lương (kéo dài), Hà Nội. Rất nhiều người tập trung xem nhưng không ai biết phải giúp đỡ người phụ nữ này như thế nào. Ảnh chụp ngày 28/11/2011. Ảnh: Phong Anh.



Mục tiêu của dự án nhằm phát triển phương thức tiếp cận lồng ghép vấn đề bạo hành trên cơ sở giới trong các cơ sở y tế, tập trung chủ yếu vào bạo lực trong gia đình và lạm dụng tình dục; hợp tác với các chuyên gia tư vấn, chính quyền địa phương, các tổ chức phát triển mạng lưới hỗ trợ, xây dựng một "Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khoẻ phụ nữ" dựa vào bệnh viện để giúp đỡ những người phụ nữ bị bạo hành.

Dự án đã tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn về bạo hành giới cho các bác sĩ, y sĩ, y tá của Bệnh viện Đức Giang, Trung tâm Y tế Gia Lâm, CSAGA và cán bộ Sở Y tế; tập huấn về "Giới và bình đẳng giới" tới cán bộ Hội phụ nữ và Ban hòa giải phường Ngọc Thụy, Long Biên, cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa Đức Giang; tổ chức hội thảo "Bạo lực giới và hành động của chúng ta", hội thảo "Nâng cao vai trò của chính quyền và các ban, ngành trong giải quyết các vấn đề bạo hành giới".

Dự án tổ chức các buổi tọa đàm trên truyền hình với chủ đề "Vì một gia đình không có bạo lực", "Vai trò của cộng đồng trong bạo hành giới", "Vai trò của ngành Y tế trong giải quyết bạo hành giới"; thành lập trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ huyện Gia Lâm; tổ chức các buổi nói chuyện về bạo hành giới để tăng nhận thức của cộng đồng; phát tài liệu tuyên truyền về phòng chống bạo hành giới; xây dựng phiếu theo dõi bệnh nhân bạo hành giới...

Qua dự án, cán bộ y tế đã có sự thay đổi tích cực về thái độ và nhận thức về bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Trên cơ sở đó, cán bộ y tế đã áp dụng những kiến thức để tiếp cận, đánh giá, điều trị và hỗ trợ các nạn nhân bị bạo hành giới.

Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Sở Y tế đã xây dựng quy trình đón tiếp nạn nhân bị bạo hành giới từ phòng khám đến các khoa điều trị, hướng dẫn theo dõi nạn nhân sau khi ra viện. Cán bộ các cấp chính quyền và cộng đồng cũng nâng cao nhận thức về ngăn chặn nạn nhân bạo hành giới, góp phần hạn chế nạn bạo hành giới.

Với vai trò thường trực, các trạm y tế đã phối hợp với chính quyền và các ban, ngành xây dựng mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng, qua đó chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ nạn nhân.

Các tình nguyện viên bám sát địa bàn nắm tình hình, tham gia hòa giải, tìm hiểu nguyên nhân và hỗ trợ người bị hại, thuyết phục các ông chồng, vận động các bà vợ tham gia câu lạc bộ vì hạnh phúc gia đình, giúp họ biết cách hạn chế, phòng ngừa bạo hành.

Tuyết Mai
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN