Phụ nữ cù lao Minh nối dài 'kênh' dẫn vốn

Tổ Tiết kiệm và vay vốn là mắt xích quan trọng trong kênh dẫn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với nhiều cách làm hay, linh hoạt, đầy sáng tạo, phụ nữ trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc - huyện cửa ngõ khu vực cù lao Minh, tỉnh Bến Tre, trong vai trò Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn đã nối dài "kênh" dẫn vốn, phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng vốn ưu đãi của Chính phủ, qua đó góp phần giúp các nơi "khát vốn" có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chú thích ảnh
Bà Phạm Thị Thảo (sinh năm 1972) - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Đông Trị, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre (ở giữa) đã trở thành “nhịp cầu nối” quen thuộc của những hộ gia đình khó khăn trên địa bàn bàn với ngân hàng chính sách xã hội. 

Nhịp cầu để thoát nghèo

Hơn 10 năm gắn bó cùng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc, bà Phạm Thị Thảo (sinh năm 1972) - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Đông Trị, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, đã trở thành "cầu nối" quen thuộc của những hộ khó khăn, "khát vốn" tại ấp Đông Trị với "Ngân hàng vì người nghèo".

Chia sẻ về công việc đã gắn bó hơn chục năm qua, bà Thảo cho hay, lúc mới tiếp nhận công việc, bà cũng rất lo lắng. Vì bà con xóm làng, bà đã nỗ lực học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu quy định mới nhất về vay vốn, cố gắng nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình, nhu cầu vay vốn của các thành viên trong Tổ Tiết kiệm và vay vốn để tư vấn, hỗ trợ thông qua các buổi họp tổ thường kỳ, buổi giao lưu, thậm chí đến từng nhà hướng dẫn.

Bà Phạm Thị Thảo cho biết thêm, điều quan trọng nhất để tạo nên uy tín của người Tổ trưởng là trong quá trình bình xét cho vay phải luôn tôn trọng các thành viên, lấy ý kiến công khai; đồng thời phân tích để thành viên hiểu được trường hợp, hoàn cảnh khó khăn cần ưu tiên, tạo điều kiện cho vay với nguồn vốn cao nhất. Bên cạnh đó, khi nguồn vốn được giải ngân, Tổ trưởng không bỏ mặc thành viên tự tìm hướng đi cho mình mà cần thường xuyên bám sát, gần gũi, động viên họ tham gia lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, định hướng để thành viên chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Từ khoảng 30 hộ vay vốn ban đầu, đến nay trong ấp Đông Trị đã có 60 hộ được tiếp cận nguồn vốn chính sách (với tổng dư nợ hơn 2,2 tỷ đồng), nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu; trong đó điển hình là gia đình anh Lê Vũ Linh.

Anh Linh (sinh năm 1992) chia sẻ, trước đây thuộc diện hộ nghèo, các thành viên gia đình phải đi làm công nhân, giúp việc nhà ở miền Đông Nam Bộ. Công việc làm thuê không ổn định, năm 2019, anh về quê, được tham gia vào Tổ Tiết kiệm và vay vốn của bà Phạm Thị Thảo. Anh được hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc để chăn nuôi dê. Với số tiền vay 100 triệu đồng ban đầu, anh đầu tư chuồng trại chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt; đến nay không những thoát nghèo, anh đã trở thành một trong những hộ vay có nguồn thu nhập cao nhất tổ.

Duy trì thói quen tiết kiệm

Chú thích ảnh
Bà Trần Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Đông Thạnh, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre (bên phải) đi từng nhà tuyên truyền liên quan đến nguồn vốn chính sách, huy động tiền gửi tiết kiệm, những thay đổi về điều chỉnh lãi suất,... cho người dân nắm. 

Bất kể nắng mưa, tranh thủ những lúc rảnh rỗi bà Trần Thị Lệ (sinh năm 1965) - Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Đông Thạnh, xã Thành An, lại đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền nhiều văn bản, tài liệu liên quan đến nguồn vốn chính sách, huy động tiền gửi, những thay đổi về điều chỉnh lãi suất...

Theo chân bà đến nhà chị Nguyễn Thị Thu Thủy là hộ vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thủy vui mừng cho biết, nhiều năm nay, gia đình chị phải sử dụng nguồn nước sông để sinh hoạt. Được sự hướng dẫn tận tình của Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ ấp, gia đình chị đã làm hồ sơ vay 20 triệu đồng, đầu tư xây bể chứa nước, ống dẫn nước và xây dựng công trình nhà vệ sinh khép kín. Nhờ đó, gia đình chị đã có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ngoài nộp tiền lãi vay ngân hàng, hàng tháng, chị Nguyễn Thị Thu Thủy dành dụm 200 ngàn đồng để gửi tiết kiệm, vừa phòng ngừa lúc rủi ro, vừa tạo điều kiện thêm cho nhiều gia đình được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng. Chị Thủy cho biết, nhờ sự tuyên truyền, vận động của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị đã dành dụm gửi tiền tiết kiệm được hơn một năm. "Duy trì mỗi tháng, đến thời điểm trả nợ gốc gia đình đỡ được một khoản chi đáng kể".

Theo bà Trần Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Đông Thạnh, xã Thành An, đây là giải pháp tốt nhất để các hộ dân duy trì thói quen tiết kiệm "tích tiểu thành đại". Mức gửi phụ thuộc vào khả năng kinh tế của từng tổ viên, được các tổ viên thống nhất trong quy ước hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, vừa trả lãi vay, vừa gửi tiết kiệm mỗi tháng, tạo thành thói quen để dành tiền, không gây áp lực tài chính lên các hộ. Số tiền gửi tuy nhỏ nhưng mang lại lợi ích về lâu dài". Hiện hầu hết các thành viên trong tổ của bà Lệ đều tham gia gửi tiết kiệm, với mức đóng từ 200 nghìn đồng - 1 triệu đồng/tháng. "Có những gia đình duy trì gửi tiết kiệm nhiều năm, đến kỳ trả nợ gốc đã tiết kiệm được hàng chục triệu đồng", bà Lệ chia sẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thị Bé Hồng cho biết, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đều là các Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của ấp, nên nắm rất chắc tình hình hội viên tại cơ sở. Đồng thời, với tinh thần trách nhiệm cao, các chị trở thành những tuyên truyền viên nhiệt tình, khéo léo, "những cánh tay nối dài" đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến tận đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả cao nhất của vốn vay, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo của địa phương, tạo việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện tiếp tục phát huy vai trò định hướng và là cầu nối hỗ trợ hiệu quả để hội viên phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Theo đó, Hội Phụ nữ huyện thường xuyên tuyên truyền và triển khai sâu rộng hơn nữa về chính sách tín dụng đối với người dân để các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn. Mặt khác, Hội Phụ nữ huyện chú trọng tuyên truyền để hoạt động vay vốn gắn với huy động tiết kiệm giúp giảm gánh nặng trả nợ gốc...

Theo thống kê, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Mỏ Cày Bắc, đơn vị hiện ủy thác nguồn vốn cho 4 tổ chức gồm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, trong đó Hội Phụ nữ chiếm 42% nguồn vốn ủy thác. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỏ Cày Bắc đã thành lập được 125 Tổ tiết kiệm và vay vốn, giải ngân cho hơn 5.500 thành viên vay vốn, tổng dư nợ hơn 146,8 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030
Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 5/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN