Phóng viên chiến trường và tình yêu Việt Nam

Gần 50 phóng viên chiến trường quốc tế từng đưa tin về chiến tranh tại Việt Nam đã có cuộc hội ngộ đặc biệt giữa Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh vào đúng dịp cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Chú thích ảnh
Đại diện các cựu phóng viên chiến trường trong nước và quốc tế tham gia giao lưu. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Họ cùng nhau ôn lại ký ức về những ngày hoạt động trên các chiến trường, sự gắn bó với đất nước, con người Việt Nam trong những năm tháng đầy gian khổ. Dù trên nhiều cương vị khác nhau nhưng họ đều có chung tình yêu với Việt Nam.

Những ký ức đau thương

Trên chuyến metro từ trung tâm ra ngoại ô TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được nghe câu chuyện của một phóng viên chiến trường, ông David Devoss. Năm 1972, chàng thanh niên gốc Hoa Kỳ lúc đó đang là phóng viên tờ New York Times nhận nhiệm vụ đến đưa tin về chiến tranh tại Việt Nam. Trong gần 3 năm “lăn lộn” trên các chiến trường từ Sài Gòn đến Tây Ninh, ông từng chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Khói lửa chiến tranh đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người dân vô tội. Nhiều em bé mồ côi, nhiều gia đình mất đi người thân.

“Trong một lần đưa tin về cuộc giao tranh khốc liệt ở vùng An Lộc (Tây Ninh), tôi đã bị thương nặng. Nhiều mảnh kim loại đã phá hỏng đầu gối bên phải, khiến tôi mãi mãi không thể đi lại bình thường. Tôi liên tục viết nhiều bài viết lên án chiến tranh, lên án hành động làm tổn hại đến cuộc sống con người. Những mất mát trong chiến tranh không gì bù đắp có thể bù đắp được”, ông David Devoss kể lại.

Cùng chung ký ức về những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra như ông David Devoss, một phóng viên chiến trường khác của New York Times và Tạp chí Times, ông Tom Fox kể với chúng tôi câu chuyện của mình bằng tiếng Việt: “Vì ghét chiến tranh nên tôi nhất quyết không đi lính. Tôi đến Việt Nam làm tình nguyện viên. Tôi đi khắp nơi ở miền Nam để giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi, gia đình bị nghèo đói do chiến tranh. Vì thế mà tôi càng thấm thía những nỗi đau do chiến tranh gây ra”.

Trong thời gian làm tình nguyện, ông Tom Fox bắt đầu học tiếng Việt và trở thành phóng viên chiến trường để có thể lên tiếng cho thế giới biết về những gian khó mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu.

Từng đưa tin cảnh quân đội Mỹ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973, bà Edith Madelen Ledever, người duy nhất trong số 47 phóng viên chiến trường trở lại Việt Nam dịp 30/4 này vẫn còn đang “cầm bút” (bà đang là Trưởng Văn phòng AP tại Liên hợp quốc) cho biết, khi đó, bà là nữ phóng viên chiến trường duy nhất ở Việt Nam vào năm 1973. Sau bà có thêm vài đồng nghiệp nữ khác cũng được AP cử đến Việt Nam.

“Dù là phụ nữ nhưng chúng tôi không ngại xông pha chiến trường, đưa tin về tất cả các điểm nóng. Điều đau lòng là so với những vất vả của chúng tôi thì mất mát của người dân Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Chúng tôi luôn trăn trở khi nhớ về những ký ức đau thương trong chiến tranh, nơi mà nhiều người bạn Việt Nam và cả các đồng nghiệp của chúng tôi đã ngã xuống”, bà Edith Madelen Ledever xúc động kể.

Chung một tình yêu

Chú thích ảnh
Ông Tom Fox, cựu phóng viên nhật báo The New York Times và Tạp chí TIME giao lưu bằng tiếng Việt lưu loát. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Trở lại Việt Nam sau nửa thế kỷ (kể từ ngày 30/4/1975), các phóng viên chiến trường cùng nhau ôn lại nhiều ký ức đau thương nhưng cũng xen lẫn niềm hạnh phúc. Họ có chung một tình yêu với Việt Nam, một đất nước xinh đẹp và những con người đầy bao dung. Sau giải phóng, một số phóng viên chiến trường đã trở lại Việt Nam, lấy vợ người Việt, học tiếng Việt và thêm hiểu, thêm yêu đất nước này.

Ông Tom Fox chia sẻ, ông đã học tiếng Việt trong 5 tháng sau khi kết thúc đợt tình nguyện trở  nước. Ông từng đọc rất nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam, đặc biệt là Truyện kiều của Nguyễn Du. Từ đó, ông dần nảy sinh tình cảm với đất nước, con người Việt Nam nên đã trở lại miền Nam trong vai trò phóng viên chiến trường.

“Trong thời gian làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam, tôi vinh dự được quen biết với ông Phạm Xuân Ẩn, một tình báo nổi tiếng. Từ đây, đem đến cơ duyên để tôi gặp được vợ tôi bây giờ, một cô gái Cần Thơ. Chúng tôi đã chung sống hạnh phúc bên nhau hơn 50 năm, có với nhau 2 người con và 3 đứa cháu. Tình yêu với Việt Nam chưa bao giờ phai nhạt trong tim tôi”, ông Tom Fox chia sẻ thêm.

Sau ngày Việt Nam giải phóng, ông David Devoss luôn muốn trở lại An Lộc, nơi ông bỏ lại một chân của mình nhưng không thành. Mãi đến năm 1990, ông đã trở lại Việt Nam để viết bài về những gia đình Việt kiều (những người rời đi vào năm 1975) hồi hương, phát triển kinh doanh và đóng góp cho Việt Nam. “Con người Việt Nam luôn hiền hòa, hiếu khách. Đất nước Việt Nam đã vực dậy sau chiến tranh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là ở giai đoạn những năm 1990. Còn bây giờ tôi đã thấy một Việt Nam hoàn toàn khác. Đẹp hơn, giàu có hơn”, ông David Devoss chia sẻ thêm.

Chú thích ảnh
Một số ảnh tư liệu về các phóng viên chiến trường trong và ngoài nước trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước được trưng bày tại buổi gặp mặt. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Có mặt tại Việt Nam đưa tin về cả hai cuộc chiến (chống đế quốc Mỹ và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc), ông Jim Laurie, cựu phóng viên chiến trường của NBC News kể lại, ông là một trong số ít phóng viên chiến trường được chứng kiến sự kiện ngày 30/4/1975. Trong ký ức của ông là hình ảnh từng đoàn xe tăng tiến vào thành phố. Người dân tràn hết ra đường để chào đón quân giải phóng và hòa chung niềm vui kháng chiến thành công, đất nước liền một mối.

“Vào khoảng 10 giờ sáng 30/4/1975, tôi đã có mặt khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng. Khoảnh khắc kết thúc chiến tranh khiến tôi nhớ mãi. Về sau, tôi vẫn luôn quan tâm và theo dõi quá trình tái thiết, đổi mới và phát triển của Việt Nam sau này”, ông Jim Laurie cho biết.

Có lẽ, ông Jim Laurie là một trong số ít những phóng viên chiến trường chứng kiến cả thời chiến và thời bình ở Việt Nam. Sau giải phóng, ông còn trở lại Việt Nam nhiều lần nữa vào các năm 1986 (sau đổi mới), năm 2000 và gần đây nhất là cách đây 3 tháng.

“Tôi đã dành thời gian đi dọc đất nước Việt Nam và chứng kiến toàn diện sự đổi thay sau 50 năm giải phóng. So với những gì tôi chứng kiến trong chiến tranh, thì Việt Nam đã dần vượt lên quá khứ đầy bom đạn và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ”, ông Jim Laurie chia sẻ thêm. 

Giống như Jim Laurie, ông Nayan Chanda, một phóng viên chiến trường tại Việt Nam quyết định ở lại sau ngày 30/4/1975 trong khi các đồng nghiệp lần lượt rời đi. Ông Nayan Chanda cho biết: “Sau khi xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn, đến trưa người dân đổ ra đường ăn mừng thắng lợi. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng dù mỗi người một phương nhưng họ xem nhau như anh em một nhà, hỏi han nhau rất thân tình. Những hình ảnh đó thật ấm áp và gây ấn tượng với tôi”.

Sau này, ông Nayan Chanda viết rất nhiều bài báo và sách về Việt Nam. Trong các tác phẩm của mình, ông luôn gửi gắm thông điệp “Tình yêu của người Việt Nam dành cho đất nước của họ là điều mà toàn thế giới nên học hỏi”.

Hữu Duyên - Hồng Giang (TTXVN)
Cựu phóng viên chiến trường trong và ngoài nước gặp lại sau 50 năm giải phóng
Cựu phóng viên chiến trường trong và ngoài nước gặp lại sau 50 năm giải phóng

Ngày 27/4, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Ngoại vụ Thành phố tổ chức chương trình gặp mặt và giao lưu giữa 47 cựu phóng viên chiến trường quốc tế từng đưa tin về chiến tranh kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam cùng phóng viên kiều bào và một số cựu phóng viên chiến trường trong nước nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Xuyên suốt buổi giao lưu, các phóng viên dù thuộc hai chiến tuyến nhưng đều có chung một câu chuyện về tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN