Phòng bệnh trong mùa xuân: Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh

Tiết trời mùa xuân với đặc điểm không nóng, không lạnh, lại thêm không khí ẩm ướt là những điều kiện thuận lợi để virút gây bệnh phát triển. Do đó, các bệnh lây như cúm, sốt phát ban, sởi, quai bị, thủy đậu… rất dễ bùng phát thành dịch.

Thống kê của Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho thấy, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số loại dịch bệnh mùa đông xuân có xu hướng diễn biến phức tạp hơn với số bệnh nhân mắc có xu hướng tăng, nhất là các dịch bệnh ở trẻ em như dịch sốt phát ban nghi do sởi, do rubella, tiêu chảy cấp, thủy đậu…

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết: “Trong 6 tuần đầu của năm 2011 có 78 trường hợp mắc cúm A/H1N1, phân bố rải rác ở 54 phường, xã của 14 quận, huyện, thị xã. TTYTDP Hà Nội giám sát 68 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tiến hành điều tra và lấy mẫu máu để xác định căn nguyên”.

Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết cũng xuất hiện tản mát với 109 trường hợp nghi sốt xuất huyết phân bố ở 41 phường, xã của 12 quận, huyện, thị xã, số mắc tương đương với cùng kỳ năm 2010. “Tuy mới bắt đầu vào mùa bệnh thủy đậu song mỗi tuần đã ghi nhận khoảng 10 - 20 ca mắc (chỉ tính những ca bệnh nặng, lấy mẫu xét nghiệm). Hiện Hà Nội chưa xuất hiện bệnh tả, cúm A/H5N1, bại liệt, bạch hầu…”, ông Cảm khẳng định.

Đại diện Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cũng cho biết, trong tháng 2 này, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết, sốt phát ban, cúm (trong đó có cúm A/H1N1) và một số ca tiêu chảy cấp…

“Phần lớn các ca nhiễm cúm A/H1N1 đều ở thể nhẹ, không có biến chứng nặng, một số trường hợp có thai nhưng đều đã khỏi. Tuy nhiên cũng có một vài ca viêm phổi nặng. Rất may là sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đều phục hồi”, Ths Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, cho hay.

Theo Ths Hà, hiện khó có thể xác định được có bao nhiêu ca nhiễm cúm A/H1N1 trong cộng đồng, bởi lẽ không thể xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi nhiễm. Tuy nhiên, qua việc lấy mẫu xét nghiệm một số bệnh nhân thì có thể khẳng định virút cúm A/H1N1 đang lưu hành đã gây thành dịch nhưng với quy mô không rầm rộ. “Người dân không cần quá lo lắng về tình hình dịch, tuy nhiên vẫn cần phải cảnh giác. Những nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ bị nặng như: Người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính thì cần nhập viện điều trị sớm, tránh biến chứng nặng. Khi thấy dấu hiệu nặng lên với các biểu hiện như viêm phổi, suy hô hấp, sốt quá cao… thì người nhiễm cúm cũng cần tới bệnh viện ngay để phòng những biến chứng đáng tiếc”, Ths Hà khuyến cáo.

Cẩn trọng với dịch bệnh ở trẻ nhỏ

BS Nguyễn Văn Lộc, Phòng khám tự nguyện A, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết: “Hô hấp, quai bị, thủy đậu, sốt phát ban… là những bệnh chủ yếu mà các bệnh nhi hay gặp trong thời gian này”.

Theo BS Lộc, có khá nhiều trẻ dưới 1 tuổi bị sốt phát ban. Khi bị nhiễm virút gây bệnh, trẻ có thể sốt cao (hoặc thấp), sau đó phát ban toàn thân, trong vòng 3 - 5 ngày có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp có biến chứng viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy.

“Nếu phát ban rồi mà lại sốt cao lên thì đó là biểu hiện của biến chứng, cần phải đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay”, BS Lộc căn dặn. Sốt phát ban chưa có thuốc phòng bệnh cũng như thuốc đặc trị. Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Sớm phát hiện các biến chứng, để kịp thời điều trị cho trẻ. Nên cho trẻ mắc bệnh nghỉ học. Vệ sinh thân thể sạch sẽ nhưng lưu ý phải kín gió, nước đủ ấm và sau đó phải mặc ấm cho trẻ…

Đối với bệnh quai bị, một số trường hợp có thể bị biến chứng: Viêm tuyến mang tai, viêm sinh dục (buồng trứng, teo tinh hoàn), não và màng não. “Đối với những trường hợp bị biến chứng, virút quai bị sau khi vào hạch hay hạch ở cổ, hoặc vào tuyến mang tai thì nhanh chóng phát tán vào máu, sau đó đi khắp cơ thể và có thể gây rất nhiều bệnh. Cơ quan hay mắc bệnh nhất là hệ thần kinh trung ương, gây viêm não, viêm màng não. Đây là một biến chứng nặng, để lại di chứng nặng nề, thậm chí có trường hợp đã tử vong”, BS Lộc khuyến cáo.

Hiện nay, quai bị cũng là một bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Có thể phòng bệnh bằng tiêm vắcxin. Để phòng tránh những biến chứng cho trẻ, các bậc phụ huynh lưu ý nếu trẻ (cả người lớn) bị sưng tinh hoàn thì cố gắng cho trẻ nằm im, không được chạy nhảy, không nên đi lại ít nhất từ 7 - 10 ngày. Đặc biệt, khi thấy trẻ có biểu hiện sưng tuyến mang tai, sốt cao, co giật, hôn mê, mất tri giác… thì phải đưa đến bệnh viện ngay, vì đó là những biểu hiện của viêm não.

“Mùa xuân này, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ. Hiện nay, cũng có khá nhiều trẻ tới khám, điều trị tại bệnh viện do mắc căn bệnh này”, BS Lộc lưu ý thêm.

Theo BS Lộc, thủy đậu là một bệnh do siêu vi trùng gây nên, lây theo đường hô hấp và còn lây theo đường trực tiếp tức là lây qua đường tiếp xúc nếu bọng nước vỡ (chứa rất nhiều virút). Mùa của bệnh thủy đậu thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5, có thể bùng phát thành dịch.

Nhìn chung, khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh thường tiến triển lành tính: Nốt thủy đậu thường thưa, sức khỏe của trẻ ít thay đổi; đến ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 6, nốt đậu đóng vẩy, vẩy có màu nâu sẫm. Một tuần sau vẩy bong và không để lại sẹo khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, không được chăm sóc chu đáo, không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ nặng, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm họng…

Khi trẻ mắc bệnh, vẫn cần phải vệ sinh thân thể một cách nhẹ nhàng bằng khăn xô mỏng với nước lá bưởi, chanh, mùi, sài đất. Khi tắm phải rất cẩn thận để tránh làm vỡ các nốt thủy đậu. Giữ cho da của trẻ luôn luôn sạch sẽ, giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay; trẻ nhỏ phải cho mang bao tay. Sau tắm, cần chấm khô thân thể và bôi xanh methylen lên các nốt thủy đậu.

“Để phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắcxin thủy đậu. Còn để phòng biến chứng thì nên đưa bệnh nhi tới cơ sở y tế, tùy từng trường hợp các BS sẽ hướng dẫn cách chăm sóc hoặc giữ lại cơ sở y tế để điều trị”, BS Lộc khuyến cáo.

Như vậy, bệnh thủy đậu, sởi, quai bị, rubella đều đã có vắcxin phòng ngừa, các bậc cha mẹ nên tiêm cho trẻ theo đúng khuyến cáo chứ không nên để khi dịch xảy ra mới đưa trẻ đi tiêm. Bởi lẽ, lúc đó có thể trẻ đã bị lây bệnh, vắcxin không kịp có tác dụng bảo vệ hoặc do nhiều người có nhu cầu tiêm nên cơ sở y tế không đáp ứng đủ vắcxin…

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN