Tại tỉnh Kon Tum, Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, phát huy tốt vai trò trong tuyên truyền về bầu cử và phòng, chống dịch bệnh, góp phần để cuộc bầu cử diễn ra thành công và an toàn.
Những ngày này, chiếc loa di động của Đoàn Thanh niên xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cùng các đoàn viên, thanh niên trong xã “rong ruổi” đến các thôn, làng để phát thông tin về cuộc bầu cử cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ra đời từ cuối năm 2020, với nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con về dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây, chiếc loa di động giờ đã trở thành phương tiện truyền thông rất hiệu quả, giúp đồng bào hiểu hơn về các nội dung liên quan đến bầu cử và phòng, chống dịch bệnh.
Anh Vũ Văn Linh, Bí thư Đoàn xã Đăk Hring cho biết, công tác tuyên truyền còn gặp một số khó khăn như: hệ thống loa không dây hay bị trục trặc, nhất là vào mùa mưa; trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ người dân biết tiếng Việt ít nên ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền. Mặc dù vậy, các đoàn viên, thanh niên đã cố gắng khắc phục để thực hiện tốt nhiệm vụ. Cùng với việc đưa loa di động đi phát thông tin tuyên truyền, Đoàn xã đã kết hợp với việc phát tờ rơi để bà con hiểu tiếng Việt có thể dễ dàng chuyển tải thông tin đến những người khác. Đồng thời, nội dung, thông tin được phát cho các tuyên truyền viên tại cơ sở để có thể truyền thông tin đến người dân bằng các ngôn ngữ bản địa.
“ Đồng bào dân tộc thiểu số thường đi làm nương, rẫy vào các ngày trong tuần, chỉ ở nhà vào thứ Bảy, Chủ nhật. Do vậy, chúng tôi tranh thủ những ngày cuối tuần hoặc sau giờ chiều để đi tuyên truyền. Chúng tôi di chuyển liên tục qua các thôn, làng, có thể sáng ở thôn này, chiều lại sang thôn khác, tại mỗi thôn sẽ liên tục phát các nội dung liên quan đến bầu cử và phòng, chống COVID-19 để bà con nắm được”, anh Linh cho biết thêm.
Anh A Y, thôn Đăk Klong, xã Đăk Hring chia sẻ, thông qua hệ thống loa, đài tuyên truyền, trong đó có hệ thống loa di động của Đoàn xã, anh đã hiểu được việc đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, qua đó lựa chọn những người xuất sắc để bầu vào Hội đồng nhân dân các cấp. Nhờ vậy, anh hiểu rõ vừa tham gia bầu cử đầy đủ, vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 như phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, rửa tay, sát khuẩn. Việc tuyên truyền bằng loa không dây vào tận trong xóm, trong đường, hẻm của cả thôn, giúp nhân dân trong làng nghe và hiểu rất rõ.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum Bạch Thị Mân cho biết, để tuyên truyền sâu rộng về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, ngay từ đầu năm 2021, Tỉnh Đoàn và các đơn vị Đoàn cấp huyện, thành phố đã tập trung tuyên truyền về các nguyên tắc, quy trình bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm của cử tri trong quá trình tham gia bầu cử… trên các nền tảng mạng xã hội như facebook hay zalo. Đồng thời, các đơn vị Đoàn chủ động tuyên truyền kép về phòng chống dịch bệnh và cuộc bầu cử thông qua mô hình “Tiếng loa thanh niên” đến từng đường làng ngõ xóm tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với mô hình “Tiếng loa thanh niên”, Tỉnh Đoàn chỉ đạo các đơn vị tích cực tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên khi tham gia bầu cử trong ngày 23/5 phải thực hiện tốt Thông điệp 5K của Bộ Y tế, hỗ trợ người dân tại các điểm bầu cử giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn trước khi tham gia bỏ phiếu…
Xác định phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, ngay từ đầu năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã triển khai các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ nữ trên địa bàn về các thông tin liên quan đến bầu cử. Trong đó, Hội tập trung vào các hoạt động thể hiện được chức năng, nhiệm vụ, vai trò của các cấp Hội, hội viên phụ nữ, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông thông qua các ấn phẩm thông tin của hội như tờ thông tin phụ nữ, trang thông tin điện tử, facebook của phụ nữ Kon Tum. Tại các buổi sinh hoạt chi hội, các nội dung liên quan đến bầu cử và phòng, chống dịch bệnh được Hội Phụ nữ các cấp chú trọng tuyên truyền đến các hội viên.
Chị Lê Thị Hồng Hoa, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum cho biết, sau khi được nghe tuyên truyền, chị nhận thức rõ Ngày Bầu cử là Ngày hội lớn của non sông, là ngày cử tri thực hiện quyền bầu cử, sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài đại diện cho nhân dân. Sau khi hiểu, chị đã về tuyên truyền cho gia đình, xóm làng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, chị góp phần nhắc nhở mọi người cùng nhau thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch.
Bà Trần Thị Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum chia sẻ, bên cạnh việc tuyên truyền về bầu cử và phòng, chống dịch COVID-19, Hội đặc biệt chú trọng đến các nữ ứng cử viên. Trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 10 lớp tuyên truyền cấp tỉnh cho các ứng cử viên là phụ nữ, hàng ngàn lượt cấp huyện, xã cho trên 1.200 phụ nữ ứng cử viên là cán bộ hội các cấp.
Song song với đó, Hội tập trung tuyên truyền để hội viên thực hiện tốt việc tham gia phòng, chống dịch COVID-19, nhất là khi đi bầu cử. Hội Liên hiệp Phụ nữ 4 huyện, 13 xã biên giới phối hợp chặt chẽ với các Đồn Biên phòng đứng chân tại địa bàn để tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống dịch CCVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép.
“Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động hội viên, phụ nữ có nghề may tham gia các tổ, nhóm may khẩu trang vải tặng người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và các khu cách ly tập trung của tỉnh, huyện. Đến nay, các chị em đã may và tặng được trên 50.000 khẩu trang. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, hội viên, phụ nữ... hỗ trợ tiền mặt và khẩu trang y tế; vận động, khuyến khích hội viên, phụ nữ tự nguyện đăng ký tham gia các hoạt động hỗ trợ, phục vụ hậu cần tại các khu cách ly tập trung của tỉnh và huyện khi có yêu cầu. Qua đó, góp phần động viên các lực lượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch”, bà Phong Lan nhấn mạnh.