Phát huy vai trò của công đoàn cơ sở trong phòng ngừa các nguy cơ rủi ro tại nơi sản xuất ​

Một trong những công việc quan trọng để làm giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là phải nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại nơi sản xuất để từ đó có các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ.

Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2020, TTXVN xin trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam về nhận diện, phòng ngừa các nguy cơ tại nơi sản xuất, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc giảm thiểu tai nạn lao động. Nội dung bài viết như sau:

Chú thích ảnh
Đông đảo công nhân, người lao động Công ty trách nhiệm hữu hạn May thêu Vĩnh Dương (TP Hồ Chí Minh) thu dọn vệ sinh ngay tại trước cổng cơ quan và ngay tại nơi làm việc. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, ngoài những thành tựu kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn về tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường an toàn vệ sinh lao động... Nền sản xuất công nghiệp còn mang nặng dấu ấn lạc hậu về công nghệ và thiết bị. Đa số các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ nằm rải rác trong các đô thị và khu dân cư, cơ cấu ngành công nghiệp không hoàn chỉnh.

Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất và việc phân bố các cơ sở sản xuất thiếu quy hoạch đã đặt ra nhiều vấn đề phức tạp mà Việt Nam đang phải đối mặt. Nhiều khu công nghiệp mới đang trong giai đoạn hình thành và phát triển mạnh mẽ về cả chất và lượng với sự đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Một số ngành công nghiệp như: dầu khí, vật liệu xây dựng, hóa chất, lắp ráp ô tô, điện tử, dệt - may, đồ gia dụng và chế biến nông - lâm sản - thực phẩm đang là những ngành nhận được ưu tiên đầu tư của Chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên những ngành này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Trong Điều 9 và Điều 10 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có nêu vai trò của các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở, trong đó có mạng lưới an toàn vệ sinh viên (người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra) có thể tham gia với cơ sở sản xuất làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động. Luật cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, hoặc các biện pháp khắc phục, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động, khi phát hiện nơi làm việc có yếu tố có hại hoặc yếu tố nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người trong quá trình lao động.

Các cấp công đoàn kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn vệ sinh lao động, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động... Một trong những nguyên nhân gốc rễ của thương tích nơi làm việc, bệnh tật và sự cố là không xác định hoặc nhận ra các mối nguy hiểm hiện diện hoặc có thể đã được dự đoán.

Để xác định và đánh giá được các mối nguy hiểm, cán bộ phụ trách an toàn vệ sinh lao động của công đoàn và an toàn vệ sinh viên phải thường xuyên thu thập và xem lại thông tin về các nguy cơ hiện diện hoặc có khả năng xảy ra tại nơi làm việc; tiến hành kiểm tra nơi làm việc thường xuyên để xác định các mối nguy hiểm mới có thể có hoặc tái diễn, các mối nguy hiểm tiềm ẩn và những thiếu sót trong kế hoạch an toàn vệ sinh lao động của cơ sở sản xuất...

Để giúp các cán bộ phụ trách an toàn vệ sinh lao động của công đoàn và an toàn vệ sinh viên nhận dạng và đánh giá nguy cơ được tốt, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam đã nghiên cứu và tìm ra bước tiến hành: Thu thập thông tin hiện có về mối nguy hiểm tại nơi làm việc; kiểm tra nơi làm việc để xác định các mối nguy hiểm có thể gây thương tích; xác định mối nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe người lao động; xác định nguy cơ rủi ro có thể xảy ra trên các vị trí làm việc; đánh giá mức độ nguy hại cho các mối nguy và xác định các biện pháp kiểm soát.

Việc kiểm tra nơi làm việc để xác định các mối nguy hiểm có thể gây thương tích cũng rất quan trọng. Các mối nguy hiểm tại các vị trí làm việc có thể sẽ thay đổi theo thời gian khi các máy móc, thiết bị và quy trình sản xuất thay đổi; thiết bị hoặc dụng cụ bị bào mòn, các chi tiết máy đến giới hạn mỏi, quên bảo trì hoặc công tác vệ sinh công nghiệp kém. Nếu cơ sở sản xuất coi trọng và thường xuyên kiểm tra các mối nguy hiểm cho các vị trí làm việc có thể giúp xác định những thiếu sót để có thể giải quyết chúng trước khi xảy ra sự cố.

Để có thể thực hiện công tác này, công đoàn và an toàn vệ sinh viên cần tiến hành kiểm tra thường xuyên tất cả các hoạt động sản xuất, các thiết bị máy móc, các khu vực làm việc và cơ sở vật chất nhà xưởng. Yêu cầu cán bộ phụ trách an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp tham gia vào đội kiểm tra và trao đổi với họ về các mối nguy hiểm mà họ thấy hoặc báo cáo.

Cán bộ công đoàn cần ghi chép đầy đủ các nội dung kiểm tra và lưu lại để sau này có thể xác minh rằng các điều kiện nguy hiểm được sửa chữa; chụp ảnh hoặc quay video các khu vực có vấn đề để tạo thuận lợi cho cuộc trao đổi thảo luận về cách kiểm soát chúng và để sử dụng như một tư liệu hỗ trợ huấn luyện định kỳ cho người lao động.

Đối tượng kiểm tra này bao gồm tất cả các công đoạn sản xuất và phục vụ sản xuất, chẳng hạn như kho lưu trữ và kho bãi, cơ sở và thiết bị bảo trì, xe nâng hàng, xe điện nội bộ, các phương tiện vận chuyển (xe tải, xe goòng,...); công tác mua sắm nguyên vật liệu, vật tư và các hoạt động của các nhà thầu, nhà thầu phụ và cả người lao động hợp đồng ngắn hạn.

Một trong những bước quan trọng là đánh giá và hiểu các mối nguy hiểm được xác định và các loại sự cố có thể xảy ra do người lao động tiếp xúc với những mối nguy hiểm đó. Thông tin này có thể được sử dụng để tiến hành các biện pháp kiểm soát mối nguy tạm thời, đồng thời theo thứ tự ưu tiên các mối nguy hiểm để lên kế hoạch kiểm soát lâu dài.

Để thực hiện, chúng ta đánh giá từng mối nguy bằng cách xem xét mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ, khả năng xảy ra sự việc, khả năng tiếp xúc và số lượng người lao động có thể bị phơi nhiễm. Sau khi nhận diện và đánh giá, sử dụng các biện pháp kiểm soát tạm thời để bảo vệ người lao động cho đến khi có thể triển khai nhiều giải pháp lâu dài hơn...

Để kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ rủi ro cho tính mạng và sức khỏe người lao động, công đoàn tác động và giám sát để người sử dụng lao động nâng cao nhận thức cho người lao động để họ có thể có sự hiểu biết tốt nhất về các điều kiện tạo ra mối nguy hiểm và hiểu biết phương thức phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; xác định và đánh giá các giải pháp để kiểm soát các mối nguy hiểm tại cơ sở sản xuất; xây dựng kế hoạch kiểm soát nguy cơ rủi ro để hướng dẫn việc lựa chọn và thực hiện kiểm soát theo kế hoạch đã đề ra; xây dựng các kế hoạch với các biện pháp phòng ngừa trong các trường hợp khẩn cấp và các sự cố bất thường ngoài dự kiến...

Rất nhiều cách thu thập thông tin giúp cho công đoàn cơ sở kiểm tra các giải pháp phòng ngừa các mối nguy hiểm mà doanh nghiệp đã áp dụng. Trước khi chọn giải pháp phòng ngừa, công đoàn cần yêu cầu người sử dụng lao động cho người lao động biết về tính khả thi và hiệu quả của giải pháp đó để họ biết, tham gia và yên tâm làm việc với mục đích nâng cao năng suất lao động. Công đoàn cũng cần yêu cầu doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kiểm soát nguy cơ, trong đó có các giải pháp cụ thể để phòng ngừa các nguy cơ rủi ro.

Để phòng ngừa tai nạn lao động, công tác nhận dạng các nguy cơ để phòng ngừa, kiểm soát chúng nhằm kéo giảm tai nạn lao động trong sản xuất là rất quan trọng vì nguy cơ rủi ro có thể mang đến những hậu quả nặng nề. Nguy cơ rủi ro có thể được giảm thiểu bằng cách kiểm soát hoặc loại bỏ các mối nguy hiểm nhằm giảm sự tiếp xúc của người lao động với các mối nguy hiểm đó.

Có thể nói, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức công đoàn ít ỏi trên thế giới có đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động vừa mạnh về số lượng, vừa có chất lượng trong cả 4 cấp. Công đoàn Việt Nam quản lý viện khoa học an toàn vệ sinh lao động với hơn 200 nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và một hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia, hàng năm triển khai nhiều công trình nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất phục vụ người lao động; quản lý 2 trường đại học đào tạo dài hạn cán bộ chuyên môn về an toàn vệ sinh lao động (duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương), hàng năm cung cấp hàng trăm kỹ sư cho các cơ sở sản xuất, các cấp công đoàn, các trường đại học và viện nghiên cứu.

Ngoài ra, theo Luật An toàn, vệ sinh lao động, công đoàn còn được giao tổ chức và quản lý mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất trên toàn quốc. Vì thế, việc tham gia có hiệu quả công tác phòng ngừa các nguy cơ rủi ro tại nơi sản xuất góp phần kéo giảm tai nạn lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là “được làm việc trong một môi trường an toàn và hợp vệ sinh.

TTXVN/Báo Tin tức
Thị trường lao động việc làm TP Hồ Chí Minh trầm lắng do dịch COVID-19
Thị trường lao động việc làm TP Hồ Chí Minh trầm lắng do dịch COVID-19

Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường lao động tại thành phố trong 5 tháng qua gần như chững lại, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giảm mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN