Đây là dịp để các cấp Công đoàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra tại các đơn vị doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều nguy cơ tiềm ẩn tai nạn cao.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, công tác an toàn vệ sinh lao động luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp Công đoàn quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mới, hiệu quả góp phần cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định tại doanh nghiệp, chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho người công nhân lao động.
Tuy nhiên, trên thực tiễn, tình hình tai nạn lao động vẫn xảy ra nhiều. Trong đó, năm 2018, toàn quốc xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 8.200 người bị nạn, trong đó có 972 vụ tai nạn lao động gây chết người làm 1.039 người chết (tăng 11,96% so với năm 2017). Điều này cho thấy, công tác an toàn ở một số nơi vẫn còn bị buông lỏng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động và gia đình họ.
Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn lao động là do nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa cao (chiếm 46,49%). Trong đó, phần đông người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, tổ chức lao động và điều kiện lao động chưa đảm bảo, không huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về an toàn, thiết bị bảo hộ lao động an toàn chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, người lao động nhận thức chưa cao, vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động chiếm 18,42%. Hơn 35% là do nhiều nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, tai nạn do người khác, tai nạn khách quan khó tránh…
Để hạn chế tình trạng trên, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn cần xác định rõ những yếu tố gây nguy hiểm, rủi ro để từ đó đưa ra các giải pháp phòng ngừa.
Từ kinh nghiệm thực tiễn và tham quan, khảo sát các đơn vị doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tạ Văn Dưỡng đề xuất doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn cần quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động an toàn; đào tạo, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên và nếu đã xảy ra tai nạn, cần thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ người bị tai nạn lao động.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn, tuyên truyền cho công nhân, người lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; tổ chức ký kết thi đua, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên, giao lưu cùng các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này. Vấn đề quan trọng là nâng cao ý thức công nhân lao động, doanh nghiệp và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn đồng hành cùng thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ngay tại nơi làm việc và những khu vực chung quanh.
Theo bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Đà Nẵng, tai nạn chủ yếu xảy ra tại các công trình xây dựng, nhất là các công trình nhỏ hoặc công trình do nhà thầu phụ thi công thường không đảm bảo an toàn và cũng khó kiểm soát, thanh tra. Riêng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phần lớn đều ý thức được việc này. Họ luôn quan tâm đến yếu tố con người, người lao động, công tác bảo quản, giữ gìn các trang thiết bị máy móc nên hạn chế được tình trạng xảy ra tai nạn lao động.
Bà Đinh Thị Thanh Hà lưu ý đến các danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành ở nhiều văn bản đã cũ, nên cần thiết xem xét hợp nhất danh mục này; xem xét sửa đổi điều 74 Luật An toàn vệ sinh lao động về phụ cấp cho an toàn vệ sinh viên theo mức tối thiểu nhất định. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện đầy đủ hệ thống quy chuẩn an toàn quốc gia cho các lĩnh vực ngành nghề; ban hành quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật an toàn vệ sinh lao động; quy chế phối hợp điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động...
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận sôi nổi về thực trạng, giải pháp an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp hiện nay; vai trò trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động. Hội nghị chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; kinh nghiệm phối hợp giữa công đoàn và chuyên môn trong quản lý, triển khai và kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên...