Khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện

Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động...

Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó, tiếp tục khẳng định quan điểm, bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội theo cách tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội… Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2021, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1%. Đến năm 2025,  khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5%. Và đến năm 2030, số lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 60%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5%.

Năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 107,1%

Nhằm đảm bảo mục tiêu theo lộ trình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có việc tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân, người lao động khu vực phi chính thứ để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, tính đến năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 15,774 triệu người, chiếm 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó: số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 15,2 triệu người, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 574 ngàn người.

Riêng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2017 (trước thời điểm có Nghị quyết số 28-NQ/TW) là 224 ngàn người, tăng hơn 20,3 ngàn người, tương ứng tỷ lệ tăng 10% so với năm 2016. Từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2018 là trên 277 ngàn người, tăng hơn 52,9 ngàn người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017; và năm 2019 là gần 574 ngàn người, tăng 296,7 ngàn người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.

Mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản

Đánh giá về những kết quả đạt được, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng đó là do chính sách không giới hạn trần tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên); đa dạng, linh hoạt các phương thức đóng (bổ sung thêm các phương thức đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau, thời gian tối đa 5 năm; đóng một lần cho những năm còn thiếu). Thời điểm  đóng được nới rộng hơn. Nếu như trước đây chỉ đóng trong nửa đầu của thời gian ứng với phương thức đóng thì hiện nay có sự nới rộng đóng trong tháng đối với phương thức đóng hàng tháng; trong 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; trong 4 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; trong 7 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng phù hợp hơn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng) so với trước đây (trước năm 2016) thì mức thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu chung hoặc mức lương cơ sở. Từ ngày 01/01/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết 28. Nhiều địa phương đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đến cấp huyện và cấp xã. Công tác tuyên truyền được tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp thông qua hội nghị khách hàng và áp dụng phương thức tuyên truyền mới qua mạng xã hội (như Zalo, Facebook, Youtube…). Việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng ngay từ đầu năm đã giúp cho bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện chủ động trong việc xây dựng kế hoạch triển khai và giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho từng đại lý; kịp thời gửi danh sách người tham gia đến hạn phải đóng tiền để biết và chủ động thực hiện.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn rà soát, tinh giản, rút gọn thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực này; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, áp dụng giao dịch điện tử cấp độ 3, 4, đảm bảo thuận lợi nhất cho người tham gia. Từ tháng 5/2020, Bảo hiểm xã hội rút gọn chỉ còn 3 thủ tục, riêng thủ tục thu bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có duy nhất 1 thủ tục.

“Sự vào cuộc của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là việc phối hợp tổ chức hội nghị trực tiếp với người dân, người lao động trong khu vực phi chính thức để tuyên truyền, vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, với trên 14 ngàn hội nghị, đã phát triển được trên 276 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2019”, ông Trần Đình Liệu cho biết.

Đến nay, hệ thống đại lý, mạng lưới cộng tác viên của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được mở rộng với trên 12.400 đại lý thu, trên 37.300 điểm thu và trên 52.200 nhân viên đại lý thu. Hệ thống đại lý thu đến từng xã, phường, thị trấn; mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia.

Chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu

Tuy nhiên, hiện mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng). Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam). Hầu như chưa có địa phương nào bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thu nhập của nhiều người dân, người lao động khu vực phi chính thức còn thấp, bấp bênh; bên cạnh đó vẫn còn nhiều người dân chưa thay đổi nhận thức đóng góp, tích lũy chăm lo cho cuộc sống lâu dài, nên còn thiếu quan tâm, chưa tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là những bất cập khiến công tác phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn nhiều khó khăn.

Về giải pháp cho thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đển thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong đó, Bảo hiểm xã hội sẽ sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu.

Bảo hiểm xã hội sẽ quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là đối tượng nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc diện hộ gia đình nghèo, cận nghèo; quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích nông dân, người lao động khu vực phi chính thức là nam giới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả về giao dịch hồ sơ điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội trong đó có công tác thu bảo hiểm xã hội. Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, đại lý thu để chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển đối tượng”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Hải Dương phấn đấu năm nay có thêm 7.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hải Dương phấn đấu năm nay có thêm 7.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tại Lễ ra quân vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân do Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 23/5, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết: Năm 2020, Hải Dương đặt mục tiêu toàn tỉnh có sẽ có thêm hơn 7.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và phấn đấu đến hết tháng 6/2020 sẽ đạt 50% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN