Phát huy vai trò Công đoàn chăm lo đời sống người lao động

Việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động là nhiệm vụ quan trọng quyết định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn. Do đó, các cấp công đoàn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người người lao động.

Hướng về công nhân, lao động

Để chăm lo đời sống người lao động, các cấp công đoàn tổ chức đa dạng các hoạt động hướng về công nhân, người lao động. Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đang quản lý 300 công đoàn cơ sở trực thuộc hoạt động ở 6 Khu công nghiệp với hơn 60 nghìn đoàn viên. Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam hướng dẫn, tư vấn cho các công đoàn cơ sở (CĐCS) thông qua xây dựng nội quy lao động, đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể với doanh nghiệp (DN) trong việc đảm bảo việc làm, thu nhập, các chế độ chính sách, phúc lợi, cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca… của đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Chú thích ảnh
Công đoàn các Khu công nghiệp Hà Nam tặng quà cho con em lao động.

Ông Đặng Đình Quỳnh, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết: “Trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng công nhân, Công đoàn các KCN tổ chức Chương trình “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca” tại Công ty TNHH Greenfeed Việt Nam với 170 đoàn viên, người lao động tham gia, quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CNLĐ. Hiện nay, có 181 CĐCS có bữa ăn ca trên 22.000 đồng. Một số doanh nghiệp có bữa ăn ca cao như Công ty TNHH Greenfeed Việt Nam là 40.000 đồng; Công ty CP Dinh dưỡng Hồng Hà là 30.000 đồng...”.

Bên cạnh đó, hưởng ứng tháng công nhân, tháng An toàn vệ sinh lao động, Công đoàn các Khu công nghiệp Hà Nam tặng 58 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị 23 triệu đồng; khen tặng 50 suất là đoàn viên công đoàn, công nhân lao động xuất sắc tiêu biểu với tổng giá trị 15 triệu đồng; trợ cấp, thăm hỏi cho 2 đoàn viên công đoàn bị bệnh hiểm nghèo, bị mất với tổng giá trị là 1 triệu đồng; Tuyên truyền, giới thiệu cho đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) thuê nhà thiết chế công đoàn; đến nay đã có trên 700 CNLĐ và 244 gia đình đã vào ở tại nhà thiết chế công đoàn.

Trong khi đó, xác định sức khỏe là “vốn quý” của người lao động, hằng năm, các cấp Công đoàn Thủ đô đều phối hợp với các đơn vị y tế uy tín tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho người lao động nhằm giúp người lao động đảm bảo sức khỏe để làm việc, tăng năng suất lao động.

Mới đây, 500 nữ công nhân lao động của Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tham gia chương trình khám sức khỏe sinh sản, tầm soát phát hiện sớm ung thư, tư vấn, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động. Đây là chương trình do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp với Bệnh viên Phụ sản Hà Nội tổ chức.

Chị Cấn Thị Yến, công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) chia sẻ: “Chúng tôi đã được đội ngũ y, bác sĩ khám chuyên khoa phụ sản, tầm soát ung thư; truyền thông kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình… Tôi mong rằng, thời gian tới, công đoàn sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa như thế này để nhiều người lao động được thụ hưởng, từ đó nâng cao sức khỏe, yên tâm gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp”.

Ngoài hoạt động ở cấp thành phố, các công đoàn cấp trên cơ sở cũng đã phối hợp với các đơn vị y tế để tổ chức khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người lao động. Đơn cử như Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức nhiều đợt khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho khoảng 2.500 người lao động trong thời gian từ ngày 6/5 đến hết tháng 6/2023.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội Tạ Thị Mỹ Thanh cho biết, năm 2023 là năm thứ 6 công đoàn ngành duy trì và tổ chức hoạt động khám sức khỏe miễn phí cho người lao động. Tại các địa điểm khám, người lao động được các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành, tư vấn, tuyên truyền kiến thức về sức khỏe. Công đoàn ngành tập trung chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường giám sát việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động tại đơn vị để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Bám sát chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”, các cấp công đoàn Thủ đô triển khai với nhiều hoạt động hướng về cơ sở, về người lao động. Cụ thể, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà và trao trợ cấp cho 2.665 người lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng; Công đoàn cấp trên cơ sở đã thăm hỏi, tặng quà 9.451 người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 7,25 tỷ đồng; Công đoàn cơ sở đã thăm hỏi, tặng quà 20.647 người lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 120,28 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Công đoàn Hà Nội tổ chức các buổi đối thoại để công nhân, lao động kiến nghị những vẫn đề quan tâm.

Bên cạnh đó, chương trình đối thoại giữa Công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động cũng được các cấp Công đoàn cở sở tổ chức. Các cấp công đoàn Hà Nội đã phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức 5.167 cuộc đối thoại. Qua các buổi đối thoại, ý kiến người lao động tới các cấp chính quyền tập trung vào các vấn đề như: Nhà ở cho công nhân; đời sống, việc làm của công nhân lao động; việc thực hiện chính sách đối với công nhân lao động; an toàn giao thông; vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo nghề cho người lao động; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp…

Với chủ đề “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ”, diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân” đã được các cấp Công đoàn Thủ đô tích cực triển khai với 395 cuộc và 21.107 người tham dự. Diễn đàn là cầu nối để người sử dụng lao động và người lao động cùng lắng nghe, chia sẻ, cùng nỗ lực vượt khó, phục hồi phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Từ góc độ công đoàn cơ sở, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng, Hà Nội cho biết: Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, ngừng sản xuất; có những doanh nghiệp phải thay đổi hướng sản xuất kinh doanh nên số CNLĐ bị nghỉ việc, giãn việc nhiều, thu nhập giảm. Trước tình hình đó LĐLĐ huyện đã chỉ đạo đến các CĐCS chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động CNLĐ chia sẻ, vượt qua khó khăn thực hiện các phương án sản xuất của công ty như làm việc luân phiên.

LĐLĐ địa phương tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình đời sống, tiền lương, việc thực hiện chế độ chính sách đối với đoàn viên ở các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Tham gia với người sử dụng lao động giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc, thực hiện thủ tục đề nghị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Đề xuất và hỗ trợ, thăm hỏi kịp thời các trường hợp đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong 6 tháng qua, LĐLĐ huyện đã trao hỗ trợ cho 765 lượt đoàn viên với tổng số tiền 866,9 triệu đồng.

Trong khi đó, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã cụ thể hóa định hướng hoạt động và triển khai đến toàn thể công đoàn cơ sở trực thuộc (CĐCS); tổ chức các hoạt động với chủ đề "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức"; "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc".

Sau một tháng thực hiện, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã tổ chức 7 buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội cho hơn 700 đoàn viên, người lao động tại 8 CĐCS doanh nghiệp.

Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã phối hợp 22 doanh nghiệp đã tham gia tổ chức Phiên chợ công nhân với hơn 1.000 sản phẩm thiết yếu, giá cả ưu đãi (giảm từ 5 đến 15% so với giá thị trường) phục vụ người lao động; Tổ chức đi thăm và hỗ trợ cho 242 trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền 242 triệu đồng; Phối hợp tổ chức khám, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí và hỗ trợ khó khăn cho 300 người lao động với tổng số tiền là 150 triệu đồng.

Gắn kết với công đoàn cơ sở

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, biến động chính trị trên thế giới, cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải giải thể, hàng trăm nghìn công nhân lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động phải rời bỏ khu vực có quan hệ lao động, tổ chức công đoàn mất đi đoàn viên.

Chú thích ảnh
Đông đảo công nhân viên chức lao động tham gia ngày hội “Vì sức khỏe người lao động năm 2023” tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của tổ chức công đoàn là phải kết nối mạnh mẽ để họ có việc làm, quay lại tổ chức, tham gia xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh trong tình hình mới.

Trước tình hình trên, đầu năm 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Theo đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã hỗ trợ 3 nhóm đối tượng. Trong đó, nhóm 1 là đoàn viên công đoàn bị giảm giờ làm việc, ngừng việc được hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/người. Nhóm 2 là đoàn viên công đoàn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/người. Nhóm 3 là đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/người.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, bước đầu có 81.065 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền đã chi hơn 113 tỷ đồng.

Để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, từ cuối năm 2021, Tổng Liên đoàn đã phát động Chương trình “1 triệu sáng kiến vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Thông qua Chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn người lao động thể hiện hình ảnh con người Việt Nam giàu trí tuệ, có nhiều sáng kiến, cải tiến làm lợi cho doanh nghiệp.

Tính đến tháng 10/2022, Chương trình đã có hơn 1,8 triệu sáng kiến của cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch. Điểm nổi bật là số lượng sáng kiến của công nhân lao động trực tiếp ngày càng tăng nhiều. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39%. Cùng với đó, các chính sách liên quan đến người lao động cũng đang được cấp công đoàn đóng góp ý kiến.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối với Luật Nhà ở, nội dung mà các cấp Công đoàn đang theo đuổi và kiến nghị chính sách là cần hình thành chế định pháp lý bảo đảm quyền về nhà ở của công nhân, lao động theo Hiến pháp, để công nhân tiếp cận được nhà ở. Đây là vấn đề bức xúc, cần để công nhân nói lên nguyện vọng của mình đến lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Các tổ chức công đoàn cũng đang tích cực đóng góp ý kiến vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi liên quan đến thời gian nghỉ hưu, chế độ với những ngành nghề đặc thù, việc rút BHXH một lần…

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), là đạo luật có tác động rất lớn đối với tổ chức công đoàn. Những ý kiến của người lao động đóng góp về Luật Công đoàn cũng là một kênh thông tin quan trọng, cần thiết và trực tiếp đến được với đông đảo thành viên của Quốc hội.

XM/Báo Tin tức
Tạo dựng mô hình điểm sinh hoạt văn hóa công nhân
Tạo dựng mô hình điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đang thí điểm và nhân rộng xây dựng mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, qua đó tạo sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN