Tuy nhận định ban đầu đây là loại cây gỗ dầu, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được chính xác số năm tuổi và giá trị thực của cây gỗ này.
Trước sự việc này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hiển kết hợp chính quyền địa phương đến hiện trường tiến hành lập biên bản vụ việc, đồng thời bàn giao cây gỗ quý này cho hộ ông Lượng Văn Gọi (cư ngụ khóm 6, thị trấn Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), đại diện cho các hộ dân phát hiện cây gỗ tạm thời bảo quản trong thời gian chờ ý kiến xử lý của cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau sẽ tiến hành thẩm định để thu thập đầy đủ thông tin về số năm tuổi, giá trị của cây gỗ cũng như xác định rõ nguồn gốc, thời gian cây gỗ bị chôn vùi dưới bãi biển thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nếu đây là loại gỗ quý có giá trị lớn thì phải được tổ chức bán đấu giá công khai.
Số tiền thu được một phần sẽ trả công cho những người dân phát hiện, đào lấy cây gỗ quý, phần còn lại sẽ được sung vào công quỹ Nhà nước, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải cho biết.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hiển Nguyễn Chí Dũng, cây gỗ "khủng" được người dân đào lấy đưa lên khỏi lòng đất trong tình trạng bong tróc vỏ hoàn toàn.
Trước đó, một số người dân trong lúc hành nghề đặt dụng cụ bắt cá ven bãi bồi đã tình cờ phát hiện một cây gỗ có đường kính 1,1 m, chiều dài hơn 17 m đã bị chôn vùi dưới độ sâu hơn 1,5m. Vị trí phát hiện cây gỗ "khủng" này nằm cách cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, khoảng 2 km.
Sau đó, gần 20 người dân ở cửa biển Rạch Gốc cùng tham gia đào lấy cây gỗ. Đến ngày 16/4, cây gỗ "khủng" đã được người dân đưa đến giao cho hộ ông Gọi (cư ngụ ở khu vực cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) làm người đại diện tạm bảo quản cây gỗ này.