'Phạm nhân cũng là bệnh nhân, chúng tôi không nề hà bất cứ việc gì'

"Các bệnh nhân là phạm nhân nhưng cũng là con người. Chúng tôi luôn coi họ là bệnh nhân cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ. Vì thế, chúng tôi không nề hà bất cứ việc gì". Đó là chia sẻ của các bác sĩ – chiến sĩ công an tại Bệnh xá phân trại số 1, Trại giam Xuân Lộc (thuộc Tổng Cục VIII – Bộ Công an, đóng chân trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).

Năm phân trại của Trại giam Xuân Lộc có số lượng lớn phạm nhân. Nhiều phạm nhân bị bệnh ngay khi vào trại, có những phạm nhân trong quá trình chấp hành án mới phát hiện bệnh. Trong khi đó đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh xá còn mỏng, trang thiết bị y tế còn hạn chế nên công việc của các thầy thuốc ở trại gặp rất nhiều khó khăn.

Thiếu tá, y sĩ Lê Mạnh Phước đang thăm khám cho bệnh nhân, phạm nhân trong trại giam.

Thiếu tá, y sĩ Lê Mạnh Phước công tác tại Bệnh xá phân trại số 1, Trại giam Xuân Lộc đã từ nhiều năm nay. Theo Thiếu tá Phước, số phạm nhân bị các bệnh truyền nhiễm như lao, xơ gan, HIV rất nhiều. Đa số các phạm nhân khi vào trại đều giấu bệnh. Qua công tác khám, sàng lọc, các y, bác sĩ của Bệnh xá đã phát hiện và đưa họ đi điều trị. Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV, Bệnh xá đã cho họ điều trị bằng thuốc ARV. Những bệnh nhân mắc bệnh lao đều được đưa đi chụp phổi và có phác đồ điều trị. Vì vậy, những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì mắc bệnh phổi tại trại đã giảm hẳn.

Thiếu tá Lê Mạnh Phước chia sẻ, mặc dù nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các bệnh nhân rất cao nhưng trách nhiệm của người thầy thuốc là cứu người nên cán bộ, chiến sĩ ở Bệnh xá luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trại giam Xuân Lộc có phạm nhân Dương Cường bị ung thư. Vừa qua, Hội đồng giám thị Trại giam Xuân Lộc đã tạo điều kiện để bệnh nhân Cường đến bệnh viện bên ngoài trại xạ trị. Hiện bệnh tình của phạm nhân Dương Cường đã giảm, sức khỏe đang dần hồi phục.


Khó khăn lớn nhất hiện nay của các bệnh xá thuộc trại giam Xuân Lộc là thiếu nhân lực. Vượt lên trên mọi khó khăn, các thầy thuốc ở Trại giam Xuân Lộc đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe phạm nhân, tạo điều kiện để họ chấp hành nghiêm án phạt tù.

Bài và ảnh: Sỹ Tuyên (TTXVN)
Thầy thuốc – nghề cao quý
Thầy thuốc – nghề cao quý

Trong tiếng Việt, từ “thầy” thường được dành cho người có trình độ, chuyên môn cao trong một lĩnh vực nào đó, mà có thể dạy bảo, hướng dẫn người khác. Thời xưa, những gia đình có truyền thống học hành, đỗ đạt, con cái vẫn gọi cha là “thầy”. Nói vậy để thấy, từ “thầy thuốc” mà xã hội dành cho bác sĩ nói riêng và những người làm nghề y nói chung, bao hàm cả một thái độ tôn trọng lớn lao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN