Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, lẽ ra phải được nghỉ ngơi để con cháu chăm sóc phụng dưỡng, tận hưởng niềm vui tuổi già nhưng ông Lê Vũ Đạo, 86 tuổi, ở phố Trần Nhật Duật (TP Nam Định) vẫn làm công việc mà nhiều người cho rằng “vác tù và hàng tổng”. 15 năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, hàng ngày ông vẫn gò lưng trên chiếc xe đạp cũ vượt quãng đường dài hơn 3 km từ nhà đến Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định (TT) để dạy chữ cho các em nhỏ khuyết tật và trẻ bị nhiễm chất độc da cam- điôxin…
Vốn là một giáo viên trung học, sau khi nghỉ hưu, ở nhà quanh quẩn vào ra mãi cũng chán, ông Lê Vũ Đạo đăng kí tham gia sinh hoạt đủ các hội địa phương: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc, tham gia tổ dân phố… nhưng dường như vậy cũng chưa đủ vì mỗi hội mỗi tháng chỉ họp một lần. Thế rồi khi TT thành lập, năm 1996 một người quen giới thiệu, ông Đạo đạp xe đến bày tỏ nguyện vọng tình nguyện dạy chữ miễn phí cho các em nhỏ với lãnh đạo TT. Trước sự nhiệt tình đầy tâm huyết của ông, lãnh đạo TT đã đồng ý.
Các nhà hảo tâm tặng quà cho các cháu tại trung tâm nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. |
Nhớ lại “cái thưở ban đầu lưu luyến ấy”, ông Đạo cho biết ngày mới thành lập, TT còn thiếu thốn trăm bề. Điều kiện vật chất hầu như không có gì, “trụ sở” làm việc chỉ là một dãy nhà cấp bốn của một cơ quan cũ chuyển đi để lại, cán bộ nhân viên vỏn vẹn mấy người, có thêm ông Đạo tình nguyện làm việc không công. Ngay lập tức, ông Đạo cùng với cán bộ nhân viên TT bắt tay vào dọn dẹp sửa sang phòng ốc, đảm bảo nơi ăn chốn ở cho các cháu được sạch sẽ, thoáng mát. Được TT dành hẳn cho một căn phòng làm lớp học, ông Đạo lại cần mẫn đi gõ cửa khắp nơi xin bàn ghế cũ, vận động bạn bè người quen ủng hộ và tự bỏ tiền túi của mình ra mua bảng đen, sách vở và đồ dùng học tập… cho các cháu. “Khi ấy đã ở cái tuổi thất thập, sao thầy không nghỉ ngơi cho khỏe mà lại đi vơ vào mình cái công việc nặng nhọc này mà kết quả chưa biết đã đâu vào đâu?”- tôi hỏi. Ông Đạo mỉm cười: “Thấy các cháu nhỏ ở TT chịu nhiều thiệt thòi nên tôi muốn làm một cái gì đấy bù đắp cho chúng. Tiền bạc, vật chất… biết bao nhiêu cho đủ, mà rồi cũng hết trong khi với đồng lương nhà giáo về hưu tôi cũng đâu có dư dả gì. Chi bằng dạy cho chúng cái chữ may ra các cháu có thể hòa nhập được với xã hội, lớn lên có một chút “vốn liếng” để mà bước vào đời…”.
Trẻ em trung tâm với các sinh viên tình nguyện. |
Nghĩ vậy nên ngoài việc cùng với cán bộ nhân viên TT chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ các cháu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, giúp các cháu phục hồi thể lực…, người thầy giáo già lại miệt mài bên đám trò nhỏ kiên nhẫn tập cho chúng đánh vần từng con chữ. Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật khó khăn còn nhân lên gấp bội. Thời điểm ấy không có một cuốn sách, giáo trình nào hướng dẫn cụ thể việc dạy học cho trẻ em thuộc đối tượng này nên ông Đạo cứ như người đi trong bóng tối, vừa đi vừa mò mẫm tìm đường.
Có một thực tế là trẻ khuyết tật nhận thức hạn chế nhưng lại rất hiếu động, không thể dạy các em theo một giáo án chung, sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu, ông Đạo đã tự mình làm ra các đồ dùng học tập phục vụ cho việc giảng dạy, giúp các em nhận biết dễ dàng hơn. Trong ký ức của ông giáo già vẫn in đậm hình ảnh những học trò mà ông đã dạy. Có em Trần Văn Mạnh, 14 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ, ròng rã hai năm trời mới nhận nổi mặt chữ, mới phân biệt được đâu là chữ “O” với chữ “A”. Có em Nguyễn Văn Thắng, 18 tuổi, nạn nhân chất độc da cam điôxin, chậm phát triển, phát âm không rõ, ông đã kiên trì cầm tay rèn từng nét chữ. Có em Lê Thị Hiền, 14 tuổi nhưng thân hình còm nhom ốm yếu như đứa trẻ lên năm lên bảy, cũng do chất độc da cam điôxin, bị khuyết tật vận động chân tay co quắp, chăm sóc cho bản thân đã khó nói gì đến việc cầm bút học chữ… Vậy nhưng nhờ sự kiên nhẫn và tận tình của người thầy giáo già, các em đều đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính đơn giản.
Một số em nhận thức tốt, có khả năng đã được ông đề xuất với TT gửi đi học hòa nhập tại các trường bình thường. Khi tôi hỏi về “bí quyết”, ông Đạo nở một nụ cười hồn hậu: “Có bí quyết gì đâu! Tôi chỉ tâm niệm một điều rằng để dạy được các em khuyết tật người thầy phải hết sức kiên nhẫn, có tình yêu thương con trẻ bao la, coi các em như con cháu trong nhà… Bên cạnh đó, vì là đối tượng “đặc biệt” nên không thể dạy các em một cách cứng nhắc mà phải có sự linh động giữa chơi và học để các em cảm thấy thoải mái.
Vậy nên tôi đã cố gắng mày mò làm những đồ dùng dạy học hỗ trợ cho việc giảng dạy, sao cho các cháu cảm thấy hứng thú, chịu để ý nghe lời thầy giảng là đã thành công bước đầu rồi…”. “Khó khăn nhiều như vậy có khi nào ông thấy nản?”. Ông Đạo trầm ngâm: “ Thú thật là cũng có nhiều lúc tôi cảm thấy mình bất lực nhưng nản chí đến độ từ bỏ thì không. Mỗi lúc như thế tôi lại nhớ tới lời Bác dạy tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1962 mà tôi vinh dự có mặt và đã được gặp Người. Bác dạy: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt. Không được lùi bước trước khó khăn, vất vả. Bên cạnh việc dạy các em biết chữ, quan trọng hơn cả là dạy các em biết cách làm người”. Lời dạy của Người luôn khắc sâu trong trái tim tôi, nhờ đó mà tôi như được tiếp thêm sức mạnh…”.
15 năm làm cái việc mà nhiều người cho rằng “vác tù và hàng tổng”, người thầy giáo già Lê Vũ Đạo đã dạy chữ, dạy cách làm người cho hàng trăm các em nhỏ khuyết tật và trẻ bị nhiễm chất độc da cam- điôxin của tỉnh Nam Định, trong số đó, có nhiều em đã thực sự trưởng thành. Anh Trần Văn Luật 30 tuổi, bị liệt hai chân, sống và học tập tại TT ngay từ những ngày đầu, được thầy Đạo cầm tay dạy từng nét chữ nay đã trưởng thành. Sau những nỗ lực cố gắng với một nghị lực phi thường, vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để khẳng định mình tuy “tàn nhưng không phế”, hiện nay anh Luật đã có một công ty quảng cáo và tin học. Ngoài việc nuôi sống bản thân, anh Luật còn quay lại TT giúp đỡ các em nhỏ đồng cảnh ngộ với mình cả về tinh thần lẫn vật chất.
GĐ. TT, ông Trần Hải cho biết: “Tuy đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, lẽ ra phải được nghỉ ngơi để con cháu chăm sóc phụng dưỡng, tận hưởng niềm vui tuổi già nhưng hơn chục năm qua, thầy Lê Vũ Đạo vẫn miệt mài, cần mẫn, nhiệt tình và đầy tâm huyết tình nguyện dạy miễn phí cho các em nhỏ khuyết tật và trẻ bị nhiễm chất độc da cam- điôxin tại TT. Dạy các em khuyết tật rất khó nhưng với tấm lòng yêu thương con trẻ, thầy Đạo đã kiên trì cầm tay các em rèn từng nét chữ, dạy từng phép tính… Đáng quý hơn là thầy còn dạy các em về nhân cách sống, dạy các em những bài học làm người…”.
Khánh Linh