Ô nhiễm không khí tăng cao ở TP Hồ Chí Minh

Nhiều ngày qua, khắp TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận được bao bọc trong một lớp sương mù dày đặc từ sáng tới chiều, có hôm tới khuya vẫn chưa tan. Đây là hiện tượng ô nhiễm không khí vốn không xa lạ với người dân Thành phố vào thời điểm cuối năm và tình trạng này ngày càng trở nên báo động.

Báo động ô nhiễm không khí

Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual đo được tại nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh có chất lượng không khí không lành mạnh (nồng độ bụi mịn PM2.5) đạt ngưỡng 165, vượt ngưỡng nhiều lần theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chú thích ảnh
Bụi mịn xuất hiện tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. 

Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng thường thấy tại khu vực Nam Bộ vào những tháng cuối năm, thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô. Hiện tượng này được Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh công bố với tên gọi “mù quang hóa”. Đây là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải, tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.

Bụi mịn PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Chủ tịch Hội Hen suyễn, Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan cảnh báo, các hạt bụi này thường mang tính axít, tồn tại lâu trong khí quyển, khả năng phát tán xa và đi sâu vào phổi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Cứ mỗi 10mg/m3 PM2.5 tăng lên trong không khí sẽ có thêm 56 ca ung thư phổi. Có hơn 1.000 người tử vong tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến ô nhiễm không khí, các bệnh lý thường gặp như nhồi máu cơ tim, bệnh lý hô hấp và ung thư phổi.

Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam Bộ) Lê Đình Quyết cho biết, vào thời điểm cuối năm, không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam làm nhiệt độ không khí giảm. Trên khu vực có các nhiễu động quy mô nhỏ thì trời nhiều mây tầng thấp, nắng bị lớp mây tầng thấp che nên lớp mù hình thành, lâu tan, dẫn đến hiện tượng sương mù.

Báo cáo của Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới AirVisual cho biết, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 22/134 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu và nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt quá 5 - 7 lần so với mức độ không khí đảm bảo. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ hàng ngàn công trình xây dựng đang thi công, cộng với sự tham gia giao thông của hàng triệu phương tiện cá nhân mỗi ngày khiến bầu không khí càng trở nên ngột ngạt, khó chịu.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9/2024, Thành phố đang quản lý khoảng 9,5 triệu phương tiện, tăng 4,77% so cùng kỳ. Chưa kể, bình quân khoảng 1,5 - 2 triệu phương tiện của người dân từ các địa phương khác lưu hành trên địa bàn Thành phố mỗi ngày.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các phương tiện giao thông tại Thành phố hiện sử dụng nhiên liệu chủ yếu là diezel (DO), đây là nguồn khí thải lớn gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện quá cũ kỹ hoặc không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí thải có hại ra môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Cần nhiều giải pháp giảm ô nhiễm

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm có ít nhất 70.000 người chết vì ô nhiễm không khí, trung bình cứ 7,5 phút lại có một người ra đi vì một căn bệnh nào đó do tiếp xúc không khí bị ô nhiễm.

Trước tình trạng nguồn khí thải lớn gây ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho rằng, Thành phố nói riêng và các địa phương khác bắt buộc phải xã hội hóa việc xây dựng các trung tâm kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Vì vậy, hành lang pháp lý, quy định liên quan đến việc xây dựng, vận hành... các trung tâm kiểm định khí thải cần sớm được hoàn thiện.

TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp như: Giảm tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe gắn máy, tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng như metro, xe buýt, khuyến khích sử dụng xe đạp. TP Hồ Chí Minh từng bước thay thế nhiên liệu DO sang khí thiên nhiên nén (CNG), khuyến khích sử dụng xe điện.

Sở Giao thông Vận tải đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong tháng 9/2024, Sở hoàn thiện xong Chuyên đề giai đoạn 1 về Chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh.

Theo đề án, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu chuyển đổi 100% phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh vào năm 2030.

Thực tế, việc bảo vệ môi trường không khí cần được xác định là công việc chung của toàn xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần dành nguồn lực thực hiện quyết liệt, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay; chủ động sáng tạo, triển khai các hành động, giải pháp, mô hình quản lý nhằm cải thiện chất lượng không khí theo nguyên tắc tập trung (kiểm soát nguồn thải lớn, hạn chế nguồn thải phân tán), đặc biệt giúp các đô thị lớn hướng tới mục tiêu bầu trời xanh - không khí sạch.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi, hạn chế tiếp xúc các nguồn phát thải chất ô nhiễm như, phương tiện giao thông, công trình xây dựng và khu vực đun nấu bằng than, củi. Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm, nếu xuất hiện triệu chứng như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Bên cạnh đó, cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành “Cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí” để triển khai thực hiện…

Bài, ảnh: Hồng Đạt (TTXVN)
Điện hạt nhân có thể cứu sống hàng triệu người nhờ giảm ô nhiễm không khí
Điện hạt nhân có thể cứu sống hàng triệu người nhờ giảm ô nhiễm không khí

Theo một nghiên cứu mới từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), việc hạn chế phát triển điện hạt nhân sau thảm họa Chernobyl năm 1986 đã gián tiếp gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiên liệu hóa thạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN