Sau khi bà Tạ Thị Kiều hay còn được gọi với cái tên thân mật là Mười Lý được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Mỏ Cày (Bến Tre), chúng tôi đã đến gặp những người thân trong gia đình và được nghe kể về cuộc đời cách mạng của một vị nữ anh hùng hết lòng vì đất nước.
Người con gái xứ Dừa
Mười Lý được sinh ra ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, một vùng đất nổi tiếng với phong trào Đồng Khởi. Từ cái nôi của vùng đất cách mạng, người con gái xứ Dừa này nhanh chóng được giác ngộ cách mạng và trở thành cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện Mỏ Cày khi mới mười tám, đôi mươi.
Tạ Thị Kiều (tức Mười Lý) là một trong những gương nữ du kích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu - TTXVN |
Trong năm 1960, gần bảy tháng ròng Mười Lý đã vận động nhân dân tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị với địch, vận động các gia đình binh sĩ, tuyên truyền được nhiều binh lính ngụy quay về với cách mạng. Ngoài ra, bà còn tổ chức một tiểu đội du kích thường xuyên rải truyền đơn, phá ấp chiến lược, gài mìn, phá đường, đốt chòi canh, diệt ác ôn… khiến địch ngày càng hoang mang, nao núng.
Tháng 10/1961, Mười Lý đã chỉ huy đội du kích phục đánh xe địch trên đường Mỏ Cày đi Thom. Do địch đông, ỷ thế mạnh nên chúng đánh trả ta quyết liệt. Thấy tình thế bất lợi, bà bình tĩnh một mình ở lại chặn địch để đồng đội đưa thương binh rút an toàn. Trong thời gian từ 1957 -1965, Mười Lý đã tổ chức và tham gia 107 cuộc đấu tranh chính trị trực diện với địch, chiến đấu 33 trận, diệt 7 tên địch, làm bị thương 11 tên, bắt sống 13 tên, thu 24 súng các loại.
Với nhiều chiến công vẻ vang, năm 1964 bà được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì. Ngày 5/5/1965, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, bà còn được phong tặng rất nhiều huân chương, huy hiệu, bằng khen… và cuối năm 2011 bà được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Ông Nguyễn Phước Chí, người chồng và cũng là đồng đội của bà Mười Lý xúc động kể: “Thời gian tham gia kháng chiến, Mười Lý rất ít khi sử dụng đến súng đạn mà thường dùng sự mưu trí, gan dạ để đấu tranh với địch. Với sự mưu trí của mình bà thường là người đi đầu trong các cuộc đấu tranh chiếm đồn bốt của địch”.
Điều kỳ diệu
Tất cả tuổi thanh xuân của mình Mười Lý đã cống hiến cho cách mạng. Đồng thời sau một cơn bạo bệnh phải nằm điều trị 2 năm ở miền Bắc, những tưởng Mười Lý sẽ không có được một hạnh phúc giản dị có chồng, có con như bao người phụ nữ khác. Tuy nhiên, đến năm hơn 30 tuổi qua sự mai mối của đồng đội, sự động viên của gia đình, đặc biệt là nhờ có tình yêu sâu đậm của người đồng đội Ba Chí (Nguyễn Phước Chí), Mười Lý đã có được một gia đình hạnh phúc.
Ông Ba Chí bùi ngùi nhớ lại: Lần đầu tiên tôi ngỏ lời với bà ấy, bà nhất quyết không chịu vì bà sợ bệnh tật không làm tròn bổn phận của người vợ. Đồng thời, tôi cũng được bác sỹ điều trị của bà ấy nói là bà không thể sinh con nhưng bằng tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình tôi vẫn quyết tâm xây dựng gia đình với bà. Thật là kỳ diệu, sau khi chúng tôi về ở với nhau chúng tôi cũng sinh được hai người con khỏe mạnh.
Chị Tạ Thị Kiều (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1965. Ảnh: Tư liệu - TTXVN |
Ông xúc động cho biết: Lúc sinh đứa con đầu tiên, khi mở mắt ra bà chỉ hỏi con mình có đầy đủ tay chân hay không vì bà lo hai vợ chồng đều bị nhiễm chất độc da cam trong kháng chiến. Năm 1976 đứa con gái đầu tiên ra đời chúng tôi đặt tên là Minh Huệ, lấy tên từ hai Chiến dịch Nguyễn Huệ và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Còn người con trai sinh ra đúng vào ngày Quốc khánh 2/9, lúc đó tôi đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Vì không có chồng ở bên cạnh và không chuẩn bị về tên nên bác sỹ đã đặt tên là Quốc Khánh”.
Không chỉ gặp được điều kỳ diệu trong cuộc sống gia đình mà bà Mười Lý còn vinh dự được gặp Bác Hồ 6 lần và bà còn được ăn cơm cùng với Bác. Chị Minh Huệ, con gái của bà Mười Lý tự hào kể lại: Dù đã được gặp Bác Hồ tới 6 lần nhưng khi Bác mất, mẹ tôi còn được vinh dự đứng trực bên linh cữu của Bác. Đến nay bức ảnh chụp mẹ đứng trực bên linh cữu của Bác rất được mẹ trân trọng. Mẹ tôi còn được Lãnh tụ Cuba Fidel Castro mời đích danh sang thăm Cuba, bà còn được cử đi công tác các nước như: Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc... và làm trưởng đoàn thanh niên, sinh viên miền Nam đi dự Đại hội thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 10 tại Béclin - Cộng hòa Dân chủ Đức.
Những ngày cuối đời
Cuộc đời bà luôn gắn liền với chiếc áo bà ba, quần đen và chiếc khăn rằn - một đặc trưng của phụ nữ Nam bộ. Trong kháng chiến bà luôn chiến đấu hi sinh vì đồng đội, vì đất nước, trong thời bình bà cũng hết lòng với nhân dân, đồng đội.
Sau khi về hưu bà còn tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện để giúp đỡ các trẻ em tàn tật mồ côi. Những ngày gần cuối đời bà nằm viện vì căn bệnh ung thư đại tràng, bà vẫn luôn nghĩ về những trẻ em mà bà đã từng giúp đỡ.
Con gái của bà kể lại: Khi cô Mẫn đồng đội của mẹ đến thăm, dù phải chống chọi với những đau đớn do căn bệnh ung thư gây ra nhưng mẹ vẫn mỉm cười và nói mình vẫn khỏe và luôn miệng hỏi thăm những đứa trẻ trong trại mồ côi tàn tật. Khi còn ở bệnh viện đồng đội đến thăm bà nói: “Ngày xưa đánh giặc gian khổ còn chịu được, còn bây giờ chúng ta đánh lại bệnh tật thì có xá gì”.
Thế nhưng, sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), người con gái xứ Dừa, nữ anh hùng Tạ Thị Kiều (Mười Lý) đã ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng đội và nhân dân.
Ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam viết về bà trong sổ tang như sau: “Với tấm lòng của mình, tôi rất đau lòng khi được tin chị qua đời. Chị là một người cộng sản ngoan cường, tận trung với nước, tận hiếu với nhân dân Việt Nam nói chung. Đặc biệt là nhân dân, quân đội, Đảng, chính quyền các cấp của tỉnh nhà nói riêng chưa bao giờ và không thể quên công ơn to lớn của chị, chị là con người mẫu mực thật đáng quý và thật khó tìm”.
Thực tế, còn rất nhiều điều chưa thể kể hết về cuộc đời và những công lao đóng góp của vị nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Thị Kiều. Nhưng trong lần tiễn đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng dù chưa một lần gặp bà nhưng được nghe kể về bà, các thế hệ trẻ cũng đã đến viếng và thắp nén nhang để thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình. Chúng tôi xin trích lại câu thơ của một bạn trẻ đã viết trong sổ tang như sau:
“Núi sông sáng mãi gương nữ kiệt
Ngàn năm con cháu nguyện noi theo”.
H.Tuyết - Đ.Phương