Ở xã Lùng Tám của huyện vùng cao Quản Bạ, tỉnh Hà Giang có một người phụ nữ được ca ngợi là “Nữ hoàng” thổ cẩm (ảnh). Chị không chỉ khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho dân làng, giúp đỡ hàng trăm chị em phụ nữ nghèo có thu nhập ổn định mà còn xây dựng được thương hiệu thổ cẩm địa phương có tiếng trên thị trường.
Chân dung “nữ hoàng” thổ cẩmKhuôn mặt thông minh với nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi, cởi mở, thân thiện là những ấn tượng đầu tiên khi tôi được gặp người phụ nữ dân tộc Mông, Vành Thị Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lùng Tám, huyện Quảng Bạ, Hà Giang, đồng thời là Chủ nhiệm Hợp tác xã lanh truyền thống Hợp Tiến chuyên sản xuất các mặt hàng thổ cẩm. Ở chị có sự nhanh nhẹn, sắc sảo của một người kinh doanh nhưng vẫn mang một vẻ đẹp chân chất, thật thà của người Mông. Một người phụ nữ đa tài, giỏi việc nước và đảm việc nhà.
Thật may cho chúng tôi khi ghé thăm chị đúng lúc chị vừa đi giao dịch từ Hà Nội về. Mặc dù vừa đi quãng đường hơn 500 cây số về nhà, dường như không biết mệt, chị lại tất tưởi sang xưởng sản xuất đồ thổ cẩm của HTX để làm việc. Hơn 10 năm vất vả với nghề dệt, cô và một số thành viên kì cựu đã xây dựng được xưởng sản xuất này cho bà con đến làm việc và học tập. Xưởng sản xuất của HTX không lớn lắm được chia làm các gian tương ứng với từng khâu. Các mặt hàng với nhiều mẫu mã chủng loại, hoa văn đa dạng, phong phú được xếp thành chồng. Chị là người nảy ra ý tưởng mở hợp tác xã dùng nghề dệt truyền thống để tạo ra công ăn việc làm, giúp bà con thoát khỏi cảnh đói nghèo và đặc biệt là giữ gìn và phát huy được nghề dệt truyền thống đang ngày càng mai một.
Khó khăn chất chồng Đến nay, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang là cái tên nổi tiếng trên thị trường thổ cẩm trong và ngoài nước. Nhưng có mấy ai biết được, chỉ mới cách đây hơn chục năm, ngôi làng này còn đứng trước nguy cơ mất nghề. Năm 1998, cả làng Lùng Tám chỉ còn ba người duy nhất biết đến nghề dệt trong đó có chị Vàng Thị Mai. Quanh năm vất vả với ruộng đồng nương rẫy nhưng cái đói cái nghèo vẫn bám riết lấy người phụ nữ nơi đây. Xót xa nhìn cảnh chị em lao động quần quật nhưng vẫn không đủ ăn, chị Mai nhiều đêm mất ngủ với ý nghĩ thôi thúc: “Phải làm một điều gì đó để chị em đỡ khổ”. Nhìn đi nhìn lại, chị Mai chỉ thấy nghề dệt lanh là có thể giúp cho phụ nữ quê mình thoát khỏi đói nghèo.
Nghĩ là làm, năm 1998 chị đi vận động chị em trong xã. Chị chỉ vận động được 10 người tham gia.
Bắt tay vào việc mới thấy vô cùng khó khăn, vất vả. Chị phải tự chuẩn bị, lo hết mọi việc. Nào là thuê người đóng khung cửi, làm bút vẽ, nào là mua sáp ong, chuẩn bị các nguyên vật liệu, thuê nghệ nhân về nghề. Chị còn trích quỹ để phát cho mỗi người 5.000 đồng tiền ăn trưa. Chị tạo điều kiện hết khả năng cho chị em, để họ có thể yên tâm học và làm việc.
Ngay từ đầu, chị vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều người. Những người cao tuổi không đồng ý vì họ cho rằng mảnh đất này chỉ để làm nương, trồng lúa trồng ngô thôi còn kiếm tiền nhờ những cây lanh khác gì “bắt cá trên cây”. Rồi những ông chồng say khướt ngăn cản vợ không cho đi vì họ nghĩ chị đang xúi giục vợ họ, lôi vợ họ ra khỏi nhà, làm ảnh hưởng đến gia đình họ. Họ đe dọa, thậm chí còn đến tận nhà chị đánh đập vợ, bắt vợ về. Chị Mai phải nhờ đến UBND xã để cử người xuống làm công tác bảo vệ an ninh cho hợp tác xã của mình.
Ban đầu chị chỉ tổ chức dệt vải, sau đó vẽ họa tiết để bán chứ chưa có mẫu mã đa dạng. Một mảnh thổ cẩm dài, được tô vẽ, thêu họa tiết rất cầu kì, bắt mắt dài 10 mét nhưng chỉ bán được có 200.000 đồng. Thị trường tiêu thụ ít mà giá lại rẻ. Anh Sùng Mí Quả (chồng chị Mai) cho biết: “Ban đầu, các cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội không nhận tiêu thụ nên có lúc vợ tôi cũng nản chí, nhưng tôi luôn động viên rằng có vượt qua khó khăn mới có thành công”.
Chị Mai không ngừng phải trau dồi kiến thức, đi quan sát các hội chợ để về tham khảo thiết kế ra những mặt hàng thổ cẩm đa dạng, phong phú, có tính thực tiễn cao, được sử dụng nhiều. Chị phải tự mình lặn lội xuống dưới xuôi, đi khắp nơi để tìm mối và chào hàng. 36 phố phường Hà Nội, không có phố nào chị chưa từng đi qua. Đến khi nhận được đơn hàng, chị phải tính toán thời gian làm việc, năng suất làm việc để ra ngày trả hàng sao cho thật chính xác không mất thời gian, tiền bạc cho cả khách hàng và HTX. Sau đó, chị phải kiểm tra sản phẩm một cách cẩn thận để giữ uy tín và lợi nhuận cho HTX, vì chỉ giao chậm 1 ngày đã bị phạt 1 triệu đồng. Một mình chị đảm nhiệm tất cả các công việc: Thiết kế, giao dịch, liên hệ, quản lý, giám sát…
Quảng bá thổ cẩm ra nước ngoài Chị Vàng Thị Mai không ít lần được chọn là gương mặt phụ nữ năng động sáng tạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Chị cũng đã được mời đi nhiều nước trên thế giới để giới thiệu và quảng bá những sản phẩm thổ cẩm do chính bàn tay chị em quê hương mình làm ra. Năm 2008 và 2010, chị được tham dự Đại hội Phụ nữ năng động sáng tạo ở Pháp. Tháng 3/2010, chị được Tổ chức ILO mời báo cáo gương phụ nữ nghèo làm việc tại nhà. Tháng 4/2011, chị được mời đi Malaixia dự cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ và tại đây sản phẩm thổ cẩm của HTX Hợp Tiến đã nhận được cúp Vàng. |
Ngoài việc kinh doanh, quản lý, chị Mai còn mở các lớp dạy nghề của HTX. Chị bày tỏ: “Chị luôn muốn lớp trẻ đi sau gìn giữ được truyền thống văn hóa của dân tộc. Hơn nữa, cũng giúp các cháu có được công ăn việc làm”. Chị thuê những nghệ nhân, những người làm việc kì cựu dạy cho những người muốn học. Mỗi một lớp học có 30 người, không kể già trẻ, lớn bé. Sau 15 đến 20 ngày học, HTX sẽ tổ chức thi nghề và chọn ra những người xuất sắc nhất để vào xưởng làm việc.
Ngoài ra, chị còn chú ý đến việc mở mang kiến thức cho những người trẻ. Hàng năm, chị tổ chức ít nhất 2 chuyến đi tham quan Hà Nội, để giúp những người dân nơi đây mở mang kiến thức, được quan sát những mặt hàng, mẫu mã, giúp ích cho công việc của họ đang làm. Mọi chi phí của chuyến đi đều do chị trích quỹ, tổ chức. Tuy kết quả không được cao, nhưng chị luôn quan niệm đó là điều cần thiết phải làm và vẫn sẽ phải làm.
Phần thưởng lớn nhất là niềm tin của chị em
Chỉ với 25 triệu đồng tiền vốn lúc đầu, giờ đây HTX của chị Mai đã lớn mạnh và có tên tuổi. Có những bản hợp đồng lên đến 300 triệu đồng, với 10 công ty, khách hàng chủ lực đa phần ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, HTX Hợp Tiến đã có khoảng 120 nhân lực. Thu nhập nhân công tùy từng khâu, trung bình từ 1,5 đến 4 triệu đồng. Nhà nào cũng có xe máy, HTX thì mua được một chiếc ôtô làm phương tiện vận chuyển hàng hoá. Năm 2011, lợi nhuận sau thuế của HTX thổ cẩm này là 800 triệu đồng. Năm nay, Hợp Tiến phấn đấu có lãi chừng 1 tỉ đồng.
Sản phẩm thổ cẩm của Hợp Tiến làm ra đến đâu bán hết đến đó, có những lúc do không đủ nhân lực, vợ chồng chị Mai còn phải từ chối nhiều đơn đặt hàng. Một trong những bạn hàng quen thuộc nhất của Hợp Tiến là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. Với những thành tích đáng nể, chị Mai đã nhận được vô số bằng khen, huy chương. Nhưng chị Mai tâm sự:“Tấm huy chương lớn nhất chính là niềm tin của chị em đặt vào mình. Đó là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu đưa nghề thổ cẩm đi xa hơn nữa”.
Hương Trang