Nữ bác sỹ say mê nghiên cứu khoa học

Dù mới gắn bó với Khoa sơ sinh, Bệnh viện sản nhi tỉnh Ninh Bình nhưng bằng tình yêu nghề, hết lòng với người bệnh, bác sỹ Phạm Thị Huế đã chữa trị, giành lại sự sống cho hàng trăm trẻ sơ sinh.

Hết lòng vì người bệnh


Tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Bình, chuyên ngành Bác sỹ đa khoa năm 2012, bác sỹ Huế được nhận về công tác tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện sản nhi Ninh Bình. Ngay từ khi được tiếp xúc với các bé sơ sinh, chị đã cảm nhận rõ tình yêu đặc biệt dành cho các “thiên thần”.

Bác sỹ Phạm Thị Huế chăm sóc trẻ sơ sinh tại khoa. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Chị chia sẻ: "Những ngày đầu, hình ảnh của các cháu bé chỉ mới vài ngày tuổi thiêm thiếp trong lồng ấp với đủ thứ dây dợ, máy móc xung quanh khiến tôi không khỏi xót xa. Đó cũng là lý do tôi gắn bó với Khoa sơ sinh để mong phần nào giảm bớt nỗi đau bệnh tật, cứu chữa, giành giật lại sự sống cho các bé dù biết rằng công việc tại Khoa sơ sinh sẽ đặc biệt vất vả. Với tôi, được chăm sóc các "thiên thần bé nhỏ" là niềm hạnh phúc vô giá".


Bác sỹ Huế cho biết: Đặc thù của Khoa không giống những khoa bệnh khác vì bệnh nhân phải tách biệt với bố mẹ nên thiếu thốn hơi ấm, sự chăm sóc từ người mẹ, vì vậy các nhân viên y tế luôn phải túc trực, vỗ về các bé. Các bé có triệu chứng bệnh nhưng không thể nói được mà chỉ biết khóc, nên đòi hỏi bác sỹ phải nắm vững chuyên môn để chẩn đoán, điều trị bệnh chính xác. Vất vả là vậy nhưng giây phút được nhìn ngắm các bé sơ sinh thay đổi mỗi ngày, từ lúc vào viện nhỏ xíu trong 2 bàn tay đến khi ra viện phổng phao khỏe mạnh khiến chị càng vững tâm bám trụ với nghề.


Đối với chị Huế, mỗi bé sơ sinh điều trị tại khoa đều là một câu chuyện, một kỷ niệm đáng nhớ. Có những gia đình mà người cha, người mẹ liên tiếp trải qua nhiều lần mất con từ lúc mới lọt lòng. Vì vậy, việc điều trị cho các bé không chỉ là cứu một đứa trẻ mà còn cứu cả những niềm hy vọng của người thân, gia đình các em.


Chị Nguyễn Thị Lan, quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình tâm sự, ngày con chị phải nhập viện rồi điều trị cách ly, gia đình có lúc sợ hãi tưởng mất con. Quãng thời gian bé phải nằm viện quá nhiều, nhiều khi bố mẹ cảm thấy mệt mỏi, mất hy vọng... Nhưng được các bác sĩ rất tận tình, nhất là bác sĩ Huế, người trực tiếp điều trị cho bé hay ân cần động viên, chị lại thấy ấm lòng, có thêm niềm tin để cùng con chiến đấu với bệnh tật.


Tình yêu của bác sỹ Huế dành cho các bé sơ sinh không đơn thuần chỉ là niềm đam mê, trách nhiệm vì người bệnh của một bác sĩ giỏi mà đó còn là cảm xúc từ trái tim của một người mẹ luôn đau đáu vì con, có sự đồng cảm, thấu hiểu với những gia đình thấp thỏm trước bệnh tình của con. "Lương y như từ mẫu" luôn là phương châm trong suốt quá trình công tác của tôi", chị Huế nói.


Say mê nghiên cứu khoa học


Không chỉ giỏi chuyên môn, bác sỹ Huế còn dành nhiều thời gian tham gia các lớp học nâng cao trình độ, hoàn thành văn bằng định hướng chuyên khoa nhi. Tháng 8/2015, Bác sỹ Huế đã tham gia lớp "Đào tạo giảng viên tuyến tỉnh về phương pháp chăm sóc trẻ bằng Kanggaroo". Sau khi tham gia khóa học, trên tinh thần triển khai kỹ thuật mới và truyền đạt về y tế các tuyến, bác sỹ Huế cùng đồng nghiệp đã triển khai, đào tạo thành công phương pháp này, mang lại nhiều quyền lợi cho bệnh nhi tại Bệnh viện. Đồng thời, chị còn cùng đồng nghiệp triển khai thành công nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến hiện đại như bơm surfactant, đặt catherter động mạch rốn - đo huyết áp động mạch xâm nhập, đặt catherter tĩnh mạch rốn, đặt longline,...


Năm 2015, bác sỹ Huế thực hiện thành công đề tài cấp ngành "Bước đầu đánh giá hiệu quả liệu pháp surfactant ở trẻ đẻ non và một số yếu tố liên quan tại Khoa sơ sinh Bệnh viện sản nhi tỉnh Ninh Bình từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2015" và được Hội đồng khoa học Sở Y tế tỉnh Ninh Bình xếp loại xuất sắc.


Bác sỹ Huế cho biết, hội chứng suy hô hấp, mô tả tình trạng suy hô hấp ở những trẻ sinh non mà nguyên nhân chính là do thiếu tổng hợp Surfactant. Đây là hoạt chất được tế bào type 2 thành phế nang tổng hợp và dự trữ từ tuần thứ 24 thai kỳ, chủ yếu là tuần thứ 34 và được xem là chỉ thị độ trưởng thành phổi. Tác dụng của Surfactant làm giảm sức căng bề mặt phế nang, gia tăng độ giãn nở và hiệu quả trao đổi khí của phổi, ngăn ngừa xẹp phế nang vào cuối kỳ thở ra. 


Tần suất hội chứng suy hô hấp cấp càng tăng khi tuổi thai càng thấp. Đề tài "Bước đầu đánh giá hiệu quả liệu pháp surfactant ở trẻ đẻ non và một số yếu tố liên quan tại Khoa sơ sinh Bệnh viện sản nhi tỉnh Ninh Bình từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2015" đã góp phần tổng kết, đánh giá hiệu quả trong quá trình dùng liệu pháp sufactant ở trẻ đẻ non nghiên cứu điều trị trên 30 trẻ sinh non tại Bệnh viện sản nhi tỉnh trong thời gian 3 năm. 


Qua nghiên cứu, bác sỹ Huế đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tăng thêm hiệu quả cho liệu pháp surfactant ở trẻ đẻ non như cần đẩy mạnh công tác truyền thông về quản lý thai nghén; nên điều trị surfactant sớm cho trẻ đẻ non ngay sau khi được chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cần khống chế nhiễm khuẩn bệnh viện và phát hiện còn ống động mạch sớm, một cách có hệ thống; kiểm soát các yếu tố bệnh lý nền liên quan một cách chặt chẽ, đặc biệt ở đối tượng cân nặng rất thấp nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Đồng thời, bác sỹ Huế đề nghị hỗ trợ cơ sở điều trị về trang thiết bị máy móc như máy thở HFO trong điều trị tăng áp phổi, máy xác định, nuôi cấy vi sinh, thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn để nâng cao hiệu quả điều trị.


Không dừng lại ở thành công ấy, bác sỹ Huế còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, ấp ủ các đề tài nghiên cứu mới. Năm 2016, đề tài "Khảo sát tình trạng xuất huyết phổi ở trẻ đẻ non và một số yếu tố liên quan tại khoa sơ sinh Bệnh viện sản nhi tỉnh Ninh Bình từ tháng 3/2016 đến tháng 9/2016" được Hội đồng khoa học Bệnh viện sản nhi tỉnh đánh giá cao. Thời gian tới, bác sỹ Huế chia sẻ đang ấp ủ nhiều đề tài nghiên cứu khoa học góp phần áp dụng hiệu quả trong khám và điều trị cho nhân dân.


Công việc, học tập và đam mê nghiên cứu khoa học tưởng chừng đã dành trọn thời gian nhưng khi có các hoạt động thiện nguyện do Bệnh viện tổ chức, Bác sỹ Huế luôn nhiệt tình tham gia như khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách; phát cơm miễn phí cho người bệnh tại Bệnh viện; tặng quà cho các em thiếu nhi đang nằm điều trị tại Bệnh viện...


Giám đốc Bệnh viện sản nhi tỉnh Ninh Bình Phạm Cầm Kỳ đánh giá, bác sỹ Huế tuy có thời gian công tác còn chưa nhiều nhưng nắm chắc chuyên môn, không ngừng học tập, nghiên cứu, tìm tòi, được nhân dân tin tưởng, yêu quý. Với những nỗ lực ấy, năm 2016, đồng chí Huế được UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động chuyên môn.


Chia tay chúng tôi, người thầy thuốc ấy lại tất bật quay về bên những giường bệnh có các bé sơ sinh đang mong chờ bàn tay vỗ về, âu yếm của "người mẹ" giúp các em vượt qua bệnh tật, sớm trở về bên người thân, gia đình. Có lẽ với chị, những bằng khen, danh hiệu là nguồn cổ vũ động viên trong công việc, song niềm vui khi giúp các bệnh nhi khỏe mạnh trở về với bố mẹ, người thân mới là phần thưởng, niềm hạnh phúc lớn nhất.


Hải Yến (TTXVN)
Bác sĩ của những bệnh nhân quanh năm đến viện
Bác sĩ của những bệnh nhân quanh năm đến viện

Ở nước ngoài, mỗi bệnh viện thường chỉ trang bị khoảng 30 - 40 máy lọc thận và chỉ chạy 2 ca/ngày; nhưng 95 chiếc máy tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, luôn làm việc hết công suất để điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân, chia làm 4 - 5 ca/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN