Nông dân tìm cách thích ứng khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao 

Giá phân bón cùng các sản phẩm vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, bà con nông dân đã tìm giải pháp thích ứng nhằm giảm chi phí, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất.

Chú thích ảnh
Nông dân Gia Lai lựa chọn các sản phẩm phân hóa học phù hợp. Ảnh: TTXVN phát

Qua khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giá phân bón tăng từ 40-50%, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của các chủ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và người dân, giá nhiều loại phân bón hiện nay có mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân. 

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Trúc Lệ, Quản lý cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Công ty TNHH Khánh Nguyên Gia Lai tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tình hình chung năm nay, giá các loại phân bón tăng rất cao, cá biệt có sản phẩm tăng gấp đôi. Mùa mưa mọi năm, giá các loại phân bón chỉ khoảng từ 500-600 nghìn/bao, thì nay đã tăng lên từ 800 - 900 nghìn/bao; riêng phân bón nhập khẩu tăng cao hơn nữa. 

Ông Trần Quốc Toản ở xã Ia Châm, huyện Ia Grai cho biết, giá các mặt hàng phân bón năm nay tăng cao hơn so với mọi năm, vì vậy, tuy từng thời điểm thích hợp, gia đình tôi tính toán bón giảm lượng phân. Cụ thể, mùa mưa năm nay, gia đình ông chỉ bón 2 đợt thay vì 3 đợt như mọi năm, với khoảng 1 tấn phân/đợt giảm 0,5 tấn cho diện tích 2 ha cà phê của gia đình.  

Trước thực trạng giá phân bón tăng cao, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã linh động tìm giải pháp thích ứng và duy trì hiệu quả sản xuất. Điển hình như gia đình ông Lại Quang Huấn ở thôn Chư Wâu, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Gia đình ông Huấn hiện đang canh tác 6 ha cây ăn quả gồm 200 cây xoài và khoảng 2.000 cây nhãn, cho thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Năm nay, để đảm bảo ổn định năng suất vườn cây cũng như thu nhập trước bão giá phân bón và các sản phẩm vật tư nông nghiệp tăng cao, gia đình ông Huấn đã chủ động giảm lượng phân hoá học chuyển sang sử dụng phân hữu cơ vi sinh được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp gắn với áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Ông Lại Quang Huấn ở Thôn Chư Wâu, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai chia sẻ, năm nay phân vô cơ có giá quá cao, do đó mình phải học hỏi và nghiên cứu quy trình ủ phân vi sinh, thông qua tận dụng các nguồn phân gia súc sẵn có của gia đình và thu mua thêm phân bò, phân dê từ người dân xung quanh. Nhờ có nguồn phân này, nên gia đình chỉ cần bón một đợt phân hóa học kèm với 1 đến 2 đợt phân vi sinh, nên vườn cây phát triển hiệu quả.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho hay,  phòng đã tuyên truyền, định hướng cho bà con nông dân trên địa bàn cần sử dụng các loại phân hoá học có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, đồng thời sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, đơn vị cũng đã khuyến cáo đến mọi người dân tích cực sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh vào sản xuất để tiết kiệm chi phí.

Để hạn chế thiệt hại cho người nông dân, đơn vị đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn có dâu hiệu không niêm yết giá công khai, bán các sản phẩm không rõ xuất xứ, hạn sử dụng và những vi phạm khác trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao là điều kiện thuận lợi phát sinh nguy cơ kinh doanh không lành mạnh như: buôn bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, hoặc đầu cơ, tích trữ để tăng giá kiếm lời,... Do đó, để kiểm soát chất lượng, giá các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này.

Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai đã phát hiện và xử lý 78 vụ vi phạm lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phạt tiền gần 230 triệu đồng và đình chỉ 3 cơ sở hoạt động kinh doanh phân bón.

Ông Lê Hồng Hà, Cục Trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Gia Lai cho biết, qua đánh giá tình hình, giá phân bón tăng cao trong thời gian qua có nguyên nhân chính từ việc giá xăng, dầu tăng làm tăng giá cước vận chuyển và giá nguyên liệu đầu vào của loại phân 3 màu NPK. Chính điều này tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp lợi dụng sản xuất đưa vào thị trường các loại phân bón kém chất lượng để thu lợi bất chính.

Trước tình hình này, đơn vị đã chỉ đạo các Đội Quản lý Thị trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, lấy mẫu các sản phẩm phân bón, từ đó sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra, lấy mẫu ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Gia Lai đã tiến hành đưa đi kiểm nghiệm 10 mẫu phân bón và đến nay đã có thông tin 4 mẫu có khả năng vi phạm.

Trước tình hình giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhằm ổn định thị trường của ngành chức năng. Người nông dân cũng cần sáng suốt lựa chọn sử dụng các loại phân bón một cách hiệu quả, hợp lý,bên cạnh tận dụng nguồn phân bón tại chỗ, sử dụng các loại phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học để giảm chi phí đầu tư và bảo đảm sản xuất bền vững. Đây chính là giải pháp căn cơ để thích ứng hiệu quả với giá phân bón, vật tư nông nghiệp không ổn định như hiện nay.

Hoài Nam - Xuân Huy (TTXVN)
Thị trường phân bón liệu còn biến động?
Thị trường phân bón liệu còn biến động?

Sau khi lập đỉnh vào tháng 4/2022, cung - cầu thị trường phân bón thế giới sẽ cân bằng và giá cả sẽ bình ổn trở lại hay vẫn tiếp tục neo cao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN