Tiến độ giao đất chậm, tình hình xâm lấn đất, tái lấn chiếm đất chưa được giải quyết dứt điểm, chính sách của đồng bào tái định cư theo quy định chưa được giải quyết thoả đáng đã khiến cho gần 150 hộ dân đồng bào tái định cư Dự án thuỷ điện Bản Vẽ ở Thanh Chương trở về quê cũ Tương Dương (Nghệ An) đang đối mặt với nguy cơ trẻ em bị thất học và bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc dần bị mai một.
* Trẻ em thất học
Những ngày này đến bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương chỉ thấy những căn nhà trống huơ trống hoác, vườn tược bỏ hoang, nhà nhà vắng bóng người. Có chăng chỉ vài cụ già, phụ nữ và những đứa trẻ còn quá nhỏ.
- Em tên là gì?
- Em là Lô Thị Thơm
- Em bao nhiêu tuổi?
- Em 12 tuổi
- Em ở đây với ai?
- Em ở với anh chị
- Bố mẹ em đi đâu?
- Bố mẹ em về Tương Dương rồi
- Đến ngày khai giảng rồi, em đã chuẩn bị gì để đến lớp chưa?
- Chỉ có quần áo cũ và sách vở cũ thôi.
Thơm không phải là trường hợp duy nhất ở bản Kim Hồng phải sống xa bố mẹ của mình. Ngày học đã cận kề, Thơm cũng rất nóng lòng được đến lớp để gặp gỡ thầy cô, bạn bè và học bao nhiêu điều mới lạ. Thế nhưng với em lúc này, không có cha mẹ ở nhà, phải trông em cho anh chị sản xuất mới là nhiệm vụ chính.
Bản Kim Hồng có 103 hộ, 434 nhân khẩu nhưng giờ đây chỉ còn 16 hộ là ở lại, hầu hết các gia đình đã trở về quê cũ hoặc đi đến các địa phương khác làm ăn, sinh sống. Do thiếu đất, do chưa quen với môi trường sản xuất mới, cũng có một số người do ỷ lại vào tự nhiên nên đã bỏ về quê cũ làm ăn. Vấn đề này làm ảnh hưởng trực tiếp đối với huyện Tương Dương gặp khó khăn trong công tác quản lý hành chính, quản lý môi trường như rừng, thuỷ sản, trật tự an toàn xã hội. Bởi giờ đây họ không còn là đối tượng thuộc sự quản lý của huyện Tương Dương. Bản thân họ không có ai quản lý, không có ai chăm sóc sức khoẻ khi ốm đau chỉ vì sống chui lủi trong rừng hay trên mặt hồ. Cha mẹ đi cũng kéo theo cả con cái hoặc để con lại ở nhà, các cháu bơ vơ không có cha mẹ quản lý làm ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhiều lần huyện Tương Dương tổ chức vận động đưa họ ra khỏi địa bàn nhưng còn gặp khó khăn vì trước mắt họ vẫn còn hưởng lợi từ lòng hồ do đánh bắt cá trên lòng hồ.
Trưởng bản Chương Xuân Tần vừa trải qua một quãng đường dài từ lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ trở về trong sáng nay. Chỉ tay vào mảnh vườn nhà rồi ông cầm cuốc cuốc đất, đoạn ngẩng lên hỏi: “Nhà báo xem đất như thế này thì trồng được cây gì?”. Rồi phân trần, ông vừa từ trên quê cũ về để giải quyết hai việc. Thứ nhất, về việc riêng, là tận thu các cây lương thực trên đó mà gia đình ông đã và đang sản xuất đem về dưới này tích trữ, sinh sống lâu dài. Thứ hai là vận động bà con trở về bản mới làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, bà con phản ứng và ra điều kiện: Họ chỉ trở về bản mới khi các ngành chức năng giao đất sản xuất nông nghiệp để đảm bảo lương thực, phải có nước sạch để sinh hoạt, phải có trường mầm non cho các cháu đi học.
Theo thống kê chưa đầy đủ, xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn có đến 30 cháu ở lứa tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở theo cha mẹ trở về quê cũ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi ba yêu cầu trên chưa được chính quyền địa phương đáp ứng thì họ cũng sẽ chưa trở về, kéo theo đó là nguy cơ trẻ em bị thất học. “Khi tôi nói đến vấn đề này, nhiều bà con bảo rằng sẽ chấp nhận cho chúng bỏ học 1-2 năm còn hơn là cả nhà không có gì để ăn, để sống. Vì cuộc sống nơi bản mới chưa được đảm bảo nên bà con chưa yên tâm trở về”, trưởng bản than thở.
* Bản sắc văn hoá bị mai một
Đã 3 năm sinh sống trên bản mới Kim Hồng nhưng đồng bào nơi đây chưa năm nào tổ chức Tục mừng lúa mới, mừng sắn mới. Đây là tục mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái muốn dạy cho con cháu biết quý trọng hạt cơm, củ sắn bởi nó là thứ nuôi sống con người và là thành quả của mồ hôi công sức cha ông. Lễ cúng mừng lúa mới không cầu kỳ như những tục lệ khác nhưng là lễ quan trọng nhất trong năm vì nó báo hiệu sự ấm no đã đến và một năm cũ lao động nặng nhọc đã qua đi. “Chúng tôi làm lễ này để tạ ơn thần trời và tổ tiên ông bà phù hộ sang năm lúa tốt, hạt mẩy, để cho mường bản không còn đói nghèo. Cũng từ đây theo hạt lúa từ nương về còn có cả bí xanh, khoai sọ, gừng tươi. Những cây phụ này đã thành nguồn thu nhập chính của nhiều nhà để có tiền mua sắm trong sinh hoạt hàng ngày. Từ khi về bản mới, không đi nương rẫy cũng chẳng có ruộng nước để làm, thế nên phong tục chẳng duy trì được nữa”, ông Vi Văn Tình tiếc nuối.
Đến bản Kim Hồng, bản Tả Xiêng, bản Noọng hay bản Mà, hiếm hoi mới thấy vài ba khung dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ được đặt ở trong nhà. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm làm ra để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng và dư dả thì bán trao đổi hàng hoá. Giờ đây vì lo mưu sinh, theo chồng trở về quê cũ tăng gia sản xuất, phụ nữ Thái không còn say sưa với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt thổ cẩm. Họ đã dần bỏ sắc phục truyền thống và quen với cách ăn mặc thông thường, bởi thế nghề dệt thổ cẩm cũng dần bị mai một.
“Phong tục tập quán ma chay, cưới hỏi giờ cũng khác rồi, dần theo người miền xuôi cả. Nhà nào có cưới hỏi, cũng thuê rạp cưới rồi dựng lên, rước dâu vào ban ngày chứ không phải ban đêm như phong tục cổ truyền nữa”, bà Lộc Thị Hướng chia sẻ. Giờ đây, để nghe điệu khắp, suối, nhuôn hay đánh trống chiêng, chơi ném còn vào các ngày lễ, tết cũng thật hiếm hoi. Ngay cả chợ, trung tâm học tập cộng đồng, khu vui chơi văn hoá, thể thao của xã – là địa điểm để bà con giao lưu, trao đổi, sinh hoạt đời sống tinh thần cũng chưa có.
“Nhân dân khu tái định cư Thanh Chương có nguy cơ lãng quên văn hoá truyền thống dân tộc mình là khá rõ, nếu chính quyền Thanh Chương không có những biện pháp tích cực, sự quan tâm kịp thời, đồng thời người dân không có ý thức khôi phục, gìn giữ thì bản sắc văn hoá sẽ bị mai một dần”, ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch huyện Tương Dương đề nghị.
Theo Trưởng bản Chương Xuân Tần, nguyên nhân của sự lãng quên này là thiếu sân chơi, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt, sản xuất thay đổi. Bản thân họ đang lo gánh nặng mưu sinh nên không còn mặn mà với các hoạt động bảo tồn văn hoá.
Bích Huệ