Nỗ lực kiểm soát và xử lý triệt để các nguồn nước thải

Với mục tiêu đảm bảo chất lượng môi trường sống cho người dân, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện những giải pháp xử lý triệt để các nguồn nước thải.

Đại biểu tham quan hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 3.300 nguồn thải của các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ (nước thải sinh hoạt, nước thải dệt may, nước thải từ các lò giết mổ, khu chế xuất…), với lượng thải mỗi ngày gần 600.000 m3.

Bảy hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước thải sinh hoạt của thành phố vẫn còn nhiều kênh hở và các cửa xả cũ, hư hại nặng. Khả năng thoát nước của các cửa xả này không đáp ứng nhu cầu thoát nước thải. Hiện vẫn còn hơn 18.000 hộ dân làm nhà trên kênh rạch, khoảng 700 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa được di dời ra ngoại thành, phần lớn cơ sở chưa có hệ thống xử lý chất thải.

Mặt khác, tuy Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm soát việc xả thải từ các khu dân cư, quy định những dự án từ 20 ha trở lên phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung nhưng vẫn còn một số dự án chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đa số các dự án dân cư có diện tích dưới 20 ha không có hệ thống xử lý nước thải và được xả thẳng ra môi trường.

Nước thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện được thu gom, xử lý ở 9 lưu vực thoát nước, trong đó trạm xử lý nước thải Bình Hưng có công suất 141.00 m3/ngày, trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa có công suất 30.000 m3/ngày, nước sau khi xử lý đạt yêu cầu để sử dụng tưới tiêu trong đô thị.

Tất cả những yếu tố này là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung, đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết trong xử lý nước thải tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với diện tích rộng, dân số ngày càng đông, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương thải ra nhiều chất thải nhất trong cả nước, nhất là về nước thải. Vấn đề xử lý nước thải được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao, ngành Tài nguyên và Môi trường luôn thực hiện các giải pháp thu gom, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bể chứa nước thải sau xử lý tại Khu công nghiệp Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Về xử lý nước thải công nghiệp, theo ông Trần Kim Phát, Giám đốc Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện 13 khu công nghiệp, hai khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, 50 doanh nghiệp có nguồn nước thải trên 1.000 m3/ngày đêm cũng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng.

Đối với việc giám sát, kiểm tra công tác xử lý nước thải công nghiệp, ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: 16 hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có 16 trạm quan trắc tự động.

Các trạm quan trắc này đo các chỉ số của nước thải đã qua xử lý và liên tục truyền về trung tâm để theo dõi. Các doanh nghiệp có nguồn xả thải trên 1.000 m3/ngày đêm ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng còn phải đầu tư hệ thống truyền dữ liệu nước thải đã qua xử lý về trung tâm.

Nhằm đảm bảo công tác tiếp nhận dữ liệu chính xác từ 16 trạm quan trắc tự động và từ hệ thống dữ liệu của các doanh nghiệp, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường đang xây dựng phần mềm tiếp nhận và giải mã thông tin dữ liệu. Những nơi không đạt tiêu chuẩn đối với nước thải đã qua xử lý, Trung tâm sẽ báo cáo cơ quan chức năng để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định đầu tư quản lý, vận hành, quy chế xử lý các trường hợp vi phạm về xử lý nước thải đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh thực hiện kế hoạch nâng cao công suất xử lý nước thải tại các nhà máy xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện dự án tái sử dụng nước thải. Cụ thể, trạm xử lý nước thải Bình Hưng hiện ứng dụng công nghệ bùn hoạt tính để xử lý nước thải sinh hoạt.

Tại đây, nước thải sau khử trùng có thể tái sử dụng trực tiếp để vệ sinh nhà xưởng, tưới cây trong khuôn viên hoặc rửa đường nội bộ. Một phần nước sau lắng được đưa qua bồn lọc cát áp lực để sử dụng cho các mục đích pha hóa chất, làm mát thiết bị, rửa thiết bị ép bùn.

Với giải pháp tái sử dụng, lượng nước thải đã qua xử lý có khả năng tái sử dụng đạt khoảng 800 m3/ngày. Đồng thời, các nhà máy, doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư trang thiết bị nhằm tái sử dụng nước thải đã qua xử lý vào việc giảm nhiệt lò hơi, vệ sinh nhà xưởng, tưới cây xanh trong khuôn viên.

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN/Tin Tức)
Bất cập xử lý nước thải đô thị
Bất cập xử lý nước thải đô thị

Nhu cầu về cấp, thoát nước ngày càng tăng, trong khi đó tình trạng xây dựng không theo quy hoạch, xây dựng trên cống thoát nước, lấn chiếm và đổ rác bừa bãi lấp hồ, sông, kênh… vẫn tiếp diễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN