Ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Nhiều năm qua tình hình an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đã có giảm, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe người lao động và tăng cường đầu tư máy, thiết bị, đổi mới công nghệ mới để cải thiện điều kiện lao động; tuy nhiên vẫn còn rất nhiều chủ doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động vẫn bất chấp nguy hiểm, vô tư vi phạm các quy định pháp luật nên vẫn có nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng.
Theo ông Phạm Minh Hà, nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chủ động phòng ngừa, thường chỉ khi xảy ra sự cố mới bắt đầu khắc phục. Do đó, để kéo giảm tai nạn lao động, ông Hà cho rằng doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và người lao động cần tích cực chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc. Ngoài ra, để xây dựng văn hóa an toàn tại các doanh nghiệp đi vào thực chất, chính các doanh nghiệp cũng phải chủ động thiết lập được ý thức, tác phong công nghiệp và thói quen làm việc an toàn với bất kể công việc nào.
Ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, hầu hết các vụ tai nạn lao động trong xây dựng hiện nay đều xảy ra ở các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân là do các nhà thầu tư nhân, các công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu thi công, hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công, không hiểu biết và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Từ thực tế này, Sở Xây dựng kiến nghị, khi cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, UBND các quận, huyện cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy phép hành nghề, chứng chỉ hoạt động của nhà thầu, đơn vị thi công công trình. Đồng thời, tích cực tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn lao động đến tận các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, người lao động để họ biết cách bảo vệ tính mạng của mình và những người xung quanh... khi làm việc.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2018 cả nước đã xảy ra hơn 7.090 vụ tai nạn lao động, làm 622 người chết, 1.684 người bị thương nặng; so với năm 2017 giảm về số vụ và số người chết, song tăng số nạn nhân nữ. Trong tất cả các ngành nghề, ngành xây dựng có tỉ lệ tai nạn lao động nhiều nhất, chiếm 16% tổng số vụ tai nạn lao động chết người và chiếm 16% tổng số người chết; sau đó lần lượt là các ngành sản xuất vật liệu, dệt may và da giày, khai thác khoáng sản, dịch vụ, cơ khí luyện kim, khai thác mỏ. Mặt khác, có 10 tỉnh, thành có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Nam và Bình Dương.