Từ sự hỗ trợ của Trung ương Đoàn, tỉnh Tuyên Quang được đầu tư 15 cây cầu dân sinh trên địa bàn những xã khó khăn với tổng số vốn khoảng 23 tỷ đồng. Đây là những cây cầu mơ ước của nhân dân, vì vậy quyết định xây dựng cầu đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân địa phương. Nhân dân đã tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, có nơi nhân dân cùng chung tay góp ngày công để xây dựng các tuyến đường dẫn lên cầu.
Anh Lương Văn Huy, thôn Pắc Nhiêng, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cho biết khi chính quyền xã thông báo sẽ được xây cầu người dân nơi đây rất phấn khởi. Chính vì vậy, khi xã vận động hiến đất làm tuyến đường dẫn đến cầu, anh cùng nhiều người dân trong thôn đã tự nguyện hiến các phần đất của gia đình, tạo thuận lợi cho việc thi công.
Theo ông Nguyễn Hồng Sinh, Trưởng thôn Thái Hòa, xã Tam Đa, huyện Sơn Dương, thôn Thái Hòa được bao quanh là suối nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, những cây cầu tạm được người dân dựng lên chỉ phục vụ việc đi lại vào mùa nước cạn. Đến mùa mưa khi nước dâng cao, những cây cầu tạm đều bị dòng nước lũ cuốn đi hết, có khi thôn bị cô lập đến cả tuần. Giao thương buôn bán đình trệ, học sinh trong thôn phải nghỉ học triền miên. Sau khi cây cầu hoàn thành đời sống của nhân dân ở đây được nâng lên rõ rệt. Nhân dân các xã Tam Đa, Phú Lương (Sơn Dương) và xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) có điều kiện giao thương, phát triển kinh tế.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang Ma Phúc Dự cho biết: Thực hiện dự án xây cầu nông thôn, Tuyên Quang được xây dựng 15 cây cầu, với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng, trong đó Trung ương Đoàn hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng, tỉnh Tuyên Quang đối ứng 5 tỷ đồng. Hiện tại, Tỉnh đoàn đã triển khai xây dựng được 8 cây cầu, trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng 5 cây cầu, 3 cây cầu còn lại dự kiến cuối tháng 9/2016 sẽ hoàn thành. Sau đó, dự án sẽ tiếp tục được triển khai đến năm 2017. Trong quá trình thực hiện dự án, Tỉnh đoàn đã cùng phối hợp với các chi đoàn cơ sở phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc xây dựng các tuyến đường dẫn đến cầu; phối hợp cùng với chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất xây cầu, làm đường. Chính nhờ sự đồng thuận từ người dân mà công tác giải phóng mặt bằng thực hiện rất nhanh, hầu như các cây cầu đều hoàn thành trước thời hạn.
Có thể nói, đồng bào vùng sâu, vùng xa trong tỉnh sẽ không còn nỗi lo đi lại trong mùa mưa bão nhờ những cây cầu mới thuộc dự án cầu nông thôn ở Tuyên Quang. Những nhịp cầu đang rút ngắn con đường đến trường cho học sinh vùng sâu, vùng xa và tạo điều kiện cho đồng bào giao thương, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.