Những cây cầu nguy hiểm trên thượng nguồn sông Mã

Theo UBND huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La), trên địa bàn huyện hiện có 94 chiếc cầu các loại, trong đó có 2 cầu bê tông, 7 cầu treo, 10 cầu phao được bắc qua sông Mã và 75 cầu treo dân sinh qua suối, nằm rải rác ở các xã trong huyện. Những cây cầu này đã xuống cấp, đang trở thành những chiếc bẫy gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện qua lại.

Chứng kiến cảnh phương tiện và người dân đi qua chiếc cầu phao bắc tạm qua sông Mã thuộc bản Cang (xã Chiềng Khoong) mới thấy hết những nguy hiểm của những cây cầu này. Anh Lò Văn Khụm, nhà ở gần đó cho biết: Cầu phao được người dân tự làm, chỉ sử dụng vào mùa nước cạn, đến mùa lũ lại phải tháo ra. Cầu phao tạm bản Cang có chiều dài khoảng 100 m, rộng 1,5 m. Mặt cầu được đóng bằng những tấm ván gỗ tạp, ghép thành mảng, phía dưới là những chiếc thùng phuy thả nổi trên mặt nước để làm phao. Vậy mà người qua lại vẫn phải trả phí 5.000 đồng/lượt. Em Bùi Thị Chinh ở bản Liên Phượng, xã Chiềng Khoong cho hay: Mỗi lần đi qua cầu phao để đến trường, em rất sợ vì cứ có xe máy đi qua, cầu lại nẩy lên, rung lắc. Cầu không có lan can, tay vịn, khi đi qua có cảm giác bồng bềnh như đi trên thảm nhún.

Khu vực thượng nguồn sông Mã đoạn qua địa bàn huyện Sông Mã từ xã Bó Sinh đến xã Chiềng Khương có chiều dài gần 90 km. Để thuận tiện cho việc đi lại, người dân tự thiết kế 9 cầu phao tạm qua sông. Mặt cầu tạm được lát những tấm phên đan bằng tre, nứa. Cây cầu treo qua suối Nậm Cỏn nối đường 175 lên 5 xã vùng cao: Mường Lầm, Đứa Mòn, Bó Sinh, Chiềng En, Pú Bẩu về mùa mưa, mỗi ngày phải cõng hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại. Cầu đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn nhưng chưa thấy chính quyền sở tại có phương án khắc phục, sửa chữa.

Theo ghi nhận của phóng viên, bắc ngang qua những con suối vào các bản còn có nhiều cây cầu dân sinh trong tình trạng rất nguy hiểm. Đơn cử như cầu treo vào bản Huổi Khoang, xã Nậm Mằn. Bốn trụ cầu bằng cột gỗ đã mục, gác tạm lên đó là bó dây cáp. Cây cầu treo đã xuống cấp lại thêm rung lắc mỗi khi có người qua lại. Phía dưới cầu là suối sâu khiến cây cầu như chiếc bẫy nguy hiểm cho người dân, thế nhưng không hề có biển báo nguy hiểm hay biển chỉ dẫn được gắn lên để cảnh báo cho người dân.

Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện còn 25 trên tổng số 95 cầu các loại trong tình trạng sử dụng ổn định. 45 cầu cần sửa chữa khắc phục, 15 cầu phải tháo dỡ. UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các địa phương quản lý, tuyên truyền cho người dân về sử dụng và hướng dẫn trọng tải của cầu, cắm biển báo, biển chỉ dẫn, cũng như nghiêm cấm và triển khai tháo dỡ đối với 8 cây cầu treo không đủ điều kiện để tham gia giao thông.

Điêu Chính Tới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN