Niềm tin tuyệt đối để giành chiến thắng

Trận chiến trên đồi Độc Lập trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã qua đi 60 năm, nhưng những gương mặt đen sạm vì khói súng với cặp mắt rực lửa căm thù lao bộc phá qua hàng rào địch, những mũi xung kích tung hoành trong từng trận chiến đấu giáp lá cà vẫn là dấu ấn nếp hằn trong tâm trí người chiến sỹ Điện Biên - Thiếu tướng Bùi Nam Hà..


Những ký ức khó phai


Tham gia trận chiến Điện Biên Phủ, lúc đó Thiếu tướng Bùi Nam Hà đang ở tuổi 30, là Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Tuy đã bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn giữ được khí chất, sự tinh anh của của một chiến sỹ Điện Biên. Ông chia sẻ: Trong 55 ngày đêm diễn ra chiến dịch gồm có 4 đại đoàn dầm mưa dãi nắng, máu trộn bùn non, muốn ngủ phải dựa cờ dưới đất ngủ. Lúc đó sức khỏe của lứa tuổi trai tráng là rất quan trọng. "Tôi nhớ mãi cái không khí vừa sôi động vừa thầm lặng, vừa rộn ràng vừa bí mật trên các nẻo đường chiến dịch. Sôi động rộn ràng vì ‘tất cả tiêu diệt Trần Đình’; thầm lặng, bí mật vì phải che mắt được quân địch" - ông Bùi Nam Hà tâm sự.

 

Những bức ảnh giúp Thiếu tướng Bùi Nam Hà nhớ về một thời hào hùng.

 


Ông dẫn chúng tôi vào trong thư phòng của mình và cho xem rất nhiều hình ảnh về những chiến sỹ đã từng tham gia trận chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi ông nghẹn ngào cho biết hầu hết trong số họ đều đã không còn. Nhắc về những đồng đội cùng tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông bảo: Dù 60 năm trôi qua nhưng những ký ức về những chiến sỹ trong trận chiến lịch sử này vẫn rạng rỡ trong tôi. Làm sao quên được Đại đội trưởng Đào Đình Sung cùng với Trung đội phó Nguyễn Thận, tay súng ngắn, tay tiểu liên giơ cao cùng lá cờ quyết chiến quyết thắng trên nóc lô cốt bê tông, dưới chân là 2 tên quan tư Mecquenmen và Kalr mà các anh vừa đánh bại; Thiên - Viên - Lập người này ngã xuống người kia đứng lên nhận cờ quyết chiến, quyết thắng tiến lên cắm lá cờ đẫm máu vào Sở chỉ huy Mecquenmen...


Bất chợt cựu Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà mỉm cười và kể: Tôi còn nhớ như in, một chiến sỹ trẻ nhất trong trung đoàn của tôi không mặc quần đứng bắn địch. Lúc đó tôi hỏi: Tại sao cậu không mặc quần? Cậu này liền trả lời: Em đang bị “té re”, chạy đi chạy lại mất thời gian, thế trận đang gấp nên em khỏi mặc quần luôn. Cậu chiến sỹ trẻ này còn cười và nói với tôi: “Ở dưới nó chảy thì kệ nó, ở trên mình bắn thì cứ bắn". Rồi ông nghẹn ngào: Tiếc rằng cậu chiến sỹ trẻ đó cũng đã hy sinh. Vào những tháng ngày đấu tranh đó, sức chịu đựng của con người ở đây thật không có giới hạn. Cơm muối, muỗi rừng, mưa ngàn, thác lũ... không một lời ca thán. Nhiều chiến sỹ của ta bị sốt rét rừng, tiêu chảy... nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ - ông bùi ngùi nhớ lại.


Quân lệnh như sơn


Nhiệm vụ của Đại đoàn 308 là đánh từ phía tây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng khi đã triển khai theo đội hình “đánh nhanh, thắng nhanh” thì ngày 26/1/1954, Đại đoàn nhận được lệnh rút quân ra khỏi trận địa bao vây tấn công.


Thiếu tướng Bùi Nam Hà kể tiếp: Sau khi các chiến sỹ đã có mặt ở lòng chảo Điện Biên và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ thì trước vài tiếng nổ súng, tôi nhận được điện báo: Trung đoàn trưởng đâu nhận lệnh! Rút toàn bộ quân ra khỏi lòng chảo, đúng 17 giờ phải có mặt ở rừng Hồng Cúm, sẽ có lệnh mới. Quân lệnh như sơn không được hỏi lại. Rõ chưa? Sau khi đã nghe lệnh, tôi trả lời: Rõ thưa thủ trưởng, rồi gấp rút đưa quân về rừng. Cuộc hành quân im lặng bí mật, quân địch không hề biết. Sau đó, toàn bộ đại đoàn đã tiến sang hướng thượng Lào hiệp đồng với quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Pathet Lào tiến công và tiêu diệt phòng tuyến sông Nậm Hu của quân Pháp.


"Dù chúng tôi không biết tại sao cấp trên lại không đánh khi lực lượng đã sẵn sàng nhưng khi nghe lệnh chúng tôi sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh. Trên bảo đi là đi, bảo đánh là đánh và chúng tôi hoàn toàn tin vào quyết định của Trung ương và chấp hành mệnh lệnh, quân lệnh như sơn" - ông chia sẻ.
Trong quá trình hành quân, cán bộ chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân quân tăng cường chuyển quân, trên lưng chỉ còn có 4 - 5 lạng gạo còn hầu hết là súng đạn rất nặng, trung bình mỗi người phải vác từ 25 - 40 kg. Các chiến sĩ chia thành 2 cánh quân, các tiểu đoàn tiên phong vừa đi vừa chuyển trang bị từ đội đột kích quân sự kiên cố sang đội xung kích gọn nhẹ. Phong thái từ lầm lì gan góc cũng trở nên hoạt bát lanh lẹ, sẵn sàng tao ngộ chiến và công kiên chiến...


"Chiều 30 Tết chúng tôi hội gặp quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Pathet Lào, nhân dân các bộ tộc Lào trên lưng gùi đầy gạo, sắn thậm chí cả lúa giống tiếp tế cho chúng tôi để đánh giặc. Trong quá trình hành quân vào sông Nậm Hu đã có hàng trăm thanh niên xin gia nhập vào đội quân chiến đấu, nhiều anh em không chỉ dẫn đường mà còn cùng chúng tôi lập công giết giặc" - ông Bùi Nam Hà nhớ lại.


Như vậy, sau gần một tháng hành quân Đại đoàn 308 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt quân địch trên phòng tuyến sông Nậm Hu. Giải phóng một vùng rộng lớn ở Bắc Lào, nối liền căn cứ địa Phong Xa Ly và nhận lệnh về Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc hành quân.


Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc một cách vang dội. Dù 60 năm đã trôi đi nhưng những hình ảnh về người chiến sỹ Điện Biên với lòng dũng cảm, trí thông minh và sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ, Đại tướng Tổng tư lệnh vẫn là tấm gương sáng mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè năm châu.


Bài và ảnh: Đan Phương - Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN