Những thành quả ấn tượng trong hành trình giảm nghèo bền vững

Xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là một chủ trương, mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta.

Chú thích ảnh
Người dân xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trồng tre Bát Độ từ nguồn được hỗ trợ. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân đều đặc biệt quan tâm và tập trung thực hiện nhiệm vụ này với định hướng đặt ra là phải phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về giảm nghèo. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục có những kết quả tích cực trong công cuộc giảm nghèo.

Đổi thay xã nghèo ở biên giới

Xã Mường Sai cách trung tâm huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) hơn 40km về phía Nam. Mường Sai có 12 bản, với hơn 1.000 hộ và trên 5.000 nhân khẩu, có 4 dân tộc Thái, Kinh, H'Mông, Xinh Mun cùng sinh sống. Đường về Mường Sai hiện nay thuận lợi hơn những năm trước rất nhiều nhờ giao thông được đầu tư xây dựng; nhờ đó, học sinh đi học thuận lợi, nhân dân chuyên chở hàng nông sản cũng dễ dàng. Anh Lò Văn Loãn (dân tộc Thái) ở bản Nà Hò vui vẻ nói, đời sống của gia đình anh đã khấm khá hơn trước. Giờ đây, không chỉ hộ của anh mà nhiều người trong bản đều nghĩ cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng “để làm sao có thêm thu nhập”.

Suy nghĩ của anh Lò Văn Loãn cũng chính là điển hình về ý chí thoát nghèo vươn lên ở bản Nà Hó. Khoảng 10 năm trước, nhận thấy gắn bó với cây ngô, cây lúa nhưng thu nhập chẳng là bao, cuộc sống cũng không khá lên được, anh Lò Văn Loãn quyết định lựa chọn cây nhãn với tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao hơn, cùng với nhiều điều kiện hỗ trợ thuận lợi từ địa phương. Năm 2014, người đàn ông dân tộc Thái này trồng hơn 100 gốc nhãn. Nhưng do trồng theo phong trào tự phát nên cây chưa đạt năng suất tối ưu, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, có năm cây không ra quả hoặc quả nhỏ, không bán được, đầu ra sản phẩm lại không ổn định, giá cả giao động mạnh.

“Sau khi được cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, năng suất vườn nhãn của tôi đã cải thiện đáng kể. Ở đây, nhiều hộ cũng đã thoát nghèo và có cuộc sống dư giả từ việc bán nhãn”, anh Lò Văn Loãn nhớ lại.

Theo anh Lò Văn Loãn, sau thời gian gắn bó với cây nhãn, gia đình anh đã tìm tòi và phát triển sản phẩm theo quy trình VietGAP. Tất cả khâu chăm sóc, bón phân đều có nhật ký ghi chép lại đầy đủ. Nhờ cách làm hay này, vườn nhãn cho quả to đều và mọng nước. Mỗi năm anh thu hoạch được hàng chục tấn nhãn tươi, giá cả bán ra tùy theo thị trường. “Mấy năm nay cuộc sống của gia đình tôi đã khá hẳn lên. Tôi đã xây được nhà mới, mua được ô tô tải, ô tô con” anh Lò Văn Loãn khoe.

Trao đổi về hành trình giảm nghèo của các hộ dân trên địa bàn, ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch Ủy ban xã Mường Sai cho hay, xã biên giới này còn có nhiều mô hình khác như mô hình nuôi dê, mô hình trồng mận… mang lại hiệu quả rất rõ rệt, giúp cải thiện đời sống kinh tế cho các hộ nghèo, cận nghèo.

“Năm 2022, xã có trên 300 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30% thì năm 2023, xã chỉ còn có 99 hộ nghèo và cận nghèo, tức là giảm xuống còn dưới 10%. Trong xã đã có nhiều hộ tính toán làm giàu, xây nhà lớn”, ông Lưu Văn Cường nhấn mạnh.

Nhìn nhận về những nỗ lực giảm nghèo ở Sơn La, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng cho hay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 đã đem lại những đổi thay, tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo, người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 21,66% thì đến cuối năm 2024 đã giảm xuống còn 11,11%. Cùng thời gian này, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 21,34%, giảm xuống còn 10,9%. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm bình quân 5% mỗi năm. Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 8,1% và có 4 huyện sẽ thoát nghèo.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Chú thích ảnh
Bà Cà Thị Móng tại bản Pảng, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN

Nhìn vào bức tranh tổng thể, Sơn La là một trong những điểm sáng của cả nước trong hành trình giảm nghèo. Việc “thay da, đổi thịt” của nhiều địa phương trên toàn quốc thời gian qua, đặc biệt trong năm 2024, đã phản ánh sinh động sự nhất quán, chung sức, đồng lòng của Đảng, Nhà nước và nhân dân vì người nghèo với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Các chủ trương, biện pháp giảm nghèo mới do Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cùng các địa phương đưa ra ngày càng chú trọng mục tiêu không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin. Hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững được triển khai, thực hiện. Trong đó, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đây, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống theo chuẩn nghèo đa chiều mới.

Như chia sẻ của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, thời gian qua, ngành đã tập trung triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù, nhất là về an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô. Năm 2024, Hà Nội đã đạt được một số kết quả nổi bật, như giải quyết việc làm cho hơn 225.000 lao động, vượt 36,9% so với kế hoạch đề ra, giảm tỷ lệ thất nghiệp cho hơn 70.000 người, giảm 10% so với năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp toàn Hà Nội là 1,7%.

“Đến nay, Hà Nội không còn hộ nghèo, chỉ còn 0,04% hộ cận nghèo”, bà Bạch Liên Hương nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về giảm nghèo; phân bổ đủ vốn năm 2024 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các địa phương. Bên cạnh đó, tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đến nay đã huy động trên 5.000 tỷ đồng; tham gia thành viên sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo (tại Hội nghị G20).

Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 1 huyện nghèo thoát nghèo.

Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.

Nhấn mạnh những thành tích trong lĩnh vực giảm nghèo thời gian qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng khẳng định: Trong bối cảnh đất nước tập trung phát triển kinh tế, những thành tựu đáng khích lệ về giảm nghèo đã thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, người dân trong giảm nghèo, chăm lo đối tượng yếu thế, tinh thần tương thân, tương ái.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Thái Nguyên: Huyện Võ Nhai gắn đào tạo nghề với công tác giảm nghèo
Thái Nguyên: Huyện Võ Nhai gắn đào tạo nghề với công tác giảm nghèo

Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai có 15 xã, thị trấn với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN