Qua đó, họ không chỉ khẳng định bản thân mà còn minh chứng cho sức mạnh của tuổi trẻ trong xây dựng, phát triển kinh tế.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Từ những năm 1970, những người nông dân đầu tiên đã mang giống cây nhãn về với vùng đất Sông Mã, ươm giống và phát triển thành vườn trồng có diện tích lớn nhất miền Bắc. Hơn 50 năm sau, tại bản Ó, xã Mường Sai, từ đam mê, khát vọng lập nghiệp, xây dựng mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, bền vững và mang lại lợi ích cho cộng đồng, anh Lò Văn Huỳnh quyết định tiếp tục gắn bó với cây nhãn. Bởi đây là loại cây ăn quả đang được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế của vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn.
Năm 2016, những cây nhãn đầu tiên đã được anh Huỳnh đưa về trồng trên dải đất khô cằn, bạc màu, thay thế những cây trồng cho năng suất thấp. Sức trẻ, với nhiệt huyết khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, anh đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc để trồng ra các cây nhãn khỏe mạnh, cho quả to, đẹp và có năng suất cao. Phương pháp xử lý sau thu hoạch cũng được chú trọng để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, dễ dàng tiếp cận thị trường. Đặc biệt, năm 2020, anh đã vận động 10 hộ dân ở bản thành lập Hợp tác xã Tân Thịnh, quy mô sản xuất trên 40 ha cây ăn, trong đó 30 ha đã cho thu hoạch.
Anh Lò Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thịnh chia sẻ, hiện toàn bộ công tác sản xuất đều thực hiện theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Đến nay, Hợp tác xã có 30 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ dừng lại ở cung cấp nhãn tươi, Hợp tác xã còn nghiên cứu để chế biến long nhãn, sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích và hướng đến xuất khẩu. Khác với quả nhãn tươi, quá trình sản xuất sản phẩm long nhãn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và tâm huyết. Từ việc thu hoạch, lựa chọn những quả nhãn đẹp nhất, cẩn thận trong từng công đoạn làm sạch, sấy khô và đóng gói sản phẩm. Hợp tác xã đã đảm bảo mỗi sản phẩm long nhãn mang đậm hương vị tự nhiên, bổ dưỡng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao.
Từ nhiệt huyết tuổi trẻ cũng như sự nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội, Hợp tác xã Tân Thịnh không chỉ dừng lại ở việc sản xuất mà còn được đánh giá cao về phát triển thương hiệu và tiếp cận thị trường. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Lò Văn Huỳnh đã lan truyền tinh thần khởi nghiệp và khát vọng xây dựng, phát triển kinh tế. Mỗi khi bà con cần là anh có mặt, tận tình chia sẻ kiến thức, kỹ thuật trồng cây để giúp bà con sớm thoát nghèo. Anh cùng Hợp tác xã Tân Thịnh đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của vùng cao biên giới Sơn La.
Đi đầu trong phát triển kinh tế
Bản Có Tre, xã Chiềng Cang được biết đến là địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn của huyện Sông Mã. Đây từng là vùng đất bạc màu, cây trồng chủ yếu là ngô, sắn cho năng suất thấp. Năm 2016, anh Cầm Văn Mười cùng nhiều thanh niên trong bản đã tham gia Hợp tác xã cây ăn quả Diên Việt Có Tre. Các thành viên hợp tác xã tiên phong đưa cây trồng mới về đại phương như nhãn miền thiết, bưởi, xoài, cam. Thấy tiềm năng phát triển và có người mở đường, một số hộ dân trong bản cũng học và làm theo, thay thế dần cho cây ngô, sắn.
Các thành viên của hợp tác xã đã tích cực học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, diện tích cây ăn quả ngày càng phát triển, cho năng suất cao, góp phần cải thiện đời sống cho bà con quanh vùng. Hiện Hợp tác xã có 18 thành viên, quy mô sản xuất 96 ha cây ăn quả các loại. Trong năm 2022, sản lượng đạt gần 400 tấn quả; thu nhập bình quân 200 triệu đồng/thành viên/năm.
Anh Cầm Văn Mười cho hay, Hợp tác xã đã tích cực thông tin, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, tích cực tìm hiểu nhu cầu các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đặc biệt, chú trọng kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu hoa quả, các hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn để tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Còn tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay diện tích trồng nhãn của các thành viên đã lên tới 35 ha; trong đó có 20 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Cùng với nhãn tươi, trong những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng thị trường của sản phẩm long nhãn, đồng thời là giải pháp giúp giảm áp lực tiêu thụ quả tươi khi vào chính vụ, Hợp tác xã đã nghiên cứu, học hỏi phương pháp để tạo ra sản phẩm long nhãn sấy khô.
Anh Lường Văn Mười, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười cho biết, trước đây, việc chế biến long nhãn được làm thủ công, tốn nhiều công sức, hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, Hợp tác xã đã chuyển từ sấy lò truyền thống, sử dụng than củi sang lò nhiệt, hơi. Nhờ đó, sản phẩm long nhãn làm ra có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Đến nay, sản phẩm long nhãn của hợp tác xã có lượng tiêu thụ ổn định từ 300 đến 400 tấn long nhãn mỗi năm.
Huyện Sông Mã hiện có hơn 650 mô hình kinh tế của đoàn viên, thanh niên, có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên; 7 hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn đã tổ chức 3 đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 500 đoàn viên thanh niên và nhân dân; thành lập 1 đội hình trí thức trẻ tham gia hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Để giúp đoàn viên có vốn phát triển kinh tế, Huyện đoàn đứng ra ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho gần 3.300 hộ đoàn viên thanh niên vay trên 130 tỷ đồng.
Theo Bí thư Huyện đoàn Sông Mã, Quàng Văn Thăng, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích thanh niên chủ động tham gia, nắm bắt và tận dụng tối đa cơ hội của chuyển đổi số; cung cấp thông tin chính sách về học tập, thị trường lao động, chính sách khởi nghiệp, lập nghiệp đối với thanh niên. Các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh phong trào học tập trong thanh niên; đồng hành với thanh niên trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, phát triển kinh tế; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống. Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên được định hướng đúng trong học tập, rèn luyện nhất là tự tin trong phát triển kinh tế, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương.