Những nhà báo nữ mang trái tim nhân hậu sưởi ấm cuộc đời

Một trong những hoạt động nổi bật của Câu lạc bộ nhà báo nữ Việt Nam là thiện nguyện. Đều đặn mỗi tháng, câu lạc bộ có những chuyến đi đến một địa chỉ cần được giúp đỡ, hỗ trợ.

Điều đáng nói, những nhà báo đứng mũi chịu sào công việc này là những nhà báo nữ đã về hưu. Họ đã cống hiến thời gian, công sức và tiền bạc cho hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ cộng đồng.

Lan tỏa lòng nhân ái

Chuyến đi tháng 6 của Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam là tới đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Kế hoạch, kinh phí để thiện nguyện cho chuyến đi đã sẵn sàng. Tuy nhiên, do biển động, đoàn đã không tới được. Nhưng 38 cây xanh đoàn đã được gửi tới đảo Bạch Long Vỹ với tổng giá trị tiền là 5,7 triệu đồng. Đây được xem là một trong những chuyến đi mỗi tháng của đoàn thiện nguyện, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam được duy trì trong nhiều năm qua.

Mỗi chuyến thiện nguyện cần huy động sự thiện nguyện của các nhà báo.

Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam được thành lập từ năm 2002. Một trong những sáng lập viên của câu lạc bộ là nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, nguyên Phó giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nhà báo Phạm Mỵ, Tổng biên tập Tạp chí Sức khoẻ và Môi trường, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Bình, Đài truyền hình Việt Nam. Đoàn thiện nguyện của Câu lạc bộ Nhà báo nữ hoạt động mạnh nhất từ năm 2012. Câu lạc bộ quy tụ nhiều nhà báo nữ đã từng làm việc tại những cơ quan báo chí trung ương như: Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân… Có những người đã nhiều năm phụ trách chương trình, chuyên mục từ thiện của các báo, đài.


Từ năm 2012, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đã có những phối hợp với chương trình “Địa chỉ từ thiện” của Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, chương trình “Lục Lạc Vàng” của Đài truyền hình Việt Nam, mỗi tháng có một chuyến đi khá quy mô. Bên cạnh đó, câu lạc bộ tổ chức các chuyến từ thiện ở địa bàn Hà Nội hoặc vùng lân cận như: xuất cơm từ thiện, những món quà cho bệnh nhân nặng đặc biệt, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhà tình thương, người tàn tật, người neo đơn…


Đại diện Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam cho biết: “Song song với những chuyến đi quy môn lớn, đoàn thiện nguyện của Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam còn chuyển những xuất quà đến những vùng xa xôi hẻo lánh ở mọi miền của đất nước. Đó là những bộ quần áo ấm cho cho trẻ em vùng cao nhân đợt giá rét; Hàng nghìn chiếc khăn mặt tốt, gối bông mềm, hộp bánh, đồ dùng học tập gửi tới những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, những thanh niên xung phong neo đơn; Hàng trăm con gà giống, cân thóc, bao cám cho bà con dân bản người Dao ở Yên Bái; Cùng với nhóm thiện nguyện khác xây lớp mẫu giáo cho trẻ em vùng cao…”.

Trẻ em mồ côi, nhiễm chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn... luôn là địa chỉ thiện nguyện của Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam.

Đến nay, đoàn thiện nguyện của Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam hoạt động khá đều đặn và nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ cộng đồng. Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, người khai mở chương trình “Địa chỉ từ thiện” của Đài phát thanh truyền hình Hà Nội cho biết: chia sẻ: “Ban đầu là chính những người trong câu lạc bộ nữ nhà báo tham gia đóng góp. Tiếp đó là gia đình, người thân, họ hàng, bạn bè của những nhà báo đã tham gia đoàn thiện nguyện. Từ đó, sức lan tỏa mỗi ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, từ khi xuất hiện mạng xã hội facebook thì sự kết nối, công khai tài chính và sự minh bạch về các chuyến đi liên tục được chia sẻ. Những thành viên trong đoàn đi đến địa chỉ thiện nguyện đều tự đặt ra những khoản đóng góp, ăn ở trong những điều kiện tối giản để giảm tối đa các chi phí kèm theo”.


“Trong nhiều chuyến đi, chúng tôi thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn. Lập tức, trưởng đoàn lại tiếp tục vận động trên facebook. Ngay sau đó, nhiều nhà báo, những nhà hảo tâm đã quyên góp kịp thời”, Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ.


Được biết, những thành viên trong Câu lạc bộ nhà báo nữ Việt Nam có những nhà báo kỳ cựu trong các lĩnh vực thiện nguyện. Họ luôn mau chóng tìm được những địa chỉ cần được từ thiện một cách chính xác nhất.


Nối dài những chuyến đi ân tình


Với nhiều người, làm báo là gắn với những chuyến đi. Nhưng với những thành viên của đoàn thiện nguyện Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam lại nối dài những chuyến đi của mình bằng sự lan toả tinh thần thiện nguyện tới những mảnh đời còn khó khăn.

Những chiếc khăn mặt được lựa chọn kỹ lưỡng trước chuyến đi thiện nguyện.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, là người dẫn đoàn thiện nguyện đi tới nhiều nơi chia sẻ: “Đời làm báo đã nhiều lần đi, nhưng những chuyến đi với đoàn thiện nguyện luôn để lại trong tôi cảm giác vượt khó thực sự. Tôi vẫn không quên được lần đến với xã Văn Yên, Yên Bái để trao quà xây dựng hai lớp mẫu giáo. Chúng tôi đã phải đi qua những con đường cheo leo vách núi, con suối nước chảy xiết ngập ngang người. Tới nơi, thấy bà con đang đứng đợi, những đứa trẻ giấu mình sau chân mẹ, đôi mắt to tròn sợ sệt, mọi thành viên như quên hết cảm giác sợ hãi”.


“Hay những chuyến đi tới những gia đình thanh niên xung phong. Đa số họ đều có những cảnh khó khăn. Như một gia đình thanh niên xung phong ở Thanh Hóa, người vợ phải chăm sóc chồng bị liệt. Hoàn cảnh nghèo khó, nuôi con ăn học nhưng hai người thanh niên xung phong ấy chia sẻ với nhau như đồng đội, gắn bó như tình cảm như vợ chồng. Với hoàn cảnh như vậy, bên cạnh những món quà đã chuẩn bị thì đoàn thường quyên góp trực tiếp tại đấy”, Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung nhớ lại.


Với đời làm báo, chắc hẳn những nhà báo ở Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đều đã trải qua những chuyến đi đặc biệt. Nhưng đến với đoàn thiện nguyện họ như nối dài những chuyến đi ấy bởi sự lan toả lòng nhân ái đến với những thân phận, mảnh đời còn éo le. Và họ còn tiếp tục được trong những cảm xúc của người làm báo, người chia sẻ và đồng hành với con đường thiện nguyện đang làm. Những thành viên trong đoàn như Nhà báo Phạm Mỵ (Tổng biên tập Tạp chí Sức khoẻ và Môi trường), Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung (Đài phát thanh truyền hình Hà Nội), Nhà báo, Đại tá Nguyễn Minh Hoài (Báo Quân đội Nhân dân) vẫn chưa quên chuyến đi từ thiện tới Lào Cai, Yên Bái hai năm trước khi họ đi trao áo ấm dịp Tết.


Đó là thời điểm toàn miền Bắc bị rét đậm, rét hại, nhiều nơi có băng, tuyết xuất hiện. “Khi đó, đoàn xe thiện nguyện của chúng tôi chở những bao tải quần áo ấm còn mới. Trước mắt chúng tôi là những nhà mái cọ lụp xụp, hai bên đường đón chúng tôi là những gương mặt người đỏ ửng bởi rét mướt. Trẻ con không quần, những người già không có áo rét. Tất cả có 930 bộ quần áo cho hai bản nghèo của Lào Cai và Yên Bái. Tại một ngôi trường ở Bảo Thắng (Yên Bái), chúng tôi khiêng những thùng quần áo mới vào để trao cho trẻ trong điều kiện đường trơn trượt. Khi nhìn thấy 700 em học sinh mặc quần áo mới trong cái nắng mới lên trong mùa đông giá rét, chúng tôi ai cũng xúc động. Đó là kỷ niệm mãi tôi không quên trong hàng trăm chuyến thiện nguyện mình từng đi”.


Những nhà báo nữ của Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đều chia sẻ rằng, nhà báo thực hiện được sứ mệnh của mình đã là một trách nhiệm xã hội nhưng để lan toả tới cộng đồng là điều nên làm. Đó cũng là lý do vì sao, dù nhiều người đã nghỉ hưu, nhưng họ vẫn tiếp tục đứng mũi chịu sào công tác xã hội. Bởi hơn ai hết họ hiểu, trách nhiệm xã hội, sức lan toả của một người làm báo có ý nghĩa như thế nào đến biết bao mảnh đời còn khuyết.

Lê Vân/Báo Tin tức
Sân chơi duy nhất của các nhà báo nữ Việt Nam tròn 15 tuổi
Sân chơi duy nhất của các nhà báo nữ Việt Nam tròn 15 tuổi

Ngày 9/6, tại Đài tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội), Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập (21/6/2002-21/6/2016).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN