Những người gìn giữ hương sắc Hà Nội

Hà Nội vốn nổi tiếng với những làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân, Tứ Liên, Tây Tựu và giờ đây thêm cả Mê Linh.

Người dân chăm sóc công phu để có một gốc đào thất thốn. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Dù có những làng hoa mai một, những làng được rộng mở song ở những vùng đất ấy, có những con người vẫn đam mê, giữ gìn được tinh hoa nghề để hương sắc Hà Nội luôn bay xa.

Duyên nợ với cây đào thất thốn

Ở vùng Nhật Tân (quận Tây Hồ) tứ bề là đào, bước chân ra cổng có thể gặp những sắc đào rực rỡ, nhưng đó là đào bích, còn tìm được giống đào thất thốn là đào cổ của Nhật Tân thì không dễ dàng. Đây là giống đào quý hiếm bởi ưu điểm nổi trội về chất lượng hoa, thế cây, thời gian sinh trưởng và sự kỳ công trong chăm sóc. Ở Nhật Tân còn nhiều nhà lưu giữ giống đào này nhưng trồng một cách chuyên nghiệp và thành công nhất vẫn là anh Đỗ Hàm.

Dẫn khách ra thăm vườn đào đang độ đơm bông, anh cho biết, thời gian để tạo ra một cây đào thất thốn có thể cung cấp ra thị trường tối thiểu phải mất từ 8 – 10 năm, còn để cây đẹp phải vài chục năm. Đặc điểm của cây đào thất thốn không cao nhưng thân phải mốc meo, dáng cây phải chuẩn mới có giá trị và điều này phụ thuộc vào trình độ chăm sóc của người trồng. Nói không quá, đào thất thốn là sự tổng hợp những nét đẹp của các cây đào khác, cây già, hoa đỏ thẫm, nhụy vàng, nếu tĩnh tâm lại có thể cảm nhận được hương thơm dịu nhẹ tỏa ra. Lộc đào xanh nâu, mập mạp toát ra sự khỏe khoắn, tràn đầy sức xuân.

Đặc biệt, yếu tố tạo nên giá trị lớn nhất cho cây đào thất thốn này chính là hoa đào, bởi không chỉ sắc màu tươi thắm mà hoa tương đối to, ra từ 22 – 24 cánh, cá biệt lên tới 49 – 54 cánh. Đào thất thốn có thể ra hoa kéo dài 1 tháng nhưng thời gian để đào phô hết vẻ đẹp chỉ khoảng 1 tuần, không ồn ào nhưng khi vào độ hoa nó lại mạnh mẽ thể hiện hết sức xuân.

Đào thất vốn khó tính, nhiều người trồng đào không tin nó có thể ra được nhiều hoa bởi như nó khá “bất trị”. Nhưng với anh Đỗ Hàm, phải hiểu về đặc tính của đào, biết cách chăm sóc, thuần phục nó thì khi ra hoa “vặt không hết”. Sau 30 năm gắn bó với cây đào này, đổ vỡ không ít lần nhưng vì sự day dứt, cố theo đuổi thể thuần phục nó cuối cùng hơn 10 năm nay anh mới thành công. Dù chưa có khả năng điều khiển đào nở hoa đúng giờ, đúng ngày như mong muốn nhưng anh có thể “bắt” đào nở cách thời điểm từ 2 – 3 ngày. Thậm chí anh có thể “đọc” được mắt đào ngày mai có thể ra sao, ngày kia có thể ở dạng nào. “Phải thực hiện nhiều tác động từ lúc cây đào còn nhỏ đến khi trưởng thành để nó thay đổi, đó là kinh nghiệm riêng tôi đúc kết sau nhiều lần thất bại” – Anh Đỗ Hàm chia sẻ.

Anh không nối nghề gia truyền trồng đào thất thốn, chỉ từ cơ duyên trong cuộc sống mới dẫn anh đến với cây đào này. Nhưng vừa gắn bó, tìm hiểu về đào thất thốn, anh đã say mê và nhiều thời điểm mất ăn, mất ngủ vì đào. Anh cũng kể rằng, không lúc nào anh không dán mắt theo dõi đào, mở mắt ra là đào, thậm chí nằm mơ cũng thấy đào. “Cái nghiệp của tôi là thế” – Anh vui vẻ nói, ánh mắt tràn đầy niềm tự hào.

Vườn đào thất thốn của anh có nhiều cây nhưng vì thời gian chăm sóc, trưởng thành khá lâu nên mỗi năm anh cung cấp ra thị trường gần 100 cây, không đủ đáp ứng nhu cầu người chơi. Hầu hết đào của gia đình anh Đỗ Hàm cho thuê với giá trị lớn, từ 10 triệu đến 30 triệu mỗi cây và cũng kén khách chơi. Nhưng không vì thế anh làm ồ ạt mà luôn bảo tồn những giá trị quý vốn có của đào thất thốn.

Đam mê với nhất chi mai

Chăm sóc mai, đào - nghề làm dâu trăm họ. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Vườn mai trắng của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, làng Tứ Liên (quận Tây Hồ) dịp Tến đến Xuân về mang vẻ đẹp thuần khiết, tinh khôi với hàng trăm chậu cây cùng khoe sắc. Mai trắng hay còn gọi nhất chi mai, nhị độ mai như chị quan niệm mang cốt cách của dân tộc Việt, vì vậy để gắn bó với loài cây này phải là người am hiểu và đam mê nó.

Nói chị là nông dân trồng hoa thực thụ của làng Tứ Liên quả không sai, bởi trước khi gắn với cây mai, chị đã từng trồng quất, bán hoa, trải qua đủ mọi cung bậc rồi mới bén duyên với cây mai. Chị yêu mai đến độ mọi tích cổ về cây mai chị đều thuộc làu, đặc tính của cây mai chị đều nắm rõ và có thể điều chỉnh cây để đươm hoa theo ý muốn. Thậm chí, mỗi cây mai chị gắn một bài thơ in lên giấy ép nhựa phù hợp với từng thế cây khi giao cho khách để mục đích làm khách hiểu hơn về nhất chi mai. Nói chuyện về mai, chị say sưa như đang giảng một áng văn thơ hay, mãi không dứt mạch.

Sở dĩ đam mê mai trắng bởi chị nghiên cứu nhiều sách và nhận ra rằng nó như cốt cách dân tộc mình. Giảng giải với khách, chị Kim Ngọc chia sẻ, tiết trời càng lạnh bao nhiêu, mai càng đẹp, càng nhiều hoa bấy nhiêu. Nếu thời tiết ấm áp, mỗi “mắt” mai chỉ ra 1 – 2 bông nhưng trời càng rét mai càng ra nhiều hoa, mỗi “mắt” ra tới 4 – 5 bông. Tích cũ cũng ghi lại, sương tuyết rơi xuống khiến cây cối đều chết hết nhưng cây mai vẫn nở hoa đua với tuyết. Chị cười vui: “Nó như cốt cách người Việt Nam càng trong gian khó càng kiên cường, càng giỏi giang. Hơn nữa chơi mai rất có hậu. Nếu người ta chơi đào quất phải thấy thực sự đẹp mới mua về nhưng với cây mai ban đầu chỉ trơ trọi cành, lơ thơ vài nụ và lộc xanh nhưng khi mua về cây sẽ nảy cành, xanh lá, bật hoa ra”.

Cũng vì vậy, chị ngẫm thấy các cụ xưa kia rất thâm thúy khi ví cây mai như cốt cách của người quân tử, cốt cách của dân tộc Việt, càng gắn bó với mai, càng hiểu về mai chị Kim Ngọc càng đam mê loài hoa này. Chị khẳng định, đôi khi làm không nghĩ tới nguồn thu nhập mà chủ yếu do đam mê, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt khách vui vẻ là chị lại phấn khởi, coi đó là công lao xứng đáng dành cho mình.

Chị Kim Ngọc tự hào rằng, vườn nhất chi mai nhà chị có chất lượng hoa và thế cây đẹp hơn so với nhiều nơi khác. Có được thành quả đó, anh chị đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để chăm sóc, đúc rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, thậm chí có những lần mất trắng. Đến giờ, anh chị hoàn toàn tự tin vào bản thân, làm chủ được quá trình chăm sóc để hoa ra đúng độ và đẹp. Chị chia sẻ, để cho mai nở đúng dịp Tết là cả một vấn đề nan giải vì miền Bắc có bốn mùa rõ rệt, việc chăm sóc phải tùy vào thời tiết. Ngay từ đầu năm gia đình chị đã phải chăm sóc cẩn thận, từ lúc nó nảy mầm, bấm sửa, nuôi “mắt” hoa đảm bảo đủ dinh dưỡng cầu kỳ như nuôi một đứa trẻ. Cuối năm chị dưỡng cây càng kỹ lưỡng, nâng niu từng tí và tuyệt đối không tưới nước bẩn.

Thăm vườn mai nhà chị Kim Ngọc mới thấy cây trổ rất nhiều bông, hoa to, nhiều cánh, tới 88 cánh. Mỗi “mắt” mai trong vườn cách nhau từ 2 – 3 cm và có từ 2 – 4 bông, khác hẳn với cây mai các nơi khác mỗi mắt phải cách nhau khoảng 5 cm, hoa nhỏ, ít bông hơn. Thậm chí rất nhiều chậu không những trổ hoa từ thân cây mà còn trổ từ gốc cây. Có những cây chỉ cao độ vài chục centimet nhưng có cây cao quá đầu người, cây nào cũng đảm bảo dáng đẹp, hoa nhiều và to. Mai nở thành hai độ, mỗi độ cách nhau khoảng 10 ngày và cái tên nhị độ mai cũng ra đời từ đó. Thông thường độ hoa thứ hai sẽ đẹp hơn và chị sẽ điều chỉnh để nở vào đúng dịp Tết.

Khách đến mua mai nhà chị đều là người sành chơi. Họ đến đây không chỉ vì muốn có những chậu mai đẹp mà còn được trò chuyện với bà chủ vườn có vốn hiểu biết sâu rộng về nhất chi mai.

Xưa, Cao Bá Quát từng nói về cây mai: “Mười năm bạn hiền như gươm báu/ Một đời riêng phục nhất chi mai" (có nghĩa, sống ở trên đời phục nhất cây chi mai). Đến thời điểm này, cây mai vẫn giữ được vẻ đẹp thanh cao, được mọi người tôn vinh và nó càng đẹp hơn khi có những người như chị Nguyễn Thị Kim Ngọc luôn đam mê, gìn giữ.

Đinh Thuận (TTXVN)
Đào Nhật Tân khoe sắc, hút người chơi Tết sớm
Đào Nhật Tân khoe sắc, hút người chơi Tết sớm

Gần một tháng nữa mới đến Têt Nguyên đán, những cành đào bích, đào phai nở sớm tại làng hoa Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) được người trồng cắt bán sớm phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN