Những lá thư đặc biệt từ Thành cổ Quảng Trị - Bài cuối: Bảo tàng sống cho những ký ức bất tử

Thành cổ Quảng Trị ngày nay đã trở thành biểu tượng bất tử của lòng yêu nước của người Việt Nam.

Chú thích ảnh
Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức hào hùng và bi tráng về những ngày tháng lịch sử không chỉ cần được lưu giữ, không thể ngủ yên mà cần được đánh thức, làm sống lại với những cách thức mới, sinh động hơn, chạm sâu hơn để không ai lãng quên. Đã đến lúc cần một bảo tàng số, ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp thế hệ hôm nay và mai sau mai khắc ghi những hy sinh của biết bao người con đất Việt.

Tái hiện 81 ngày đêm bất tử

Nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị xưa, bên bờ Nam sông Thạch Hãn, Thành cổ với diện tích chỉ khoảng 25 ha đã trở thành chiến địa khốc liệt bậc nhất trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, nơi đây hứng chịu hơn 328.000 tấn bom đạn, tương đương khoảng 7 lần sức công phá của quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Trung bình, mỗi chiến sĩ phải gánh chịu hơn 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo.

Không có hầm trú ẩn kiên cố, không có vũ khí hiện đại, họ chỉ có trái tim gan dạ, khẩu súng cũ, manh áo rách và tình đồng đội, tình hậu phương làm điểm tựa.

Thế nhưng họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giữ từng mét thành, từng đoạn hào, từng bức tường đổ nát. Thành cổ, dù chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ đã trở thành đỉnh cao của ý chí Việt Nam, là bàn đạp chiến lược tạo bước ngoặt trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris và mở đường cho Đại thắng mùa Xuân 1975.

Như một nghi lễ bất thành văn, mỗi lần đến Thành cổ hôm nay, ai cũng nhẹ bước chân, cúi đầu lặng lẽ đọc những vần thơ đã đi vào bất tử: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng…” (Phạm Đình Lân). Hay lời khắc vĩnh cửu trên bia đá của cựu binh Lê Bá Dương: “Đò lên Thạch Hãn, ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…”.

Giữa ký ức và hiện tại, giữa sắc cờ bay và mây trắng trời xanh, Thành cổ không chỉ là một di tích lịch sử đặc biệt mà còn là một linh hồn sống. Một nửa thế kỷ đã qua, dòng Thạch Hãn vẫn hiền hòa trôi trong trời lộng gió nhưng dưới lòng đất ấy, hàng ngàn người lính vẫn nằm lại. Có người tên đã khắc lên bia. Có người chỉ còn là một tấm ảnh ố màu, một dòng thư vội vã giữa làn đạn. Người dân Quảng Trị tin rằng họ chưa rời đi. Họ đang đứng gác cho sự bình yên hôm nay.

Và vì thế, Thành cổ không chỉ là nơi tưởng niệm, mà cần là một không gian ký ức sống động, một "trường đoạn lịch sử" cần được kể lại bằng cách hiện đại hơn bằng công nghệ, ánh sáng, cảm xúc và sự thấu hiểu.

Cần một bảo tàng số để ký ức không bị lãng quên

Chú thích ảnh
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hiện nay, bên cạnh các nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và các công trình tưởng niệm, mọi người đến Thành cổ còn có thể nghe thuyết minh, đọc bia đá, xem tài liệu. Nhưng liệu những người trẻ sinh ra giữa thời bình và thế giới số có đủ khả năng hình dung sự khốc liệt của 81 ngày đêm, nếu ký ức ấy chỉ nằm sau tủ kính, giữa những bức ảnh tĩnh? Một bảo tàng số, một không gian trải nghiệm lịch sử bằng công nghệ 3D, thực tế ảo (VR), ánh sáng, âm thanh, hình ảnh tương tác... chính là lời giải. Đó sẽ là nơi những bức thư của các liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, Lê Bình Chủng, Đặng Quốc Khánh, Trần Văn Trường... không chỉ được đọc mà còn được nghe bằng tiếng thật, nhìn bằng hình ảnh thật và cảm bằng trái tim thật.

Bộ phim 3D tái hiện 81 ngày đêm tại Thành cổ để người xem không chỉ thấy bom đạn, mà còn thấy ánh mắt người lính khi viết dòng thư tiễn biệt mẹ: “Thôi nhé mẹ đừng buồn… coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”; không phải để giải trí mà là để giáo dục, đánh thức lòng tự hào dân tộc. Thành cổ chính là nơi những bức thư ngay trước khi ra trận trở thành lời trăn trối thiêng liêng nhất của một thế hệ. Nhưng nếu những bức thư ấy chỉ nằm yên trong tủ kính, thì rất có thể, thời gian sẽ phủ bụi lãng quên. Còn nếu chúng được đưa vào không gian số, được kể lại bằng ánh sáng, âm nhạc, cảm xúc, thì lớp trẻ hôm nay và mai sau sẽ sống cùng lịch sử, chứ không chỉ học thuộc sử.

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, chia sẻ: “Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất xây dựng một không gian ký ức hiện đại, nơi bảo tàng truyền thống được tích hợp công nghệ, phim 3D, thực tế ảo. Đây không chỉ là nơi lưu giữ, mà là nơi truyền cảm hứng sống và yêu nước”. Sau lần đầu đến Thành cổ, bạn trẻ Phan Tuấn Anh từ Hà Nội nghẹn ngào nói: “Đến đây, tôi hiểu vì sao người ta gọi đây là nơi linh thiêng nhất. Tôi muốn sau này, con tôi cũng được thấy, được cảm nhận, chứ không chỉ là vài dòng thuyết minh”.

Ký ức là tài sản quý báu, máu xương là di sản linh thiêng của dân tộc. Và với những người lính đã ngã xuống bên dòng Thạch Hãn, chúng ta không thể dừng lại ở một nén nhang tri ân mà phải dựng lại lịch sử bằng công nghệ, trí tuệ, niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn.

Một bảo tàng số, một bộ phim 3D, một không gian sống động giữa lòng đất thiêng - chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nơi những bài ca Thành cổ tiếp tục vang lên, không chỉ trong tim người Việt hôm nay và mai sau. Những bức thư cuối cùng từ chiến hào năm ấy, giờ đây cần được làm theo một cách đặc biệt để đến sống mãi cùng đất nước và con người Việt Nam.

Nguyên Linh (TTXVN)
Những lá thư đặc biệt từ Thành cổ Quảng Trị - Bài 3: Những lời từ biệt lay động tâm can
Những lá thư đặc biệt từ Thành cổ Quảng Trị - Bài 3: Những lời từ biệt lay động tâm can

“Dù vui vẻ bề ngoài thế nào, con vẫn cứ cảm thấy buồn… Tết đầu tiên xa nhà, con nhớ lắm…”. Đó không chỉ là lời thủ thỉ trong một bức thư Tết, mà là âm thanh nhói lên từ lồng ngực một trái tim trẻ tuổi giữa chiến trường bom đạn. Đây cũng là lời thì thầm cuối cùng của một người lính, biết rằng mình sẽ không kịp trở về để đón một cái Tết hòa bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN