Đó là những đứa trẻ sinh ra chỉ ở với mẹ hoặc bố của chúng. Chúng không chỉ thiệt thòi vì không đủ bố mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, mà có đứa đã oán cha, hận mẹ vì chúng bị lép vế giữa bạn bè.
Con không nhận bố
Xin được bắt đầu bằng trường hợp của chị Bùi Thị Lệ ở tổ 5, ấp 4, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1985, chị theo bố mẹ từ quê hương Hậu Lộc, Thanh Hóa vào Vũng Tàu sinh sống, rồi gặp anh Mai Văn Chiến (quê xã Nga Tân, Nga Sơn, Thanh Hóa) cũng vào đây kiếm kế sinh nhai. Anh Chiến làm công hạt điều cho nhà chị Lệ. Giữa cái nắng ngột ngạt mùa hè ở miền cực Đông Nam bộ, hai người tìm thấy sự đồng cảm về hoàn cảnh của nhau. Họ nhanh chóng thành vợ chồng mà không cần đăng ký kết hôn. Theo chị Lệ thì chỉ làm vài mâm cơm báo cáo gia đình là xong.
Ngày tháng trôi mau, họ cho ra đời ba con, hai trai, một gái. 4 năm sau, anh Chiến đưa chị Lệ về quê sinh sống theo phong tục “lấy chồng thì phải theo chồng”. Họ bồng bế nhau về quê nội và bắt đầu một cuộc sống mới. Ngày ngày, chị Lệ với đôi quang gánh trên vai đi buôn muối, còn anh Chiến đi đào rắn, đào cua kiếm tiền nuôi con ăn học. Thời điểm ấy, kiếm được gạo nuôi con ở nơi nước lợ, người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời sống chết nhờ cậy vào cây cói đã là khá rồi. Những tưởng cuộc sống êm ả như dòng sông, “ai ngờ trong những lúc thiếu suy nghĩ, tôi đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ và không bao giờ quay lại nhà chồng, bây giờ để khổ cho con. Nó mang tiếng là con không bố”, chị Lệ khóc với tôi.
Trẻ mồ côi tập làm hoa vải, hoa đất tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh . Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Chị kể: Ở quê khổ sở chị cũng chịu được, song chị vẫn thấy mình hẫng hụt thế nào, nhất là mỗi khi cãi nhau với chồng, chị chồng. Chị như bị “ép” và tủi thân giữa đất khách quê chồng. Cuộc sống chật vật, càng làm cho chị thêm gánh nặng trên vai. Chị thấy cô đơn mỗi khi cãi nhau với chồng không ai bênh vực. Trong phút giây nông nổi, chị đã bỏ về quê ngoại bên Hậu Lộc. Chồng chị gọi về song cũng chỉ được mấy hôm là chị lại bỏ đi và vĩnh viễn vào Vũng Tàu cùng bố mẹ đẻ. Anh Chiến “tức quá” lấy vợ khác- một cô gái lỡ thì chấp nhận làm vợ anh và cho ra đời 3 cô con gái. Tuy ở với vợ hai, có đăng ký kết hôn đàng hoàng, song anh Chiến không quên được vợ cả và các con. Năm nào anh cũng đi miền Nam làm ăn, cốt là để thăm vợ và con, nhưng anh chỉ đến nhà người em trai và “nghe ngóng”. Vừa rồi, anh đi làm hạt điều ở Buôn Hồ, Gia Lai, được một chút tiền công, gửi về cho vợ ngoài Bắc 1 triệu đồng, còn lại anh mua mấy bộ quần áo đến thăm con. Nghĩ tưởng con anh sẽ đón nhận bố với tất cả tình yêu thương và thông cảm. Nhưng không, nó không chấp nhận mà còn đuổi anh ra khỏi nhà. “Tôi không có bố. Ông không phải là bố tôi. 15 năm nay, tôi không có bố”. Bữa cơm đoàn viên gia đình thành bữa cơm ly tán. Thằng Minh (con trai thứ hai của anh) hùng hục từ đâu về: “Ông chưa đi à? Tôi đâu có người bố nào như ông. Ông đi đi. Ông không đi thì tôi đi”. Nói rồi nó vào nhà cầm con dao và chiếc áo bố nó mua cho nó đòi chặt vụn. Biết là con không chấp nhận mình, anh Chiến đã xin lỗi chị Lệ và ba con và ra đi. Chị Lệ ôm cột nhà khóc. Những giọt nước mắt tức tưởi chảy xuống gò má sạm đen khô gầy không làm cho thằng Minh động lòng trắc ẩn. Con Linh (con gái út của anh Chiến) được bố mua cho chiếc quần bò mới, dứt khoát không mặc dù bố nịnh thế nào đi nữa. Nó chỉ cầm gói kẹo rồi chạy vào nhà mà chẳng nhìn mặt bố một lần.
Con không bố thiệt thòi và đáng thương
Chị Mai Thị Liên ở Nga Tân, Nga Sơn, Thanh Hóa vào Bầu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp. Tại đây, chị quen anh Lâm Quang Lộc ở nông trường cao su Hòa Bình 2. Tuy họ không đăng ký kết hôn (vì anh Lộc đã có vợ con) nhưng đã có với nhau một đứa con trai. Năm 1990, cu Ni (tên con trai chị Liên) tròn một tuổi, chị Liên thốc tháo đưa con ra Bắc vì vợ của anh Lộc biết chuyện. Cu Ni lớn lên trong sự đùm bọc của bà ngoại, các cậu, dì và làng xóm.
Đầu tháng 4/2006, tôi có dịp đi công tác ở xã Nga Tân và tiếp xúc với cháu. Khi ấy, cu Ni lên sởi nặng. Nằm trong chiếc mà cũ hoen ố dưới mái nhà tranh, cu Ni nói và khóc: “Cháu cũng mong gặp bố, không có bố cháu rất thiệt thòi. Mẹ cháu thương cháu lắm, nhưng có bố việc học hành sẽ tốt hơn”.
Tôi trở lại Vũng Tàu và giúp cháu Ni tìm bố của cháu. Vượt hơn 40 km đến nông trường cao su Hoà Bình 2 gặp anh Lộc. Anh thừa nhận là có đứa con riêng với chị Liên. Khi chị Liên sinh con lẫm chẫm anh cũng biết. Tôi đưa cho anh tấm ảnh cu Ni, anh Lộc đã khóc: “Không biết thì thôi, biết rồi tôi sẽ bù đắp cho cháu. Cháu thiệt thòi là do tôi thiếu quan tâm. Chẳng lẽ bố giàu mà để con khổ hay sao”. Kỳ nghỉ hè vừa qua, cu Ni vào thăm bố. Lần đầu tiên cha con nhận nhau, thằng bé cứ ngồi nhìn bố trân trân chẳng nói câu nào, còn anh Lộc chỉ khóc. Những giọt nước mắt nghẹn ngào của người đàn ông đã gần 60 tuổi mừng mừng tủi tủi. Anh đưa con về giới thiệu với gia đình. Hết hè, Ni trở về Bắc với mẹ. Hiện nay cu Ni đã bỏ học. Cháu viết thư cho tôi: “Mẹ không có tiền nuôi. Những lúc mẹ tức lại chửi: Cút mẹ mày đi vào miền Nam với bố mày”. Tôi vui lây vì từ nay, cu Ni đã nhận được bố. Và mong, cu Ni sẽ được bố nó đón vào Vũng Tàu nuôi trong một tổ ấm gia đình.
Một trường hợp khác là cháu Khoa (vì bố cứ bỏ lăn lóc đi làm nên mọi người thường gọi là Khoai). Khoa là đứa con ngoài giá thú, là kết quả của hai cuộc đời “rổ rá cạp lại” giữa anh Ba và chị Hợi. Năm 1998, chị Hợi từ Thanh Hóa vào Cà Mau sinh sống và làm thuê cho các chủ đầm nuôi tôm. Tại đây chị đã quen anh Ba (anh Ba là người cùng quê). Một người đàn bà lỡ thì, một người đàn ông chết vợ chấp nhận sống chung dưới một mái nhà. Cứ tưởng Cà Mau là đất để chị cắm chốt, song chị không cầm lòng vì ở quê còn một đứa con trai của “một thời lầm lỡ” đang nhờ người chị gái trông nuôi. Bụng to vượt mặt, từ Cà Mau lặn lội về quê chờ ngày sinh nở. Chị phải đi bắt cáy giữa mùa đông giá rét kiếm tiền nuôi thân, nuôi con. Cháu Khoa ra đời trong hoàn cảnh ấy. Khi Khoa đầy tuổi, bố cháu từ Cà Mau ra Thanh Hóa xin con đem về nuôi. Không mẹ, khát sữa thằng bé khóc ròng, cả ngày lăn dưới đất, chơi với đất. Nhiều bữa bố đi làm vuông tôm, thằng bé bò ra ao suýt chết, rồi có bữa bé bị kiến cắn sưng hết chân tay. Anh Ba cho biết: “Tôi với bà ấy lấy nhau chẳng có hôn thú gì nên không ràng buộc. Bà ấy ở ngoài Bắc cùng với thằng nhỏ của chồng trước. Tới đây tôi sẽ đưa nó về với mẹ nó”. Khi tôi hỏi bé, con có nhớ mẹ không? Mẹ con ở đâu? Nó gật đầu nói chưa rõ “ời ời” (Hợi, Hợi) rồi lại buồn thiu.
Hãy có trách nhiệm với con mình
Tuy không đăng ký kết hôn, nhưng những đứa con ngoài giá thú vẫn là dòng máu của cha mẹ. Xét về mặt pháp lý, không có cơ sở để khẳng định cha (mẹ) con, song xét về mặt huyết thống tình cảm thì chẳng có đứa trẻ nào lại sinh ra không có bố mẹ. Điều quan trọng là ông bố, bà mẹ có trách nhiệm như thế nào để bọn trẻ không bị thiệt thòi, không oán hận, khi biết chúng là đứa con ngoài giá thú, con hoang.
Như qui luật “nước chảy chỗ trũng”, “cây tìm về cội”, những đứa trẻ không có bố (mẹ) lớn lên nhất định sẽ tìm người sinh ra mình, cũng như bố mẹ chúng sẽ tìm con. Không có ông bố bà mẹ nào lại nhẫn tâm vứt bỏ khi biết chính xác đó là giọt máu của mình. Cái hậu của cuộc đời là phải có trách nhiệm với đứa con ngoài giá thú của một thời lầm lỡ. Những đứa trẻ từ lâu sống không có bố (mẹ) đã quen, sống lúc nào cũng khát khao có đầy đủ bố mẹ, khát được gọi một tiếng bố (mẹ) ơi. Nó có giận hờn, thậm chí đuổi bố đi (như trường hợp của anh Chiến) cũng là điều có thể chấp nhận được. Bởi nguyên nhân gây nên sự xa cách ấy là do bố (mẹ) thiếu trách nhiệm. Các ông bố, bà mẹ xin hãy có trách nhiệm với giọt máu của mình.
Mai Thắng