Ông Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, gian lận thi cử, quản lý giáo dục, tổ chức thi cử là những vấn đề ngành Giáo dục cần đề cao trách nhiệm quan tâm.
“Trong thi cử nếu chúng ta làm bài bản, đúng và kiểm soát tốt thì làm gì có chuyện gian lận, làm gì có chuyện bài thi được 1 điểm mà nâng lên tới cả chục điểm như vậy. Đó chính là đạo đức, là chất lượng trong phương pháp quản lý giáo dục. Rõ ràng chúng ta quản lý chưa tốt, người quản lý không có lòng tự trọng, tự ý điều chỉnh điểm thi của học sinh… Giáo dục là để con người hướng tới cái thiện, học tập suốt đời và luôn phấn đấu rèn luyện đạo đức”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Theo một số đại biểu Quốc hội, gian lận trong thi cử có nhiều nguyên nhân, mà người chịu trách nhiệm ở đây có 3 chủ thể:
Thứ nhất là học sinh và gia đình, cha mẹ muốn con thi đỗ đạt cao, nhưng trình độ của con còn hạn chế. Nếu con thi chỉ đủ đỗ vào trường trung bình thì cứ để cho con học ở đó, không nên ép con học trình độ cao, gây áp lực cho con. Do ép con phải đỗ đạt cao mà cha mẹ can gián vào việc thi cử, tìm người này, người kia để “chạy chọt”, nên đã làm hại con.
Thứ hai là nhà trường và thầy giáo, nếu gia đình tìm đến nhà trường, người có trách nhiệm để “chạy chọt”, mà nhà trường không ngăn chặn, thầy giáo không khuyên bảo, mà lại đồng lõa, giúp đỡ, thậm chí còn nhận tiền để nâng điểm thì đã làm hỏng thế hệ trẻ.
Thứ ba là địa phương và cơ quan quản lý giáo dục, địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt, giám sát thi cử tập trung, chỉ đạo để kỳ thi được công bằng. Khi phát hiện có gian lận trong thi cử, đương nhiên học sinh phải bị đuổi học để những học sinh cận kề điểm đỗ có cơ hội đỗ. Đây mới là công bằng trong giáo dục.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng: Việc chạy theo thành tích trong giáo dục, có cái sai của người lớn từ gia đình đến xã hội. Đây không chỉ là hệ lụy cho giáo dục, mà còn góp phần nhào nặn nên nhân cách của con em mình những sai trái. Do đó, trách nhiệm của gia đình và cha mẹ hoặc người giám hộ là đầu tiên…
“Nếu đổ hết cho ngành Giáo dục thì chưa hẳn như vậy. Không ông bộ trưởng nào chỉ đạo cấp dưới phải nâng điểm cho học sinh cả. Việc này chỉ ngấm ngầm ở một bộ phận cha mẹ, học sinh và người đi thi muốn đậu, “giám thị, nhà quản lý” muốn kiếm tiền, cho nên đã xảy ra gian lận trong thi cử, khó kiểm soát”, ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc 3 địa phương để xảy ra gian lận trong thi cử đến nay xử lý quá chậm. Các địa phương cần rút kinh nghiệm và xử lý dứt điểm bởi mùa thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2018 - 2019 đã cận kề.
“Tại sao không kết luận được, sai thì sửa, địa phương làm như vậy quá chậm. Cần phải công khai minh bạch. Đây mới là triết lý giáo dục, để các em học sinh có lòng tự trọng, đừng để “học giả thi thật”, khi vào trường nhưng không theo được, để nhà trường phát hiện và đuổi học thì thật xấu hổ. Như vậy, mới tạo cho các em lòng tự trọng”, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Dưới đây là Video đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Bùi Sỹ Lợi góp ý kiến về nâng cao chất lượng giáo dục: