Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết ghi nhận sự chung tay của cộng đồng, các cấp Công đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ các chuyến xe miễn phí chở công nhân, học sinh, sinh viên khó khăn về quê đón Tết cùng gia đình. Qua đó, góp phần tô đẹp thêm ý nghĩa của mùa Xuân.
Bài 1: Tết đoàn viên, Xuân ấm áp
Quanh năm vất vả, người lao động nghèo, người già neo đơn ngoài tỉnh, sinh viên học xa quê có hoàn cảnh khó khăn luôn khao khát được đón Tết ở quê nhà, đoàn tụ với gia đình, người thân mỗi độ Xuân về. Tuy nhiên, chi phí cho việc đi lại cùng quà Tết, tiền mừng tuổi khiến đường về nhà của nhiều người còn quá xa.
Niềm vui sum họp...
Anh Nguyễn Trọng Tuyến (công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2, quê ở Nam Định) cho biết, trên trang vexere.com, giá vé xe khách từ Sài Gòn đi Nam Định có mức dao động từ 800.000 đồng - 1,6 triệu đồng/người. Cộng thêm tiền di chuyển từ nhà đến bến xe và từ bến xe về nhà cũng phải cần thêm 300.000 đồng. Như vậy mỗi người hai lượt đi - về mất khoảng 2,2 triệu - 3,6 triệu đồng. Gia đình 4 người, vị chi tiền vé xe không đã ở mức 8,8 triệu - 14,4 triệu đồng, chưa tính các chi phí ăn uống, nghỉ ngơi trong suốt hành trình dọc đường.
Hiện nhiều nhà xe đã áp dụng các giải pháp giảm giá, chăm sóc khách hàng và nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, vẫn có nhà xe tranh thủ dịp Tết để nhồi nhét, chặt chém cùng các chiêu trò trên suốt tuyến đường dài...
Xa quê mưu sinh, chị Võ Thủy Mỹ Ngọc (công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, quê ở Thanh Hóa) chi sẻ, chị vừa hỏi đặt vé máy bay về quê dịp Tết với giá hơn 3,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, các chi phí, dịch vụ vận chuyển tổng cộng hơn 4 triệu đồng/người. Tuy nhiên, giá trên là dành cho trường hợp về sớm trước nửa tháng; còn về đúng ngày (giáp Tết), giá vé cao hơn hẳn, thậm chí không còn vé. Tương tự, chiều ngược lại cũng vậy, bình quân gia đình 4 người đi - về khứ hồi mất hơn 32 triệu đồng, chưa tính đến tiền quà, mừng tuổi ông bà, con cháu. Nếu về bằng tàu, xe khách, chi phí cho cả nhà cũng gần bằng vé máy bay. Bởi vì còn chi phí ăn uống, sinh hoạt dọc đường và mất nhiều thời gian...
Cũng đi làm xa quê nhưng chị Lưu Thị Nguyệt Hà (công nhân ở Khu Công nghệ cao) may mắn hơn khi làm việc trong môi trường tốt, lương thưởng ổn định. Tuy nhiên, gia đình chị cũng phải thu xếp 3 - 4 năm mới về quê ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) một lần. Bởi vì chi phí cả gia đình cho mỗi lần về quê (gồm hai vợ chồng, hai đứa con) cùng quà Tết cũng phải mất 50 triệu đồng. Chị Hà cho biết, đường về quê không xa nhưng mỗi chuyến hành trình của những người xa nhà đều có sự gian nan khác nhau, nhất là trong thời buổi kinh tế nhiều khó khăn. Đôi lúc, chị dành chi phí tàu, xe về quê gửi về cho ông bà chi tiêu, sinh hoạt và chúc Tết qua điện thoại.
Đó là những trường hợp đi làm, có thu nhập để tiết kiệm mua vé xe, tàu về quê. Với người lớn tuổi mưu sinh bằng bán vé số dạo, lao động phổ thông hay với học sinh, sinh viên vào Thành phố học hành, mọi chi tiêu đều được cân nhắc kỹ lưỡng nên đường về quê quá xa... Không giấu được những giọt nước mắt, sinh viên Phạm Thị Châu Sen (trọ tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh; quê ở Quảng Ngãi) cho biết, em rất nhớ nhà bởi hơn 2 năm rồi chưa có điều kiện về quê thăm gia đình. Tết năm nào cũng vậy, em tranh thủ làm việc từ 10 - 16 tiếng/ngày để kiếm thêm chút tiền chi phí cho việc học hành; đồng thời cũng là giải pháp để đỡ nhớ nhà...
Như vậy, “Tấm vé nghĩa tình”, “Chuyến xe mùa xuân”, “Chuyến xe 0 đồng”… là nghĩa tình ấm áp, nhân văn dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn xa quê, nhất là vào dịp Tết cổ truyền. Đó cũng là mong ước của nhiều công nhân, người lao động nghèo, người già neo đơn và sinh viên học sinh xa quê, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay.
...và những chuyến xe Xuân
Những ngày sắp bước sang năm mới, không khí Tết càng thêm nhộn nhịp, nhiều người sau thời gian chờ đợi giờ đã chính thức có được “Tấm vé nghĩa tình”, “Chuyến xe mùa xuân”, “Chuyến xe 0 đồng” về quê đón Tết.
Cầm tấm vé trên tay, anh Trương Văn Bảo (công nhân Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, quê ở Bình Định) không giấu được niềm vui hồ hởi chia sẻ, nhiều đồng nghiệp, đồng hương cũng đã nhận được tấm vé về chung đợt này với anh. Do cùng cảnh ngộ, mọi người cũng dễ dàng giúp đỡ, chia sẻ và thông cảm lẫn nhau. Theo anh Bảo, những chuyến xa này luôn được đảm bảo chất lượng; có đầy đủ nước uống, không gian nghỉ ngơi thoáng mát (do hành lý để ở gầm xe). Xe được giám sát chặt chẽ không xảy ra tình trạng chèn ép; không dừng, đỗ, đón khách dọc đường. Nhờ vậy, hành khách đều yên tâm và cảm thấy an toàn hơn trong suốt cuộc hành trình dài.
Qua gần 2 tuần chờ đợi, em Nguyễn Lê Bảo Anh (sinh viên trường Đại học Nông Lâm, Thành phố Hồ Chí Minh; quê ở Quảng Ngãi) rất vui mừng khi thấy có tên trong danh sách được về quê trên những chuyến xe miễn phí. Nguyễn Lê Bảo Anh cho biết, Tết này, em sẽ được về nhà cùng gia đình đón giao thừa. Tuy không có quà cho bố mẹ bởi hoàn cảnh khó khăn nhưng em vẫn hồi hộp đợi ngày được về quê.
Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Nguyễn Thị Mai Hương (công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) đã rời quê Hà Tĩnh gần 10 năm nay chưa trở về. Đồng lương công nhân ít ỏi của hai vợ chồng chỉ đủ nuôi hai đứa con ăn học. Con chị lại thường xuyên ốm đau nên dù chi tiêu tằn tiện, cũng không dư giả để đưa cả nhà về quê. Năm nay, chị được Công đoàn thông báo tặng 2 tấm vé xe đưa về tận quê nhà ăn Tết khiến cả gia đình vui mừng. Chị Hương cho hay, cảm giác được đoàn tụ bên gia đình, cha mẹ trong dịp Tết sẽ xóa tan những mệt mỏi trong suốt hành trình dai. Hơn 10 năm chị chưa được về quê nên rất nhớ bố mẹ, bạn bè.
Tại buổi trao tặng “Tấm vé nghĩa tình” ở Khu chế xuất Linh Trung 1, chị Trần Thị Rơi (công nhân Công ty CCH Top, khu chế xuất Tân Thuận; quê ở Quảng Bình) xúc động chia sẻ, 6 năm nay chị không có điều kiện về đón Tết. Do hoàn cảnh khó khăn nhiều năm liền, cả nhà chị phải sinh sống ở nhà trọ. Vì vậy, chị không nghĩ đến việc về quê dịp Tết bởi chi phí tàu, xe đắt đỏ. Khi được xét tặng “Tấm vé nghĩa tình”, cả nhà chị vẫn không tin cho đến khi có thông báo chính thức. Chị Rơi gửi lời cảm ơn Công đoàn, doanh nghiệp đã quan tâm đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của người lao động khó khăn.
Cuộc sống của người công nhân xa xứ, mưu sinh nhọc nhằn, nhiều lo toan nhưng luôn hướng về quê nhà, mong muốn được sum học cùng gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Năm nay, nhiều gia đình vui mừng khi được đón con cháu về ăn Tết; đồng thời càng hiểu hơn tấm lòng của tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp, Đoàn thanh niên, cá nhân, cộng đồng đã tận tình, chung tay mang Tết đến với mọi người, mọi nhà…
Bài cuối: Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp