Những 'chiến binh' áo trắng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19

Với công việc thầm lặng của mình, những “chiến binh” áo trắng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 của tỉnh Khánh Hòa đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh, để tất cả cộng đồng xã hội sớm trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu cho hành khách theo quy trình thực hiện test nhanh kháng nguyên COVID-19 ở Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Đem kiến thức học được đi hỗ trợ chống dịch

Anh Nguyễn Anh Khoa (sinh năm 1987) là một trong 20 sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa được cử đi hỗ trợ tỉnh Phú Yên về công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 2/7. Khác với các bạn trẻ năm cuối cùng đoàn, anh Khoa lại là người lớn tuổi nhất do vừa đi làm vừa đi học. Anh cho biết, do tình hình dịch bệnh, công việc của anh bị gián đoạn. Anh đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch hỗ trợ nhân dân tỉnh Phú Yên với mong muốn đem những điều mình học được thực hành để cùng với mọi người chống dịch COVID-19.

Đoàn của anh Khoa tham gia ngày đầu xuất phát vừa đến huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên là 15 giờ và bắt tay ngay vào công việc cho đến tận 22 giờ. Cường độ công việc của những ngày đầu cao nên các bạn sinh viên đều tập trung và làm đúng các nhiệm vụ được giao, tùy hôm sẽ là lấy mẫu hay tiến hành truy vết cộng đồng. Khó khăn nhất là trong quá trình thực hiện truy vết, người đồng bào dân tộc thiểu số Êđê nói tiếng Kinh không thành thạo, bản thân các sinh viên cũng khó giao tiếp để người dân hiểu nên có lúc công việc gián đoạn. Thế nhưng, khi được giải thích, đồng bào hiểu và làm theo nên công việc rất thuận lợi.

“Dù đang là sinh viên, được tham gia hoạt động hỗ trợ phòng chống, dịch góp phần sức nhỏ cùng các cơ quan chức năng thực hiện việc tầm soát cộng đồng, truy vết các ca mắc trong bối cảnh dịch COVID-19 đầy phức tạp như hiện nay, ai trong chúng tôi đều cảm thấy mình đang sống và làm việc có ý nghĩa. Từ chuyến đi thực tế, mỗi một người được cọ xát tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, mai sau rời trường tự tin là những điều dưỡng có khả năng giúp đỡ người bệnh, bác sĩ trong quá trình làm nghề của mình”, anh Khoa chia sẻ

Làm việc không kể ngày đêm

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa làm việc không kể ngày, đêm, để lấy mẫu, truy vết cộng đồng, sớm khoanh vùng dập dịch. Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết, ngay từ thời điểm có ca mắc cộng đồng từ Phú Yên vào Khánh Hòa với lịch sử di chuyển phức tạp nhiều địa điểm khác nhau, thậm chí là khai báo thiếu các thông tin khiến nhân lực y tế của các địa phương trong tỉnh đều căng mình tiến hành truy vết. 

Tính đến chiều 15/7, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 6/9 huyện, thị xã, thành phố có ca dương tính SARS-CoV-2. Dự báo trong thời gian tới, địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc trong cộng đồng. Tỉnh đang tranh thủ thời gian vàng giãn cách xã hội để đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc bằng RT-PCR và test nhanh kháng nguyên COVID-19, phát hiện nhanh ca mắc, khoanh vùng, dập dịch kịp thời. Hiện ngành Y tế đã thành lập 700-800 tổ lấy mẫu cơ động ở các xã, phường, có thể đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm 10.000 mẫu RT-PCR/ngày và khoảng 15.000 test nhanh kháng nguyên/ngày.

"Dẫu có kinh nghiệm của các đợt dịch trước nhưng mức độ lây lan đợt dịch lần này khá lớn, khối lượng công việc của các anh chị em cũng nhiều hơn: vừa khoanh vùng vừa tiến hành tầm soát ở các khu công nghiệp, nơi có nguy cơ cao. Mọi người đều mệt và kiệt sức do làm việc nhiều ngày liên tục. Được các cơ quan ngành và xã hội luôn có sự động viên tinh thần, hỗ trợ thêm nhân lực nên mệt mỏi cũng vơi đi phần nào”, bác sĩ Dõng chia sẻ.

Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được trang bị 4 máy xét nghiệm RT-PCR với năng suất xét nghiệm khoảng 10.000 mẫu/ngày. Thêm hỗ trợ từ Bệnh viện Quân y 87, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Viện Pasteur Nha Trang, năng suất xét nghiệm RT-PCR có thể lên đến 15.000 mẫu/ngày, đáp ứng được yêu cầu. 

 "Với những giải pháp đồng bộ tỉnh đang triển khai, sự vào cuộc của các cấp và sự đồng lòng của nhân dân, tin rằng Khánh Hòa sẽ khống chế được dịch trong thời gian sớm nhất. Để sớm thực hiện điều này, người dân cần thực hiện tốt thông điệp 5K, hợp tác chặt chẽ với chính quyền và tuân thủ nguyên tắc các quy định phòng dịch, đặc biệt trong thời điểm giãn cách hiện nay" - Giám đốc Sở Y tế thông tin.

Chung sức, đồng lòng vì bệnh nhân

Ở tuyến điều trị, tỉnh Khánh Hòa hiện đã thành lập 4 bệnh viện dã chiến từ các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới tỉnh, Bệnh Lao và Bệnh phổi, Da liễu, Đa khoa Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa) với quy mô 450 giường bệnh. Trong kế hoạch của ngành Y tế, trường hợp khẩn cấp sẽ trưng dụng Bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lâm thành Bệnh viện dã chiến với quy mô 150 giường; lập Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh với quy mô 300 giường.

Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, bác sĩ Chuyên khoa I Ngô Mỹ, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Ninh Sim, Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa cho biết, công suất giường điều trị của phòng khám là 30 bệnh nhân. Đa số các ca bệnh điều trị ở đây đều ở thể nhẹ. Có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19 thành công trong các đợt trước, đợt này các y, bác sĩ đã chuẩn bị đầy đủ tâm lý, nhân vật lực để sẵn sàng với cuộc chiến lâu dài, quyết không để dịch bệnh lây chéo trong đơn vị và thành công để các bệnh nhân xuất viện về nhà an toàn.

Bệnh viện dã chiến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa chuyên điều trị các ca mắc COVID-19 ở thể nặng, trong 82 ca bệnh đang điều trị có 8 ca nặng. Bệnh viện dã chiến chia thành 2 khu, một khu thể nhẹ, tương ứng với một phòng hai bác sĩ và 4 điều dưỡng, khu bệnh nặng có 3 bác sĩ và 9 điều dưỡng. Mỗi ca làm việc kéo dài 8 tiếng với bộ đồ bảo hộ kín và không được bật điều hòa.

Bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, khó khăn lớn nhất chính là bệnh nặng nên cần các bác sĩ theo dõi thường xuyên, một bệnh nặng cần đội ngũ chăm sóc gấp 3 lần bệnh nhẹ. Mặc khác, việc mặc đồ bảo hộ kín trong vòng 8 tiếng liên tục trong điều kiện thời tiết mùa hè tại Khánh Hòa khiến các y, bác sĩ mệt. Vượt qua tất cả, tập thể y, bác sĩ luôn chung sức, đồng lòng vì sức khỏe của bệnh nhân, sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Những câu chuyện trên chỉ là một phần rất nhỏ của hàng trăm y, bác sĩ, kĩ thuật viên  đang thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Khánh Hòa. Họ chính là lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch, không ngại khó khăn, gian khổ, chung tay cùng chính quyền và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh để người dân khỏe mạnh, quê hương được bình yên, tiếp tục phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Phường Trà (TTXVN)
Sáng 16/7, Việt Nam ghi nhận 1.438 ca mắc COVID-19
Sáng 16/7, Việt Nam ghi nhận 1.438 ca mắc COVID-19

Tính đến 6h sáng ngày 16/7/2021, Việt Nam ghi nhận thêm 1.438 ca mắc mới, trong đó TP Hồ Chí Minh có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất là 1.071 ca, Đồng Nai 72 ca, Đồng Tháp 66 ca, Khánh Hòa 57 ca, Bình Dương 53 ca...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN