Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (56.757 ca), Brazil (52.789 ca) và Anh (48.553 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.444 ca), Indonesia (982 ca) và Nga (791 ca).
Như vậy, Indonesia liên tục đứng đầu thế giới về ca mắc mới trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh các ca bệnh tăng nhanh ở nhiều nước, ngày 15/7, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo những biến thể mới gây lo ngại của virus SARS-CoV-2 có thể lây lan toàn cầu, gây khó khăn hơn cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Trong một tuyên bố, ủy ban trên cho biết đại dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới chấm dứt, đồng thời nhấn mạnh khả năng cao các biến thể mới và có thể nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, lây lan toàn cầu và khó kiểm soát.
Dịch bệnh nghiêm trọng khiến các nước đẩy nhanh nỗ lực tiêm vaccine. Theo những số liệu thống kê chính thức do Our World In Data công bố, đến ngày 13/7, hơn 25,6% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Tỉ lệ này đã tăng 3,2% so với thời điểm thống kê cách đây 2 tuần. Trung bình mỗi ngày có gần 30 triệu người đã được tiêm vaccine. Tổng cộng, đã có 3,51 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu.
Hiện mới chỉ có 1% số người dân ở các quốc gia thu nhập thấp đã được tiêm vaccine, tăng chút ít so với con số thống kê 0,9% ghi nhận cách đây hai tuần. Quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất hiện nay là Canada (70%), tiếp đến là Chile (69%), Vương quốc Anh (68%) và Israel (66%). Mỹ đã tiêm phòng ít nhất 1 mũi cho 55,2% dân số. Trong khi đó, Nhật Bản - nơi Olympic Tokyo 2020 sẽ được khai mạc vào tuần tới, đã đạt tỷ lệ tiêm phòng 31,14% dân số. Tại châu Phi, tình hình dịch bệnh là rất đáng lo ngại, khi số ca mắc COVID-19 gia tăng trong bối cảnh nguồn cung vaccine khan hiếm. Tỷ lệ tiêm chủng tại lục địa này hiện là 2,93%.
Tính đến thời điểm này, quốc gia đã tiêm nhiều mũi vaccine COVID-19 nhất là Trung Quốc, với hơn 1 tỷ liều. Tiếp đó là Ấn Độ - với 387,7 triệu liều, nhiều hơn khoảng 50 triệu liều vaccine so với Mỹ.
Số các ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu đã tăng 21% so với cách đây hai tuần, với các điểm nóng là các quốc đảo như Fiji, CH Cyprus, Cuba, cũng như một số quốc gia châu Âu như Hà Lan và Tây Ban Nha. Các ca nhiễm mới cũng bắt đầu tăng trở lại ở Mỹ, tăng 109% so với hai tuần trước.
Châu Á
Indonesia liên tiếp lập kỷ lục ca mắc mới
Ngày 15/7, Indonesia tiếp tục ghi nhận một kỷ lục mới với 56.757 ca mắc COVID-19 được phát hiện trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu tháng 3 năm ngoái lên 2.726.803 người.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận hơn 50.000 ca mắc COVID-19 sau kỷ lục 54.513 ca một ngày trước đó. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia cảnh báo rằng số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 60.000 ca và thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản có 100.000 ca mắc mới mỗi ngày. Indonesia cũng ghi nhận thêm 982 ca tử vong trong ngày 15/7 và 70.192 ca kể từ đầu đại dịch. Ngoài 209.186 ca nghi nhiễm, hiện quốc gia đông dân thứ tư thế giới này có 480.199 người mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly điều trị ở nhà.
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia liên tục tăng vọt trong những ngày gần đây dù chính phủ đã áp lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 3/7 vừa qua tại hai hòn đảo Java và Bali đông dân, trước khi mở rộng sang 15 khu vực khác kể từ ngày 12/7.
Giới chức y tế Campuchia kêu gọi hành động khẩn cấp
Ngày 15/7, giới chức y tế Campuchia cho rằng nước này cần hành động khẩn cấp để giảm tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 và ngăn chặn thảm kịch về kinh tế và y tế, sau khi ghi nhận số ca tử vong trong một ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Trên mạng xã hội Twitter, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine nhấn mạnh nước này cần thận trọng và chủ động cùng nhau hành động để thực thi những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 càng sớm càng tốt, đồng thời tránh một thảm kịch về kinh tế và y tế. Theo bà Or Vandine, Campuchia đã hoàn thành hơn 50% mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu người trưởng thành và nhà chức trách nước này đang cân nhắc tiêm liều nhắc lại. Campuchia đang sử dụng vaccine của các hãng Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca.
Dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng tại Campuchia khi ngày 15/7 đánh dấu một ngày đen tối khi số ca tử vong vì đại dịch được công bố ở mức cao nhất từ trước đến nay với 39 người chết. Số liệu của Bộ Y tế Campuchia cũng cho biết trong 24 giờ qua, nước này có thêm 996 ca mắc mới, trong đó 167 ca nhập cảnh. Làn sóng lao động Campuchia mất việc tại Thái Lan quay trở về nước đang khiến tình hình trở nên nghiêm trọng và làm gia tăng rủi ro lây lan biến thể Delta. Hiện Campuchia có tổng cộng 64.611 ca mắc, trong đó 56.178 người khỏi bệnh và 1.025 người tử vong. Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh đang khiến hệ thống y tế quá tải và đại dịch có thể nằm ngoài tầm kiểm soát.
Nhiều địa phương Trung Quốc yêu cầu dân tiêm phòng nếu muốn đến nơi công cộng
Hàng triệu người dân Trung Quốc có thể bị cấm đến những nơi công cộng như các trường học, bệnh viện và các trung tâm mua sắm nếu không tiêm vaccine COVID-19. Đây là nội dung sắc lệnh mới sẽ được thực thi tại gần 20 tỉnh và thành phố trên toàn Trung Quốc.
Các quy định nghiêm ngặt mới được ban hành trong bối cảnh biến thể Delta của virus, có khả năng lây lan rất nhanh, đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên toàn châu Á. Trước mắt, các quy định này sẽ được áp dụng tại một số thành phố trước khi được mở rộng ra toàn quốc. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm cho 64% dân số trước cuối năm nay và các biện pháp mới cho thấy quyết tâm của chính phủ để thực hiện mục tiêu này.
Kể từ khi triển khai chương trình tiêm phòng COVID-19 từ năm 2020, giới chức Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để khuyến khích người dân đi tiêm. Theo số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 13/7, nước này đã tiêm hơn 1,4 tỷ liều vaccine COVID-19.
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận trên 1.300 ca nhiễm mới
Ngày 15/7, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo có 1.308 ca nhiễm mới - mức tăng trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 1/2021 và đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, địa phương này ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Nhật Bản tăng trở lại tại thời điểm chỉ còn 1 tuần trước khi khai mạc Olympic 2020 và thủ đô Tokyo đang áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 do dịch COVID-19.
Tính trung bình trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo ở mức 882,1 ca/ngày, tăng 32,9% so với tuần trước đó.
Theo kế hoạch, lễ khai mạc Olympic sẽ diễn ra tại sân vận động quốc gia vào ngày 23/7. Các nhà tổ chức đã cam kết sẽ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch để bảo đảm hàng nghìn vận động viên, nhân viên hộ trợ và phóng viên đến Nhật Bản không bị lây nhiễm SARS-CoV-2.
Australia phong tỏa toàn bang Victoria trong 5 ngày
Chính quyền bang Victoria - bang đông dân thứ hai của nước này, ngày 15/7 đã công bố lệnh phong tỏa khẩn cấp trên toàn bang trong 5 ngày, bắt đầu từ nửa đêm cùng ngày, để ngăn chặn việc bùng phát dịch COVID-19, do sự lây lan của biến thể Delta.
Chiều 15/7, bang Victoria đã ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm ở đây lên 18 ca chỉ trong 2 ngày qua.
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews nêu rõ chính quyền bang không còn lựa chọn nào khác để ngăn chặn tốc độ lây lan của biến thể Delta. Với lệnh phong tỏa trên, đây là lần thứ 5 kể từ khi đại dịch bùng phát và lần thứ 3 trong năm nay, bang này phải áp dụng lệnh phong tỏa diện rộng.
Tính đến nay, đã có tới hàng chục địa điểm được coi là nguồn lây bệnh ở Melbourne - thành phố lớn thứ 2 của Australia, trong đó có trung tâm thương mại, sân vận động nổi tiếng Melbourne Cricket Ground sau khi diễn ra trận thi đấu bóng đá với sự tham dự của hàng nghìn người.
Châu Âu
Anh xem xét lại quy định đi lại
Cũng do quan ngại số ca nhiễm mới tăng cao, ngày 14/7, Anh đã xem xét lại quy định đi lại, áp đặt hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Trong một thông báo, giới chức Anh đã đưa quần đảo Balearic của Tây Ban Nha và quần đảo Virgin, lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh ở khu vực Caribe, phía Đông Puerto Rico vào danh sách "hổ phách". Cùng ngày, chính quyền Scotland cũng đưa ra quyết định tương tự.
Theo các quy định áp dụng với các nước và vùng lãnh thổ trong danh sách "hổ phách", có hiệu lực từ từ 4h00' ngày 19/7 (giờ địa phương, tức 10h00' giờ Việt Nam), những người đến từ các khu vực này sẽ phải cách ly tại nhà sau khi nhập cảnh Anh. Những người Anh đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ không phải cách ly sau khi trở về từ các địa điểm trên.
Nhiều vùng Tây Ban Nha tái áp đặt lệnh giới nghiêm
Nhiều khu vực ở Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh giới nghiêm cùng nhiều biện pháp hạn chế khác trong bối cảnh nước này đang nỗ lực đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Delta.
Chính quyền Catalonia đã yêu cầu tòa án cho phép áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại các thành phố chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh, trong đó có Barcelona. Quyết định trên được đưa ra sau khi vùng Valencia lân cận "bật đèn xanh" cho việc khôi phục lệnh giới nghiêm tại 32 thị trấn. Vùng Cantabria cũng đang thảo luận về việc áp đặt lệnh giới nghiêm.
Trong những ngày gần đây, vùng Catalonia, Đông Bắc Tây Ban Nha, đã cấm tụ tập quá 10 người và các hoạt động công cộng phải ngừng lúc nửa đêm. Số ca mắc tại vùng này gia tăng sau khi mở lại các câu lạc bộ ban đêm vào ngày 21/6 vừa qua và bế giảng năm học.
Châu Mỹ
Nhiều nơi tại Mỹ cân nhắc tái áp dụng hạn chế với người chưa tiêm vaccine
Trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với số ca mắc mới COVID-19 gia tăng thời gian gần đây, ngày 15/7, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết ngày càng nhiều địa phương cân nhắc khôi phục các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19.
Bà Walensky đã để ngỏ khả năng nhiều bang và thành phố sẽ ban hành các biện pháp hạn chế tương tự như thành phố Chicago của bang Illinois, áp dụng đối với những du khách chưa được tiêm phòng. Lãnh đạo CDC cũng nhấn mạnh hiện là thời điểm Mỹ cần đẩy mạnh công tác tiêm chủng và các biện pháp can thiệp phòng ngừa khác, cho rằng việc đưa ra "những thông điệp giống năm ngoái” là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo bà Walensky, các biện pháp phòng ngừa trên bao gồm xét nghiệm cho những người có các triệu chứng về đường hô hấp trên hoặc các triệu chứng của COVID-19, đồng thời yêu cầu những người này tự cách ly tại nhà và đeo khẩu trang.
Theo CDC, dù chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được đẩy mạnh tại Mỹ, mới chỉ có 48,2% dân số nước này đã được tiêm đủ liều và tỷ lệ tiêm chủng mới đang giảm. Trong khi đó, số ca mắc mới đã tăng lên đáng kể. Có 47 bang ghi nhận số ca mắc mới trong tuần qua cao hơn 10% so với tuần trước đó. Đáng chú ý, tại 35 bang, số ca mắc mới thậm chí còn tăng hơn 50% so với tuần trước.
Số ca tử vong tại Argentina vượt mốc 100.000 ca
Bộ Y tế Argentina thông báo nước này đã ghi nhận thêm 614 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 lên 100.250 ca. Với con số này, Argentina trở thành quốc gia Mỹ Latinh thứ 5 ghi nhận số ca tử vong vượt ngưỡng 100.000 ca.
Cho tới nay, Argentina đã ghi nhận hơn 4,7 triệu ca mắc mặc dù tỷ lệ lây nhiễm mới đã có chiều hướng giảm do chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh trong những tuần qua. Cũng theo Bộ Y tế nước này, hơn 5.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị trong khu điều trị tích cực, chiếm 62% tổng số giường bệnh trong khu vực này. Trong thời gian dịch đạt đỉnh vào thàng 4 vừa qua, hơn 80% giường bệnh trong khu điều trị tích cực đã được sử dụng.
Theo các nhà chức trách Argentina, hơn 20,6 triệu người dân, tương đương 60% người trưởng thành, đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong số này 5,1 triệu người đã tiêm đủ liều.
Chile ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong 7 ngày
Bộ Y tế Chile cho biết nước này đã ghi nhận 1.227 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức thấp nhất theo ngày trong vòng 7 tháng qua. Như vậy, số ca mắc mới ghi nhận được đã giảm 23% trong vòng 7 ngày qua và giảm 44% trong vòng 14 ngày. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Chile là 1.592.130 ca, trong đó có 34.049 ca tử vong. Việc số ca mắc mới và tỷ lệ lây nhiễm giảm trong nhiều tuần qua được xem là cơ sở để các nhà chức trách nới lỏng dần lệnh phong tỏa và cho phép hoạt động kinh doanh, học tập trở lại bình thường tùy theo tình hình dịch tễ tại từng khu vực.
Liên quan đến chương trình tiêm chủng, Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cho hay 75,57% trong tổng 15.200.840 người trong diện tiêm chủng đã tiêm đủ liều. Với con số này, 80% dân số Chile đã tiêm vaccine phòng COVID-19, đủ để đạt miễn dịch cộng đồng. Theo ông Paris, trong tuần này Chile sẽ triển khai tiêm chủng cho nhóm thanh thiếu niên từ 15-17 tuổi.
Cuba có số ca tử vong theo ngày cao nhất
Tình hình dịch bệnh tại Cuba vẫn chưa cải thiện. Bộ Y tế nước này ngày 14/7 cho biết đã ghi nhận 51 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước đây. Cuba cũng ghi nhận thêm 6.080 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 256.607 ca, trong đó có 1.659 ca tử vong.
Tỉnh miền Tây Mantanzas tiếp tục là tâm dịch với 1.913 ca mắc mới, tiếp đó là thủ đô La Habana với 658 ca và tỉnh miền Đông Santiago de Cuba với 502 ca. Theo người đứng đầu Cơ quan dịch tễ thuộc Bộ Y tế Cuba, ông Francisco Duran, những số liệu trên cho thấy tỷ lệ lây nhiễm cao và mức độ phức tạp của dịch bệnh trên khắp cả nước.
Ông Duran lưu ý tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, do vậy mỗi người dân cần nâng cao ý thức tuân thủ quy định phòng dịch và giãn cách xã hội.
Theo thống kê, Cuba đã phân bổ hơn 7,6 triệu liều vaccine Soberana và Abdala do nước này sản xuất với 1,9 triệu người đã được tiêm đủ 3 mũi.