Những cây chè cổ Suối Giàng

Trên thế giới không nơi nào nhiều cây chè cổ thụ hàng hai, ba trăm tuổi như ở Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Từ những năm 60 đã thống kê được có tới trên 80.000 cây chè từ 200 tuổi trở lên, còn những cây trăm tuổi thì nhiều vô kể. Chất lượng chè ở đây lại tuyệt hảo, đến nỗi viện sĩ K. M. Djemmukhatze thuộc viện sinh hóa A. Ba Cu, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, khi đến Suối Giàng nghiên cứu vào những năm 60 của thế kỷ 20 phải thốt lên: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có nhiều cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là tổ quốc của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới” (lời ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng).

Dù tuyệt hảo vẫn chưa “bám rễ” thị trường

Chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng mọc tản mát, tự nhiên trong rừng, trên độ cao 1.400 m so với mặt biển, sương mù bao phủ từ sáng đến trưa mới tan. Du khách bất ngờ khi đây đó thấp thoáng những cây chè cổ thụ, nhiều cây người ôm cả vòng tay không kín được thân cây. Giống, chất đất, tiểu vùng khí hậu, thì dao động biên độ nhiệt trong ngày cùng độ ẩm tự nhiên làm cho chè Suối Giàng có chất lượng tuyệt hảo, hàng năm cho trên 300 tấn búp tươi và trên 60 tấn chè khô. Song do chưa được đầu tư dây chuyền sản xuất khoa học, hiện đại, chưa có chiến lược đầu tư một cách khoa học và hợp lý từ khâu chăm sóc, thu hái, quản lý, đến chế biến, nên thị trường chưa mặn mà với chè Suối Giàng. Giờ đây, đã có chè “Năm cực” - (cực khổ, cực ngon, cực đẹp, cực sạch và cực đắt) của anh Lê Quang Tùng ở Suối Giàng, chỉ sao bằng “một tôm” và chế biến theo một qui trình đặc biệt, làm dậy lên được hương vị chè cao sang, độc đáo, mơ ước của bao người. Tuy nhiên, hàng năm nhiều nhất cũng chỉ được hơn một tạ, dẫu giá chè “Năm cực” cao ngất ngưởng: 1,6 triệu đồng/kg. Số lượng đó không đủ cung cấp cho giới sành chè.

Tác giả bên cây chè cổ thụ to nhất Suối Giàng đã lìa đời năm 2008.


Người viết bài này đã có dịp thưởng thức nhiều loại chè ngon nổi tiếng của Việt Nam, song khi được cùng anh Lê Quang Tùng đàm đạo về chè và thưởng thức chè cổ thụ Suối Giàng vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Búp chè to bằng hạt đỗ, phủ một lớp tuyết trắng muốt, tỏa mùi hương thơm dịu. Khi pha, nước chè có màu trắng trong phớt xanh quyến rũ, mới nâng chén chè, hương thơm ngầy ngậy đã kích thích các giác quan, nhấp một ngụm, vị chát dịu dâng trên đầu lưỡi, rồi chỉ còn lại vị ngọt hàng giờ không tan. Những người sành chè, chỉ một lần có duyên may được thưởng thức loại chè trân quí này là khó có thể dùng được bất kỳ một loại chè nào khác.


Có lần anh Lê Quang Tùng tâm sự:


- Để có chất lượng chè khô thật ngon thật không dễ chút nào, phải qua một chuỗi liên hoàn từ thu hái đến sao sấy vô cùng cầu kỳ. Chè Shan mọc rải rác khắp một vùng núi cao rộng lớn, nên việc thu hái vô cùng vất vả. Rồi phải hái lúc còn tinh sương, vì đây là thời điểm hương vị chè được tích tụ cao nhất trong mỗi búp chè, khi mặt trời lên, quá trình quang hợp bắt đầu, chè nhiều vị chát mà kém hương, lại còn không được làm chè dập nát để không mất chất và kém hình thức. Thời điểm thu hái trong chu trình phát triển của cây chè vô cùng quan trọng, vì hái sớm ba ngày thì chè là báu vật, hái muộn ba ngày chè chỉ còn là thực vật, chưa nói công đoạn sao, sấy đòi hỏi một qui trình nghiêm ngặt, sơ ý là cả mẻ chè hỏng ngay hoặc kém chất lượng!

Xót xa chè cổ qua đời


Chất lượng chè tuyệt vời là vậy mà bà con người Mông Suối Giàng chưa sống được bằng cây chè, dù đây vẫn là nguồn thu nhập quan trọng. Mỗi năm bà con thu hái và bán cho nhà máy chè Suối Giàng được khoảng 90 tấn, bán cho hợp tác xã được trên dưới 6,24 tấn, còn bán ra thị trường đến 337,6 tấn, giá bình quân 5.500 đồng/kg. Giá cả, phương thức thanh toán chưa hợp lý làm “chảy máu” chè ra thị trường tự do năng động và thông thoáng trong việc thu mua và thanh toán hơn nhiều. Chưa nói đến nhiều “cụ chè” tuổi cao sức yếu, lại không được chăm sóc chu đáo đã lần lượt về trời, một số cây bị bán đi, hoặc cho biếu… Và có lẽ công đoạn thu hái chè, sao sấy chè để có thành phẩm đạt chất lượng cao đòi hỏi cao như vậy, nên chất lượng chè Suối Giàng của Công ty chè Văn Hưng chưa đáp ứng được thị hiếu của thị trường, lại chưa gây dựng được thương hiệu, dẫn đến thị trường quay lưng lại với chè Suối Giàng, cũng chính vì vậy mà sản lượng chè khô của công ty cứ giảm dần.

 

Người sành trà thừa nhận: hương vị chè Suối Giàng độc đáo lắm, cái mùi hương thầm kín cao sang không lẫn với bất kỳ loại chè nào, còn vị thì thật là đặc biệt nhấp một ngụm nhỏ, hàng giờ sau vẫn thấy dư vị ngọt ngào đọng mãi không tan.


Chè chưa phải là nguồn lợi lớn có tác dụng xóa đói giảm nghèo, nên người dân ở Suối Giàng chưa mặn mà. Chưa nói đến việc chưa có kế hoạch bảo tồn và phát triển một cách dài hơi, khoa học và bền vững nguồn gen quí này. Bởi vậy những cây chè cao tuổi nhất cứ lần lượt ra đi. Cây chè to nhất mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng lên thăm và chụp ảnh lưu niệm đã chết từ những năm 80. Còn cây chè to nhất xã hiện nay ở bản Giàng Cao cũng đã từ giã cõi đời vào mùa đông 2008 vì già cỗi. Còn một số cây bị chết do tuổi cao, sức yếu, không chống chọi được với sâu bệnh, một số cây khi làm đường, trường, trạm, bị đánh đi, chưa nói một số “đại gia” xin, mua về trồng làm cảnh. Người viết bài này được anh Lê Quang Tùng đưa lên thăm cây chè tổ, to nhất xã bây giờ, anh không khỏi xót xa:


- Vừa cuối năm 2008 em đưa khách du lịch lên, cây vẫn xanh tốt anh ạ, thế mà…

Để người trồng sống được với chè


Tôi cứ ngẫm mãi lời của nhà sinh vật học người Hà Lan có tên thân mật là Jáp nói với tôi trong một lần cùng thưởng thức trà Shan Suối Giàng do tôi chọn mua của tư thương có kinh nghiệm lâu năm sao chế: “Chè Suối Giàng của các bạn tuyệt vời lắm, nếu có phương pháp bảo tồn và phát triển khoa học thì sẽ đem lại nguồn lợi to lớn. Người dân sẽ không phá rừng nữa, vì chỉ trồng chè đã giàu rồi”.


Còn anh Lê Quang Tùng, người từng nhiều năm làm việc cho xưởng chè Suối Giàng, người thông thạo về chè nhất xã Suối Giàng, người duy nhất cho đến lúc này nắm giữ bí quyết làm sống lại hương vị chè Suối Giàng tuyệt vời kia với loại “chè Năm cực” nổi tiếng trăn trở:


- Toàn huyện Văn Chấn, xã vùng cao nào cũng có chè Shan cổ thụ nhưng cũng chỉ có ở bản Giàng Pằng của xã Nậm Mười có chất lượng cao hơn, song cũng không thể sánh được với chè Suối Giàng. Ngay 6 thôn bản của xã Suối Giàng như: Giàng A, Giàng B, Giàng Cao, Suối Lóp, Păng Cáng, Can Kỷ, Tập Lăng, đâu cũng bạt ngàn chè cổ thụ và chất lượng đều rất tuyệt nhưng ngon nhất vẫn là chè ở Giàng Cao. Mấy năm gần đây việc trồng mới có được chú ý hơn nhưng do không được chú trọng trong một kế hoạch dài hơi từ khâu nhân giống, phát triển và chính sách đãi ngộ, cùng việc xây dựng thương hiệu trong nước và quốc tế, dẫn đến không thúc đẩy được diện tích và sản lượng. Từ đó không thu hút được bà con chú trọng nuôi trồng, chăm sóc và thu hái bán chè cho Nhà nước.

Nhiều nương chè trồng mới bị gia súc thả rông phá hoại, dẫn đến diện tích cùng sản lượng bị thu hẹp. Mấy năm trước chè Suối Giàng được nhân giống và trồng đại trà ở xã Nậm Búng với bao hy vọng nhưng rồi do không hợp thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu nên hương kém đi mà lại nhiều vị đắng nên cũng teo tóp dần.


Nói chuyện với chúng tôi, ông Giàng A Đằng, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết:


- Chính quyền và nhân dân xã xác định mục tiêu hàng đầu là phát triển diện tích gieo cấy lúa nước. Song cây chè có một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Suối Giàng. Nếu như năm 2008 trồng mới được 15,5 ha, thì năm 2009 trồng mới 25 ha, phấn đấu năm 2009 bán cho nhà máy chè và hợp tác đạt 430 - 500 tấn, với giá 6.000 đồng/kg đến 7.000 đồng/kg…


Chia tay Suối Giàng, tôi cứ tự hỏi: Suối Giàng hội tụ đủ những yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Suối Giàng đang nắm giữ một kho tài nguyên vô giá nhưng đến bao giờ chè Suối Giàng mới phát triển và được thị trường trong nước và quốc tế đánh giá đúng với giá trị thực. Bởi điều đó không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế do chất lượng tuyệt hảo của chè, mà còn từ nguồn lợi du lịch trước mảnh đất được coi là Tổ quốc của cây chè trên thế giới, góp phần thay đổi tập quán canh tác cho người dân và bảo vệ môi sinh môi trường trong xu thế phát triển của đất nước. Nhìn những nương chè mới trồng uốn lượn như những sóng nhạc trên những triền đồi xanh ngút ngát. Những thân cây chè cổ thụ rêu phong bật lên những mầm xanh mơn mởn. Trong mỗi ánh mắt các em thơ và những người dân nơi đây lấp lánh nét tin yêu. Chúng tôi hiểu rằng, một ngày không xa, Suối Giàng sẽ thoát nghèo trên vùng tài nguyên vô giá này.


Bài và ảnh: Trần Vân Hạc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN