Những cánh thư không mỏi giữa hai vợ chồng nhà báo Thông tấn xã Việt Nam

Câu chuyện tình lãng mạn suốt một đời của nhà báo Võ Thế Ái và vợ của ông là bà Nghiêm Thị Tú qua những lá thư tình ngọt ngào trong suốt những năm tháng chiến tranh cũng như tình cảm mặn nồng đến tận “đầu bạc răng long” đã lay động nhiều thế hệ cán bộ Thông tấn xã Việt Nam.

Chú thích ảnh
Vợ chồng nhà báo Võ Thế Ái và Nghiêm Thị Tú khi còn trẻ. Ảnh: TTCC

Tình cảm mặn nồng

Một ngày đầu tháng 9, tôi liên lạc với nhà báo Võ Thế Ái, một nhà báo lão thành của Thông tấn xã Việt Nam khi ông đang sống trong Trung Bảo trợ xã hội 3 (Hà Nội). Vừa nhấc máy, nghe có phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam gọi tới, ông như vui vẻ hẳn lên. Giọng nói đã yếu ở tuổi ngoài 90, nhưng vẫn rất tình cảm, ông nhắc ngay đến ngày kỷ niệm thành lập cơ quan và mong muốn đủ sức khoẻ để về dự Lễ kỷ niệm.

Qua câu chuyện thăm hỏi với nhà báo lão thành Võ Thế Ái, tôi như thấy ở ông vẫn vẹn nguyên sự tâm huyết, vẫn hào hứng khi nhắc đến những kỷ niệm khi còn làm báo dù ông đã yếu, không nói được dài. Tình yêu nghề ấy, sự gắn bó với cơ quan suốt cuộc đời ấy, có lẽ còn bởi đây là nơi lưu dấu những tháng ngày vun đắp tình yêu thương, là những kỷ niệm vượt thời gian của ông và nhà báo Nghiêm Thị Tú cũng công tác tại Thông tấn xã Việt Nam.

“Những ai biết ông, ở gần ông cũng đều biết về câu chuyện tình yêu lãng mạn của hai ông bà, dù giờ đây bà đã về với thế giới bên kia và ông chỉ còn lại một mình vào những ngày cuối đời này” - y tá Lý Thị Bích, làm việc tại Tổ y tế của Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, người được phân công chăm sóc ông Võ Thế Ái, cho biết.

Trong suốt những năm là phóng viên chiến trường, điều kiện làm báo luôn phải di chuyển và khó khăn liên lạc, những lá thư là sợi dây nối gần tình cả hai vợ chồng. Những lá thư chan chứa tình cảm lứa đôi nhưng cũng đong đầy tình cảm yêu nước, yêu nghề… được ông đọc đi, đọc lại nhiều lần, thậm chí thuộc lòng.

"Đi đến nơi nào có kỷ niệm của em, anh cũng nhớ đến em…". Đó là những lời “có cánh” mà anh phóng viên Võ Thế Ái dành cho vợ mình trong những bức thư phương xa. Vui, buồn, nhớ nhung..., đủ mọi cung bậc tình yêu trong những trang thư từ nơi bom đạn khiến người nhận thêm ấm lòng và tin tưởng.

Những dòng thư của ông cũng có lúc bay bổng yêu đương, nhưng cũng có lúc là sự đắn đo công việc khi trong lòng ngập tràn nỗi nhớ, vợ thương con: "Chiều nay 30 Tết, anh viết thư này thăm em và con. Biết nói thế nào để diễn tả hết tâm tình của anh đối với em và con lúc này... Hôm vừa rồi, anh Sâm và anh Nhớ có hỏi ý kiến anh về việc ra miền Bắc... khó nghĩ quá. Một mặt ra miền Bắc thì được gặp em và con, được bồi dưỡng sức khỏe, được học tập. Mặt khác nhìn quanh mình thấy mọi người bận rộn công tác, mình ra đi thấy nó thế nào ấy. Vì vậy anh quyết định ở lại... chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách một cách lạc quan. Vả chăng ngày thắng lợi không còn xa nữa. Ngày ấy gặp nhau sẽ vui và vinh dự gấp bội..." là những lời từ trái tim nhà báo Võ Thế Ái gửi vợ dịp Tết Canh Tuất 1970, khi ông công tác tại chiến trường Khu 5.

Đến bây giờ, tuổi đã cao, cũng có lúc nhớ lúc quên, ông cũng không đếm nổi mình đã từng viết chính xác bao nhiêu bức thư cho bà Nghiêm Thị Tú kể từ khi còn yêu nhau cho đến khi đã thành một gia đình. Chỉ biết ở giữa nơi bom đạn chiến tranh, bên cạnh lòng quả cảm và tinh thần lao động hăng say, trong ông luôn canh cánh tình yêu ấy.

Chú thích ảnh
Nhà báo lão thành Võ Thế Ái hiện sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 (Hà Nội). Ảnh: TTCC

Hạnh phúc và cũng lắm truân chuyên

Những ngày vợ chồng nhà báo Võ Thế Ái cùng nhau vào Trung tâm bảo trợ xã hội số 3 để an hưởng tuổi già, mọi người trong Trung tâm ai cũng ngưỡng mộ chuyện tình cảm của hai vợ chồng nhà báo già.

 “Những khi còn minh mẫn, ông hay kể chuyện đời, chuyện nghề của mình”- y tá Lý Thị Bích cho biết về nhà báo già giàu tình cảm, luôn vui vẻ, gần gũi. Từ khi mới 15 tuổi, chàng trai người Đà Nẵng Võ Thế Ái đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ là chiến sĩ liên lạc cho bộ đội Khu 5. Năm 20 tuổi, Võ Thế Ái được lựa chọn ra miền Bắc để chuẩn bị đi học tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, do hoàn cảnh thay đổi, chàng trai thanh niên ấy được điều về công tác tại Nha Thông tin và trở thành phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

Ông là một trong những người thuộc thế hệ đã gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp báo chí, với cách mạng và kháng chiến. Ông cũng là người tham gia xây dựng nền tảng cho cơ quan Thông tấn xã khu 5 ngay từ những ngày đầu tiên, góp phần tạo cơ sở cho Thông tấn xã Giải phóng ra đời cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Năm 1957, ông gặp và yêu cô gái Hà Thành Nghiêm Thị Tú, là em ruột bà Nghiêm Thuý Băng (vợ cố nhạc sỹ Văn Cao) cùng làm việc tại Thông tấn xã và kém ông 10 tuổi. Từ đây đã khởi đầu một mối tình đẹp như mơ.

Chàng phóng viên thời chiến với những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi rồi lại lên đường, bức thư đầu tiên chàng trai ấy viết cho người yêu là trên đường vượt Trường Sơn, khi nhận nhiệm vụ vào công tác tại Phân xã Khu 4. Trong những lá thư đầu tiên ấy, Võ Thế Ái đã kể cho người yêu nghe về cuộc sống, công việc ở nơi xa lạ, từng chi tiết, từng cảm xúc bộc lộ như muốn được người yêu song hành trên mỗi bước đi vào chiến trường.

Trong bức thư gửi người yêu Nghiêm Thị Tú ngày 16/2/1957, Võ Thế Ái viết: “Và con người nữa, con người có giọng nói hơi khác nhưng cũng quần sồi áo vải, cũng một dáng dấp cần cù, cũng một tính cởi mở, vồn vã giống như tất cả những con người mà chúng ta đã gặp ở bất cứ một nơi nào trên những nẻo đường đất nước, từ Bắc chí Nam. Tuy chưa phải là người quen thuộc ở địa phương này, anh vẫn thấy mình hòa hợp được ngay với cảnh, với người”.

Rồi hai người nên duyên vợ chồng, nhưng năm 1959, sau khi kết hôn với bà Nghiêm Thị Tú được hơn 1 năm và đã có với nhau một cậu con trai, Võ Thế Ái lại nhận nhiệm vụ vào công tác ở Phân xã Khu 5. Đây là lúc nhà báo Võ Thế Ái đắn đo khi bước chân rời khỏi tổ ấm hạnh phúc mà trong lòng lo lắng liệu còn có ngày trở về? Nhưng chính tinh thần rắn rỏi của người vợ khi giấu nước mắt ủng hộ chồng đã giúp nhà báo Võ Thế Ái mạnh mẽ lên đường.

Lúc ông đi, bà mới 19 tuổi, gần hai năm làm vợ nhưng số ngày ở gần chồng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những năm tháng xa nhau, ông bà chỉ có thể chia sẻ nỗi nhớ, niềm thương thông qua những cánh thư. Và chính Thông tấn xã cũng là cầu nối kéo gần khoảng cách giữa hai vợ chồng khi cơ quan đã cử một nhóm biên tập viên qua Đài Tiếng nói Việt Nam đọc “Bản tin đọc chậm” buổi sáng. Nhờ đồng nghiệp thu xếp, bà Tú hay được ưu tiên đọc bản tin ấy, trong khi ngày ngày ở chiến trường, nhà báo Võ Thế Ái ngóng chờ để được nghe giọng nói của người vợ xa nhớ.

Khi nghe được giọng nói quen thuộc của vợ, nhà báo Võ Thế Ái đã viết ngay một lá thư gửi về hậu phương: “Anh ra đi vì nhiệm vụ, nhưng cũng vì em và con. Trong khi một phần đất nước còn đau khổ thì hạnh phúc của chúng ta không thể trọn vẹn được.

Chắc em đồng ý với anh như thế và hết lòng khuyến khích anh theo đuổi cuộc chiến đấu cho tới ngày thắng lợi. Lúc đó, chúng ta sẽ có hạnh phúc thật sự... Mấy ngày nay nghe bản tin đọc chậm trên đài phát thanh, có một giọng giống như giọng em. Nếu đúng thế thì thật là tuyệt…”.

Rồi cuối năm 1965, bà Nghiêm Thị Tú gửi con cho người thân và hăng hái lên đường vào Phân xã khu 5, nơi chồng đang công tác, hai ông bà đã cùng nhau trải qua những ngày tháng ác liệt tại chiến trường. Cho đến 4 năm sau, bà Tú nhận được lệnh trở ra Bắc. Lại xa cách, lại là những cánh thư ngập tràn nỗi nhớ thương, ông bà cùng động viên nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn, gian khổ.

Sau bao ngày xa cách, năm 1971, hai vợ chồng nhà báo Võ Thế Ái được thoả nỗi nhớ mong khi cả hai cùng được về đoàn tụ tại Hà Nội. Những tưởng từ đó ông bà sẽ được hưởng thụ trọn vẹn tình yêu, niềm hạnh phúc, nhưng sóng gió lại ập đến khi người con trai duy nhất của ông bà không may mắc phải căn bệnh viêm não Nhật Bản, để lại di chứng nặng nề và mất sau đó ít lâu.

Sau khi con trai mất, vợ chồng ông bà không dám sinh thêm con vì những năm tháng ở chiến trường, ông nghĩ chắc chắn vợ chồng ông đều bị nhiễm chất độc dioxin. Nếu sinh con ra mang dị tật, chịu ảnh hưởng thì sẽ trở thành gánh nặng của xã hội.

Vì vậy, ông bà cứ dựa vào nhau mà sống. Tuổi già, không còn người thân thích, năm 2012, hai ông bà quyết định cùng nhau vào Trung tâm bảo trợ xã hội 3 sống tiếp những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Nhưng vào Trung tâm ở được gần một năm thì bà Tú cũng bỏ ông ra đi. Đó là những mất mát quá lớn với ông.  Có thời gian, ông gần như suy sụp tinh thần khi chỉ còn một mình trên hành trình đi đến cuối con đường, nhưng ông đã vượt qua được với nghị lực kiên cường của một nhà báo để tiếp tục sống và yêu nghề.

Giờ đây, cuộc sống của nhà báo Võ Thế Ái là gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, nơi có những người bạn già cùng chia sẻ buồn vui, nơi ông được chăm sóc như người thân trong nhà. Không còn ai bên cạnh nhưng những kỷ niệm về cuộc đời, về nghề, về mối tình đẹp như mơ của hai vợ chồng ông và lòng thuỷ chung cho đến cuối đời vẫn mãi là nguồn sống, vẫn có thể khiến ông đôi khi chợt mỉm cười.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Kỷ niệm TTXVN 75 tuổi (15/9/1945 - 15/9/2020)
Kỷ niệm TTXVN 75 tuổi (15/9/1945 - 15/9/2020)

Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), báo Tin tức xin trân trọng giới thiệu bài thơ của đồng chí Hồ Tiến Nghị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN