Theo quy định về hướng dẫn hành nghề y, y học cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân của Bộ Y tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ kính thuốc trên thị trường (đo tật khúc xạ và bán kính thuốc) do Sở Y tế các tỉnh, thành phố kiểm tra và cấp giấy đủ điều kiện hành nghề. Nhưng thực tế, có rất nhiều cửa hàng chưa được cấp giấy đủ điều kiện vẫn đang vô tư hành nghề.
Bài cuối: Tăng cường đào tạo nhân lực chuyên môn theo địa chỉ
“Quản lý kính mắt là vấn đề rất phức tạp, không như quản lý những lĩnh vực khác. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề và trực tiếp quản lý 22 cơ sở kinh doanh dịch vụ kính thuốc. Các cơ sở còn lại thuộc trách nhiệm quản lý của các phòng y tế địa phương”, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho Tin Tức biết.
Khám, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân nhi các bệnh về mắt. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Theo quy định của ngành y tế, người đứng đầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ kính thuốc phải có bằng tốt nghiệp trung cấp y trở lên và đã có thời gian làm công việc chuyên môn tại cơ sở chuyên khoa mắt từ 2 năm trở lên. Đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp y trở lên nhưng chưa có thời gian làm công việc chuyên môn tại cơ sở chuyên khoa mắt thì phải có chứng chỉ về sử dụng trang thiết bị y tế (thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt) do cơ sở (được Bộ Y tế chỉ định) đào tạo và cấp. “Nhưng khi kiểm tra có rất nhiều cơ sở kính thời trang, không được phép kinh doanh kính thuốc nhưng vẫn bán kính thuốc, thậm chí còn có cả máy đo tật khúc xạ, đo kính mắt. Đó là chưa nói đến việc tại các chợ, thậm chí trên vỉa hè cũng có người kinh doanh cả kính thuốc nên rất khó cho công tác quản lý”, ông Nguyễn Việt Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, Sở Y tế Hà Nội vẫn thường xuyên chỉ đạo các quận, huyện kiểm tra các cửa hàng kinh doanh kính thuốc có đo tật khúc xạ, bắt buộc phải có cán bộ chuyên khoa mắt, trang thiết bị đo khúc xạ, đo kính mắt phải tuân thủ việc kiểm định theo định kỳ của hãng. Về nguyên tắc, cơ sở nào không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề của Sở y tế cấp thì phải ngừng hoạt động.
Chỉ đạo là vậy, song kết quả kiểm tra các cơ sở kinh doanh kính mắt trên thị trường Hà Nội do Đội quản lý thị trường số 17 kết hợp Viện Đo lường Việt Nam tiến hành vừa qua đã phản ánh một thực tế buồn: Trong tổng số 46 cơ sở thì có đến 2/3 số cơ sở kinh doanh kính mắt không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện và chứng chỉ hành nghề, 9/10 máy đo khúc xạ và 8/8 máy đo mắt kính có sai số vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nếu “chiểu” theo quy định thì hẳn những cơ sở vi phạm này đã phải đóng cửa từ lâu, đâu đợi đến khi ngành quản lý thị trường vào cuộc mới “cháy nhà ra mặt chuột”.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, khúc mắc hiện nay là các doanh nghiệp không có nhân lực đạt yêu cầu chuyên môn theo quy định, do đó chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề.
Để tăng cường công tác quản lý chất lượng kính mắt trên thị trường, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đang yêu cầu các quận, huyện điều tra, thống kê về các cửa hàng kinh doanh kính mắt, nhất là kinh doanh kính thuốc trên địa bàn. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo lãnh đạo Sở nhằm tìm ra giải pháp cho việc đào tạo cán bộ chuyên môn cho các cơ sở. “Theo tôi, sau khi đã thống kê cụ thể về các cơ sở kinh doanh kính thuốc cũng như nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên môn của họ, Sở Y tế có thể phối hợp với các cơ sở đào tạo để tổ chức các lớp tập huấn. Để đảm bảo sức khỏe cho mình, khách hàng nên đến các cửa hàng đã được các sở Y tế cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh, có số giấy phép ghi trên biển hiệu”, ông Cường nêu giải pháp.
Thực tế về công tác quản lý các cửa hàng kinh doanh kính mắt tại Hà Nội và từ kết quả kiểm tra tại Vĩnh Phúc và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh kính mắt hoạt động không phép do thiếu lao động được đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn trong kinh doanh kính thuốc là khá phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân chính tạo nên vấn nạn loạn kết quả đo tật khúc xạ và cấp kính sai số cho người bệnh lâu nay. Thực trạng này là rất đáng lo ngại. Việc cấp kính không thích hợp sẽ dẫn đến việc có nhiều bệnh nhân không thể nhìn rõ, thậm chí bị mù lòa, bị mất đi cơ hội học tập, mất đi khả năng lao động sản xuất.
Vậy nên, với trách nhiệm quản lý chính (thẩm định, cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề cho các cửa hàng kinh doanh kính thuốc), ngành Y tế không nên chậm trễ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực chuyên môn cho các cửa hàng kinh doanh kính thuốc trên cả nước. Có như vậy, hiệu quả hoạt động quản lý chất lượng kính thuốc mới được cải thiện.
Phương Liên