Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 411 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối, 380 chợ đã được phân hạng, bao gồm 12 chợ hạng 1, 69 chợ hạng 2, 299 chợ hạng 3. Tuy nhiên việc quy hoạch mạng lưới chợ hiện nay còn có một số bất cập cần phải được điều chỉnh để hoạt động của các chợ hiệu quả hơn. Vừa qua, HĐND TP cũng đã thông qua đề án quy hoạch xây dựng hệ thống thương mại của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng đến việc xây mới, cải tạo hệ thống chợ hiện có trên địa bàn Thủ đô.
Chợ đầu mối không hiệu quả, chợ cóc tràn lan
Chợ là nơi mua bán chính của người dân, nơi thực hiện giá trị hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, bảo đảm sự phát triển chung của cộng đồng một cách hài hòa. Số lượng chợ tại Hà Nội nhiều, tuy nhiên việc phân bố còn chưa hợp lí.
Nhìn lại chợ Hà Nội
Về phân bố mạng lưới, hiện nay 10 quận nội thành của Hà Nội có 103 chợ (chiếm 25,06%), ở thị xã Sơn Tây có 11 chợ (2,68%), các huyện có 297 chợ (72,26%). Bình quân 1 quận nội thành có 10,3 chợ và 1 huyện ngoại thành có khoảng 16,5 chợ. Con số này không phải là nhỏ, nếu như không muốn nói là hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân. Những chợ đầu mối nông sản lớn hiện có như Long Biên, Đền Lừ, Dịch Vọng Hậu đang cung cấp tới 70-80% lượng rau quả tươi cho thành phố.
Hình bên trái là hiện trạng các chợ ở Hà Nội (tam giác màu xanh). Các vòng tròn màu cam là bán kính 800 m quanh chợ. Nhìn chung hầu hết khu vực của Hà Nội đều được mạng lưới chợ phủ khắp. Bên phải là mạng lưới chợ Hà Nội trong tương lai theo Dự thảo quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Số lượng chợ trong nội thành sẽ giảm đi đáng kể. |
Tuy nhiên, diện tích xây dựng chợ lại chưa đáp ứng yêu cầu. Tổng diện tích đất chợ khoảng 1.560.500 m2. Diện tích đất chợ bình quân đầu người là 0,25m2/người, chỉ bằng 50% so với chỉ tiêu này của cả nước. Trong số 411 chợ trên địa bàn thành phố thì có khoảng 67 chợ kiên cố, chiếm 16,3%; 213 chợ bán kiên cố, chiếm 51,7% và 131 chợ lán tạm, chiếm 32%.
Tại các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, thị xã Sơn Tây và các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Mê Linh... phần lớn chợ đều được xây kiên cố hoặc bán kiên cố, không có chợ lều lán tạm. Số chợ lều lán tạm chủ yếu tại một số huyện như Sóc Sơn (chiếm 70%), Ba Vì (chiếm 65%), Chương Mỹ (71%). Tại các huyện này không có chợ xây dựng kiên cố hoặc số chợ xây dựng kiên cố chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn các chợ hạng 3 tại các xã khu vực nông thôn đều đã xuống cấp nghiêm trọng, dột nát, không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, tỷ lệ chợ xã xuống cấp chiếm khoảng 80%.
Chợ cóc tràn ra đường. Ảnh: Lê Phú |
Do thiếu thống nhất quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới chợ nên hiện tại các chợ phát triển tự phát, phân bố chưa hợp lý cả về khoảng cách và quy mô dân số phục vụ. Vì thế dẫn đến tình trạng nhiều khu vực đông dân cư, hiện tượng mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Hệ thống quản lý của chợ một thời gian dài vẫn giản đơn ở việc cho thuê chỗ, các chức năng dịch vụ mang tính hỗ trợ như kiểm dịch động, thực vật; phân loại; chế biến; đóng gói; bảo quản; vận chuyển; hình thành giá cả; cung cấp thông tin... còn rất yếu. Đó là những hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chợ cũng như của thị trường thành phố trong đời sống, xã hội.
Nhiều Chợ mới bỏ không
GS. TS Michael Douglass (TT Nghiên cứu Toàn cầu hóa, ĐH Hawaii):
Người Hà Nội sợ rằng phần lớn chợ sẽ trở thành trung tâm thương mại
Tại sao mong muốn của người dân lại khác với thực tế do chính quyền, những nhà quy hoạch đưa ra? Thành phố sẽ hoàn toàn do các tập đoàn điều khiển, mọi cửa hàng lớn, siêu thị lớn, nhà hàng lớn đều thuộc các thương hiệu toàn cầu. Sẽ ngày càng ít không gian công cộng, ít cửa hàng của người địa phương. Sẽ có nhiều trung tâm thương mại, nhiều chung cư cao cấp nhưng lại bị bỏ hoang. Việt Nam đã có thành phố công cộng, nếu các bạn phá nó đi thì sẽ không thể có lại nó, kể cả có là nước Mỹ của tôi.
TS Phạm Sĩ Liêm - Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng VN:
Có thể học hỏi kinh nghiệm các nước
Chúng ta có thể áp dụng một mô hình cải tạo chợ rất thành công của Trung Quốc, đó là cải tạo một chợ dân sinh tại thành phố Nam Ninh. Chợ được xây dựng lại cao 9 tầng, nhưng ở tầng 1 không xây tường bao, chỉ là các cột thông thoáng để tạo điều kiện cho các hoạt động mua - bán của chợ truyền thống được thuận tiện. Từ các tầng trên, mặt bằng mới dành cho siêu thị.
PGS. TS Tô Thị Minh Thông, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam:
Đại bộ phận các bà nội trợ vẫn thích mua ở chợ
Đa số người mua sắm tại siêu thị là người trẻ và thu nhập khá. Chúng tôi dự báo mạng lưới chợ truyền thống vẫn tồn tại lâu dài với người dân Hà Nội.
Stephanie Geertman (Chuyên gia tư vấn, chương trình Thành phố sống tốt của Health Bridge):
Tên gọi chợ Cửa Nam chỉ để gợi nhắc về một địa điểm đã bị mất
Việc xây dựng lại chợ Cửa Nam được bắt đầu từ tháng 10/2007. UBND TP Hà Nội đã kết hợp với chủ đầu tư là Công ty Mỹ thuật Hà Nội với số vốn 200-230 tỉ đồng để xây dựng chợ thành trung tâm thương mại mới. Tuy nhiên sau khi khai trương vào năm 2009, một ngân hàng đã thuê lại toàn bộ tòa nhà. Chức năng bán lẻ duy nhất trong tòa nhà là một siêu thị vắng vẻ ở tầng 1. Tên gọi “Chợ Cửa Nam” vẫn được đặt trước lối ra vào nhưng không còn thấy chợ dân sinh ở bên trong nữa. |
Do công tác lập quy hoạch, lựa chọn vị trí, địa điểm xây dựng chợ chưa hợp lí, công tác điều tra xác định nhu cầu thị trường khu vực chưa chính xác, chưa dự báo được tình hình phát triển của Thủ đô khi lập dự án khiến một số chợ trên địa bàn Hà Nội hoạt động không hiệu quả. Vị trí quy hoạch chợ chưa thuận lợi đối với nhu cầu mua bán của nhân dân; đường giao thông khó khăn, không đồng bộ với hoạt động của chợ.
Chợ đầu mối Minh Khai được xây dựng trên diện tích gần 3,6 ha. Chợ Thượng Đình được xây dựng trên diện tích 4.077 m2. Sau khi cả hai chợ đưa vào hoạt động đã thu hút nhiều hộ kinh doanh vào bán hàng nhưng do chợ mới, đường giao thông xung quanh chợ đang triển khai gây trở ngại cho hoạt động của chợ. Vì vậy chợ hoạt động được một thời gian rồi vắng dần.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, chợ cóc, chợ tạm lại mọc lên khắp nơi mà các cơ quan chức năng dường như vẫn chưa có biện pháp xử lí hữu hiệu. Không biết từ bao giờ, vỉa hè đường Giải Phóng, đường Láng bị biến thành những khu chợ bất đắc dĩ. Cứ mỗi buổi chiều tối, cảnh người mua kẻ bán tấp nập vừa mất mĩ quan đô thị, vừa cản trở giao thông. Tình trạng này diễn ra từ lâu, dường như mặc nhiên tồn tại!
Không chỉ diễn ra trên các mặt phố lớn, chợ cóc len lỏi vào các khu dân cư, các ngõ nhỏ. Rất nhiều người lựa chọn chợ cóc bởi tính tiện lợi cũng như đáp ứng được nhu cầu mua bán đơn giản hàng ngày. Chỉ là mớ rau, miếng thịt, người tiêu dùng không muốn phải gửi xe để vào siêu thị hay các chợ lớn. Họ chỉ cần tạt vào chợ cóc ngay khu dân cư nhà mình là có thể mua được ngay những mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày với giá cả phải chăng. Do đó mà các chợ cóc vẫn tồn tại, thậm chí sống rất “khỏe” mặc cho các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân dẹp bỏ.
Quy hoạch mới hướng đến hiện đại hóa các chợ
Thống kê của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, đến hết năm 2011, trên địa bàn thành phố có 20 trung tâm thương mại, chiếm khoảng 15% số trung tâm thương mại của cả nước, 110 siêu thị đang hoạt động, chiếm khoảng 19% số siêu thị của cả nước. Siêu thị hay trung tâm thương mại có thể coi là một loại chợ hiện đại, chủ yếu tập trung tại khu vực thành phố, đông dân cư, nơi người dân có điều kiện kinh tế khá. Còn đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình trở xuống vẫn lựa chọn mô hình chợ truyền thống cho việc mua sắm của mình.
Đối với phương hướng phát triển mạng lưới chợ, thành phố định hướng sẽ không xây mới chợ ở khu vực nội thành và sớm cải tạo các chợ truyền thống thành chợ đa năng. Đồng thời sẽ lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn (có diện tích trên 10.000 m2) hiện có thành chợ hạng 1, khang trang hiện đại, hình thành nên các khu thương mại trung tâm. Từng bước chuyển hóa các chợ dân sinh loại nhỏ (có diện tích nhỏ hơn 2.000 m2) thành các siêu thị hạng 3, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời di dời các chợ bán buôn nông sản trong nội thành ra ngoại thành để xây mới các chợ bán buôn nông sản quy mô lớn.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, trong bản quy hoạch mới này, Hà Nội tập trung vào việc phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại mà quên mất vai trò của các chợ truyền thống. Thậm chí theo bản quy hoạch này, nhiều chợ ở khu vực nội thành sẽ bị thay thế bởi các siêu thị. Điều này chưa chắc đã mang lại những hiệu quả tốt. Bởi như đã nói ở trên, vai trò của các chợ dân sinh là rất quan trọng và không thể thay thế bởi các siêu thị.
Một khi đã thay thế chợ bởi các siêu thị sẽ có rất nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, và thường là theo chiều hướng tiêu cực. Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam: “Khi người dân không được tạo điều kiện bán hàng ở chợ dân sinh, họ tiếp tục bán hàng trên vỉa hè trong khi cảnh sát cứ đuổi họ. Cách tốt nhất là tuyên truyền, nghĩ ra một mô hình chợ và cố gắng tạo nên hình ảnh đẹp hơn về chợ”.
Dương Hoàng