Chợ Đồng Xuân được xây dựng cách đây hơn 100 năm nhưng hiện nay vẫn là một đầu mối hàng hóa quan trọng không chỉ của Hà Nội mà của cả khu vực miền Bắc. Trong khi đó, một số chợ được xây dựng mới nhưng đã phải “đắp chiếu” hoặc hoạt động không hiệu quả.
Từ bài học chợ đầu mối Bắc Thăng Long
Tháng 3/2004, sau hơn một năm thi công, chợ đầu mối Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) chính thức đi vào hoạt động. Chợ được xây dựng trên diện tích 30.000 m2, chia thành 3 khu vực kinh doanh, gồm nơi bán hàng nông, lâm sản, khu vực bán hàng thực phẩm tươi sống và khu dịch vụ ăn uống, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 13 tỷ đồng. Mục đích xây chợ là giúp nông dân, tiểu thương trên địa bàn thuận tiện giao dịch, buôn bán hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân nội thành và các tỉnh lân cận.
Trung tâm thương mại Hàng Da vừa mới đưa vào sử dụng. Ảnh: Lê Phú |
Những ngày đầu hoạt động, chợ đầu mối Bắc Thăng Long khá nhộn nhịp với trên 200 hộ kinh doanh đấu thầu thuê địa điểm. Nhưng chỉ sau vài tháng, người bán, kẻ mua trong chợ cứ thưa dần rồi vắng hoe. Ngay từ khâu thiết kế, chợ đầu mối Bắc Thăng Long đã có nhiều bất cập. Mùa hè, toàn bộ khu chợ chính bị nắng xối thẳng vào từ sáng đến tối. Gặp hôm trời mưa, nước từ mái tôn chảy xuyên suốt từ khu chợ bên này sang ngành hàng bên kia.
Sau 8 năm hoạt động, bất cứ ai khi đặt chân tới cổng chợ đầu mối Bắc Thăng Long đều không thể nhận ra bóng dáng của khu chợ văn minh, hiện đại thuở nào. Tấm biển "Chợ đầu mối Bắc Thăng Long" đắp bằng xi măng đã rơi rụng tả tơi từ khi nào, không còn đọc rõ chữ. Hai nhà chờ chính được xây dựng bằng kinh phí hàng tỷ đồng nay biến thành kho chứa gỗ, tập kết phế liệu...
Tương tự, chợ Xuân Đỉnh II được xây dựng trên diện tích 9.821 m2 với vốn đầu tư 3,6 tỷ đồng, cũng không hoạt động hiệu quả nên thành phố cho phép chuyển từ chợ đầu mối nông sản sang chợ dân sinh. Chợ hoa Tây Tựu có diện tích gần 1 ha với tổng mức đầu tư 4,7 tỷ đồng từ ngân sách, đã hoạt động từ đầu năm 2004. Tuy nhiên do vị trí đường giao thông không thuận lợi, điện chiếu sáng không có, nhất là các hạng mục của dự án phát triển vùng hoa Tây Tựu mới đang triển khai nên chợ hoa này không phát huy tác dụng. Người bán hoa vẫn phải mang hoa vào tận nội thành (khu vực chợ hoa Quảng An). Việc quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa xem xét kĩ càng các yếu tố xã hội đã gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Đến việc xây lại chợ Hàng Da, bỏ chợ Cửa Nam
Hai chợ lớn này ở Hà Nội đã được hoàn thành xây dựng lại vào năm 2010 kết hợp chợ dân sinh với trung tâm thương mại. Trong trường hợp của chợ Cửa Nam thì chợ đã hoàn toàn biến mất, và ở chợ Hàng Da tiểu thương đang phải đương đầu với tình trạng thiếu khách hàng và giá thuê mặt bằng cao. Nhiều khả năng cả chợ này cũng sẽ biến mất trong tương lai gần.
Khi tới chợ Hàng Da, chúng ta có thể thấy tòa nhà mới được thiết kế như một trung tâm thương mại khép kín không có không gian mở cho chợ dân sinh. Tuy chợ dân sinh vẫn ở trong tòa nhà nhưng giờ bị chuyển xuống tầng hầm cạnh bãi đỗ ô tô. Dưới tầng hầm, chợ rất vắng vẻ, nhiều người bán nhưng không mấy người mua. Trong khi đó, các hoạt động buôn bán lại gia tăng trong các ngõ nhỏ xung quanh chợ Hàng Da.
Còn tại chợ Cửa Nam, một tòa nhà cao tầng với mặt tiền ốp kính được một ngân hàng thuê lại, với một siêu thị nhỏ dưới tầng hầm cạnh bãi đỗ xe. Khi hỏi thăm về chợ cũ, chúng tôi được biết chợ đã không còn nữa. Những người bán hàng thì lang thang quanh các chợ cóc.
Theo một cuộc khảo sát thu thập ý kiến nhanh được thực hiện với 50 người dân Hà Nội được lựa chọn ngẫu nhiên về ý kiến của họ đối với việc xây dựng lại chợ dân sinh, hơn một nửa số người được hỏi cho rằng khi chợ dân sinh không còn nữa, họ sẽ có ít cơ hội tiếp cận với thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng. 87% số người được hỏi muốn chợ dân sinh được duy trì và làm sạch thay vì xóa bỏ chúng khỏi đời sống của người dân.
PGS Nguyễn Quốc Thông cho rằng: “Chợ Hàng Da và Cửa Nam nằm trong những khu vực có những giá trị nhất định về mặt vị trí. Tôi muốn nói đến giá trị văn hóa và giá trị sử dụng hàng ngày. Nó như một điểm đến, như một điểm hẹn. Nó không chỉ là một cái chợ mà còn là hoạt động của khu phố cổ”.
Cần đầu tư xây dựng đồng bộ
Bài học kinh nghiệm ở nhiều nước phát triển phương Tây: Pháp, Canađa, Ôxtrâylia, Anh… sau nhiều thập kỷ từ bỏ chợ, đến nay các quốc gia này đã phải quay trở lại mô hình chợ truyền thống. Tại thủ đô Niu Đêli của Ấn Độ, bên cạnh rất nhiều trung tâm thương mại, vẫn còn có những khu chợ dành riêng cho nhóm người có thu nhập thấp và khách du lịch muốn tìm hiểu về văn hóa quốc gia này.
Tại các nước này, các siêu thị đang nhường dần thị phần cho chợ thực phẩm được mua trực tiếp từ nông dân, các khu vườn cộng đồng. “Chợ luôn được duy trì bảo dưỡng thường xuyên. Cơ sở hạ tầng đảm bảo, mặt bằng chợ được sắp xếp rất khoa học cho các nhóm sản phẩm và có các kho chứa hàng đảm bảo. Công tác quản lý tốt nên không để ô nhiễm, mất vệ sinh. Công tác vệ sinh và duy trì chợ thường do địa phương thực hiện”, chị Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ Công Thương), để duy trì và quản lí tốt hệ thống chợ hiện có, chính quyền cần rà soát lại các chợ ở thành phố để sửa đổi, bổ sung quy hoạch chung, khẳng định sự tồn tại và phát triển của chợ dân sinh trong thành phố, công khai các địa chỉ chợ được họp; xã hội hóa chợ theo hướng tôn trọng ý kiến người buôn bán và dân chúng khu vực, đầu tư nâng cấp chợ có sự giúp đỡ vốn của Nhà nước, của người kinh doanh.
“Cần thiết kế chợ theo hướng mở, có mái che, giảm bớt các vách ngăn bảo đảm an toàn; tăng cường vai trò của các ban quản lý chợ để duy trì vệ sinh an toàn thực phẩm, chống cháy nổ, mất mĩ quan, bảo đảm đo lường đúng, duy trì trật tự, thời gian họp chợ, an toàn giao thông ra vào chợ theo đúng nội quy”, ông Hùng đề xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những chợ xây mới, cần tính toán hết sức cụ thể những yếu tố tác động đến hoạt động của chợ, từ vị trí xây dựng chợ đến thói quen mua sắm của người dân. Có như thế mới tránh được tình trạng chợ xây xong không ai vào.
Dương Hoàng