Qua khảo sát thực tế tại khu vực ven sông Sài Gòn, đoạn qua xã Tân Hòa, huyện Tân Châu trải dài xuống xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, hiện có rất nhiều vó cá với đủ loại lớn bé được dựng lên kín cả mặt nước. Các loại vó gồm 4 cọc tre cố định được buộc dây vào lưới cá, xung quanh là các cọc tre thả nổi để phân định ranh giới, cũng như hạn chế tàu thuyền qua lại. Bên trong mỗi chòi được thiết kế từ 1 - 2 máy kéo công suất lớn để kéo vó, gom các luồng cá đi qua. Đặc biệt, các lưới cá này với những mắc lưới rất nhỏ, nên tất cả các loại cá từ lớn đến bé đều bị những vó này gom hết.
Máy kéo vó cá công suất lớn được trang bị tại các chòi cá cất trái phép trên hồ Dầu Tiếng. |
Trong vai khách du lịch trên hồ Dầu Tiếng, chúng tôi ghé thăm một căn chòi nhỏ chưa đầy 20 m2 được cất lênh đênh trên mặt hồ Dầu Tiếng (thuộc địa phận xã Tân Hòa, huyện Tân Châu). Chị Võ Quỳnh Như, 35 tuổi, ở tỉnh Bình Phước cho biết, gia đình đã bỏ tiền ra để “mua mặt nước” và đầu tư làm vó cá khoảng 70 triệu đồng/vó.
Hiện gia đình chị Quỳnh như có 6 vó cá, được chia thành 2 nơi (mỗi nơi có căn chòi để canh kéo cá). Với 6 vó cá kể trên, bình quân chị Quỳnh như khai thác được từ 50 - 60 kg cá các loại/ngày đêm. Còn khi vào mùa trúng cá (thường bắt đầu từ khoảng 5 tháng đến gần Tết) thì thu khoảng 300 - 400 kg cá/ngày đêm, với đủ các loại cá lớn bé khác nhau.
Cách đó không xa, tại bến đò thuộc xã Tân Hòa là một cơ sở thu mua cá. Theo lời kể của chủ cơ sở này, hằng ngày, cá được các ngư dân mang về đây bán, với đủ loại như cá mè, cá lăng, cá thác lác, cá cơm... với đủ kích cỡ lớn nhỏ khác nhau từ loại chỉ bằng ngón tay đến khoảng vài chục ký. Ngoài việc khai thác cá theo kiểu tận diệt, các vó cá mọc lên san sát nhau cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của tàu thuyền qua khu vực này.
Một chòi cá cất trái phép công khai trên hồ Dầu Tiếng. |
Anh Trần Văn Tiến, 35 tuổi, ngụ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, người lái tàu thường xuyên qua khu vực này cho biết, thường xuyên bị các chủ vó cá ngăn cản không cho di chuyển ngang khu vực này vì sợ vướng vó, mặt nước động làm cá bỏ đi.
Còn anh Trần Văn Trung, 35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp bức xúc cho biết, vó cá nhiều làm cho hoạt động thuyền bè qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Chính anh nhiều lần cũng đã bị các chủ vó ra hăm dọa, nếu cho tàu thuyền qua lại làm hỏng vó của họ.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết, trong khu vực hồ Dầu Tiếng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho 12 bến và 4 bến khách ven sông nên mọi hành vi cản trở, ngăn cản tàu thuyền qua lại là trái quy định.
Hàng trăm vó cá xuất hiện trên hồ Dầu Tiếng gây cản trở giao thông đường thủy qua khu vực. |
Sắp tới, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức làm việc lại với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Dầu Tiếng,- Phước Hòa (đơn vị có trách nhiệm quản lý mặt nước hồ Dầu Tiếng) và chính quyền huyện Dương Minh Châu, cùng các ban ngành để xử lý dứt điểm vấn đề này. Bởi nếu để tình trạng vó cá phát triển tràn lan trên mặt nước hồ Dầu Tiếng, sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân.