Theo đó, tỉnh Lâm Đồng cũng cho tạm dừng toàn bộ hoạt động của các sở sở kinh doanh: vũ trường, quán bar, karaoke, rạp chiếu phim, trò chơi điện tử, ca nhạc phòng trà, cơ sở làm đẹp; khuyến cáo không tụ tập đông người cho đến khi có thông báo mới. Riêng đối với các hoạt động tôn giáo, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo thực hiện theo văn bản số 6408/UBND-NC ngày 31/7/2020.
Ngành Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng từ ngày 1 đến ngày 28/7/2020 và các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán virus SARS- CoV-2 tại chỗ với công suất đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tại địa bàn.
Trước đó TTXVN đã đưa tin, tại Lâm Đồng đã có 1 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Đó là ông M.N 75 tuổi, người Nhật Bản, Giám đốc Công ty H.L tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng được Cơ quan y tế Nhật Bản xét nghiệm bằng phương pháp PCR, xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Thông tin trên đã được ngành Y tế Nhật Bản thông báo tới cơ quan chức năng Việt Nam.
Cụ thể, ông M.N nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có biểu hiện lâm sàng cũng như các triệu chứng. Khi nhập cảnh vào Việt Nam, ông M.N có giấy xác nhận không mắc COVID-19 của Cơ quan Y tế Nhật Bản. Ông bay về Nhật Bản đêm 31/7/2020. Khi xuống sân bay tại Nhật Bản, ông M.N được xét nghiệm và xác định đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau đó, ông M.N đã thông báo cho chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng thông qua trợ lý của mình tại Việt Nam.
Nhận được thông tin về ca bệnh này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã khởi động hết công suất bộ máy phòng chống dịch để ứng phó với diễn biến vừa xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.
*Chiều 3/8, UBND tỉnh Đồng Nai ra công văn yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch từ 0 giờ ngày 4/8 cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, tại thành phố Biên Hòa, địa phương có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, UBND tỉnh yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế ra đường, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Khi đi ra ngoài, người dân phải đeo khẩu trang, không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc.
Một số dịch vụ tạm dừng hoạt động như: Cơ sở làm đẹp, spa, massage, các dịch vụ về tóc, trò chơi điện tử, game online, các phòng tập gym, yoga, các rạp chiếu phim, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các giải thi đấu thể dục thể thao chuyên nghiệp và phong trào, các hoạt động tập thể dục rèn luyện sức khỏe ngoài trời, ở công viên, sân tập, các khu/điểm du lịch, khu chợ đêm. Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố cũng ngưng hoạt động. Đồng thời, các nhà hàng, cơ sở/điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát trên địa bàn thành phố được hoạt động nhưng phục vụ không quá 20 người, đảm bảo khoảng cách và thực hiện công tác phòng dịch theo đúng quy định.
Các địa phương chủ động phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các đối tượng F2, yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về cách ly tế; không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
* Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương mở rộng điều tra, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân đến từ (hoặc đi qua), trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020.
Tỉnh Đồng Tháp khuyến khích tổ chức họp, hội nghị trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc. Người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; công trình giao thông, xây dựng… phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh tại cửa khẩu, nhất là qua các đường mòn, lối mở tuyến biên giới; tất cả các trường hợp nhập cảnh phải thực hiện biện pháp cách ly theo quy định. Đồng Tháp tạm dừng tổ chức các sự kiện, hội nghị, các hoạt động, các nghi lễ tôn giáo... trường hợp đặc biệt, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Ngoài ra, lực lượng Biên phòng biên giới đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài, trong đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua biên giới với tỉnh Đồng Tháp.
Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết thêm, qua báo cáo từ hệ thống Tổ nhân dân tự quản của Mặt trận Tổ quốc và các địa phương, hiện xác định khoảng 450 người về từ vùng dịch. Ngành Y tế yêu cầu thực hiện khai báo, phân loại và tổ chức tự cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với nhóm người này.
*Chiều 3/8, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Tính đến ngày 3/8, tổng số người từ vùng dịch trở về Thừa Thiên - Huế chưa qua 14 ngày là 21.955 người. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện xét nghiệm 16.002 mẫu, trong đó 13.538 mẫu có kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tổ chức cách ly y tế tập trung 927 trường hợp; cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú hơn 9.500 trường hợp; khuyến cáo tự cách ly tại nhà và nơi lưu trú hơn gần 10.000 trường hợp. Tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng chỉ đạo khởi động lại Khu cách ly tập trung T4 (Trường Nghiệp vụ Thuế) để đón người đến cách ly tập trung theo quy định trong thời gian tới.
Đối với 19 ca dương tính đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 ghi nhận có 1 bệnh nhân rất nặng, 8 bệnh nhân nặng.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương tiếp tục truy vết, lập danh sách tất cả đối tượng F1, F2 liên quan đến 3 bệnh nhân mắc COVID-19 số 589, 601, 602 để tiến hành các biện pháp cách ly, xét nghiệm; phong tỏa quán cà phê Mắt Biếc, đóng cửa các hàng quán mà những bệnh nhân COVID-19 đã từng đến. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu Công an tỉnh khai thác hệ thống camera an ninh để truy vết, kiểm tra xe chở 3 bệnh nhân này từ thành phố Huế vào thành phố Đà Nẵng có dừng, đỗ ở điểm nào không. Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cần khẩn trương phân bổ đủ số lượng kit test nhanh COVID-19 cho các huyện, thị xã và thành phố Huế để thực hiện việc xét nghiệm theo hướng dẫn.
* Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau 1 ngày triển khai việc xét nghiệm chủ động virus SAR-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh, đến 7 giờ 30 ngày 3/8, toàn tỉnh đã xét nghiệm nhanh được 894 trường hợp trở về từ địa phương có người mắc COVID-19, tất cả đều có kết quả âm tính. Số trường hợp được làm xét nghiệm bằng PCR là 182 người, đều có kết quả âm tính.
Liên quan đến các trường hợp F1 của bệnh nhân 566, đi cùng chuyến xe của nhà xe Đức Hùng từ Quảng Ngãi về Vân Đồn, hiện đã lấy mẫu xét nghiệm 2 trường hợp, có kết quả âm tính. Theo kết quả rà soát, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 4.000 người đi về/đi qua các địa phương đang có ca mắc COVID-19 (Đà Nẵng, Quảng Nam) từ ngày 1/7 đến nay.
Dự kiến, đợt này sẽ có khoảng 3.150 người của 13/13 huyện, thị, thành phố trong tỉnh được xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh. Đây là những người đi từ vùng có dịch về tính từ ngày 1/7/2020, đang thực hiện cách ly tại nhà chưa qua 14 ngày.
Các trường hợp test nhanh nếu cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được chuyển đến cách ly tại bệnh viện/trung tâm y tế, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm gửi tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh để làm xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR.