Lần đầu tiên đề xuất tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt
Một trong những thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm hôm nay (3/8) là phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020. Liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi này, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục, việc tổ chức kỳ thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, đề xuất theo hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia thành 2 đợt.
Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, TP Đà Nẵng và một số huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Quảng Nam (nơi đang thực hiện cách ly xã hội do dịch COVID-19) sẽ lùi thời gian thi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đến thời điểm thích hợp, do địa phương đánh giá, đề xuất khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Các thí sinh (nếu có) thuộc diện F0, F1 đang phải cách ly cũng thi vào đợt sau này.
Các tỉnh, thành còn lại thực hiện theo kế hoạch, tức là ngay vào cuối tuần này (đợt 1).
Chỉ phong tỏa trung tâm ổ dịch
Chiều 3/8, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin tới báo chí về tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng và cho biết: Quan điểm của Chính phủ là tổ chức phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần thần tốc, xử lý triệt để. Mỗi thôn bản, xóm làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép “Chống dịch như chống giặc”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo căn cơ về khoanh vùng, dập nhanh ổ dịch COVID-19, phong tỏa các khu dân cư liền kề với các bệnh viện là ổ dịch.
Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế tăng cường lực lượng hỗ trợ, tăng cường khả năng xét nghiệm. Còn các địa phương rà soát kỹ các đối tượng đi về từ Đà Nẵng.
“Quan điểm của Chính phủ là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm ổ dịch và giãn cách xã hội ở nơi có dịch, còn lại sẽ khoanh vùng trong bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại, kiểm soát phòng, chống dịch”, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
"Quan điểm là các vùng có dịch chúng ta phải khoanh, dập ngay. Đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ và dập tắt", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, những vùng khác không phải ổ dịch, như thôn Bùi của tỉnh Thái Bình, người ta chỉ khoanh vùng, giãn cách xã hội thôn này thôi. Khoanh vùng với bán kính nhỏ vừa đủ để dập dịch nhưng vẫn bảo đảm vấn đề kinh doanh, thông thương của nền kinh tế. Kinh nghiệm các nước cũng đều thực hiện chiến lược "mục tiêu kép" như chỉ đạo của Thủ tướng đã chỉ đạo ở Việt Nam.
Hạn chế thăm bệnh nhân tại bệnh viện
Ngày 3/8, Bộ Y tế có Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao.
Công điện nêu rõ: Đã có trường hợp lây nhiễm từ người bệnh sang người bệnh, nhân viên y tế, người nhà, người chăm sóc người bệnh.
Để hạn chế tối đa các hậu quả của dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện triệt để Công điện số 1158/CĐ-BCĐQG ngày 27/7/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành. Khẩn trương rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất.
Thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế tối đa người nhà chăm sóc người bệnh, tạo môi trường thoáng khí cho các buồng bệnh. Thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện tại các đơn vị cấp cứu và hồi sức tích cực.
Sàng lọc kỹ lưỡng toàn bộ người bệnh đang điều trị tại các khoa lâm sàng, thực hiện cách ly tại khu vực riêng và chỉ định xét nghiệm sớm SARS- CoV-2 theo quy định.
Thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn, tối đa không quá 3 tháng cho tất cả các đối tượng.
Với các trường hợp là người cao tuổi, người có bệnh lý nền và các trường hợp có nguy cơ cao khác cần khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình để hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác.
Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có các bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác.
Trong số nhập cảnh trái phép có cả người Việt Nam từ nước bạn tìm cách trở về
Về tình trạng nhập cảnh trái phép, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết : Có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và có cả người Việt Nam đi làm ở nước bạn trở về nước.
“Có tình trạng này vì bên Trung Quốc cũng đang có dịch bệnh, còn Việt Nam được tuyên truyền là đất nước an toàn nên nhiều người muốn quay lại Việt Nam. Ngoài ra có người vào vì muốn đi qua Việt Nam để qua Campuchia đánh bài”, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.
Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng cho biết vừa qua nhiều địa phương phát hiện tình trạng xuất nhập cảnh trái phép với số lượng đông lên tới hàng trăm người thì đa phần là bà con người Việt đi lao động "chui" ở Trung Quốc, khi hết việc thì bà con đi về.
Xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng
Chiều 3/8, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, từ ngày 5/8, TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với người không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Bên cạnh việc tiến hành xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng thì phải công khai các địa điểm bán khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn đến từng khu phố, tổ dân phố để người dân kịp thời mua. Trường hợp nào trữ hàng, tăng giá bán phải báo cáo ngay cho Sở Công thương để có biện pháp xử lý kịp thời".
Liên quan tới tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, chiều 3/8, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiếp cận được 818 người tiếp xúc gần hoặc có liên quan đến các ca bệnh, trong đó có 296 người tiếp xúc gần và 553 người có liên quan. Thành phố cũng đã tổ chức cách ly tập trung cho 282 người và cách ly tại nhà cho 536 người.
“Hiện có 792 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 357 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính (218 người tiếp xúc gần, 139 người có liên quan), còn 435 người đang chờ kết quả”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết thêm.
Khẩn trương xác minh ô tô chở bệnh nhân COVID-19 đỗ ở bến xe Nước Ngầm (Hà Nội)
Chiều 3/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh liên quan.
Đáng chú ý, CDC Hà Nội cho biết, ngày 2/8 có phát hiện ca nhiễm mới ở Hà Nam, sau khi truy vết được biết bệnh nhân có đi xe của nhà xe Kim Chi đã về đỗ tại bến xe Nước Ngầm. CDC Hà Nội đang phối hợp với CDC Hà Nam và các tỉnh khác để điều tra, xác minh khẳng định lại và thông tin chính thức.
“Nếu thông tin đúng như vậy thì nguy cơ lây nhiễm của Hà Nội là rất lớn”, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho biết.
Chủ tịch UBND TP đặc biệt yêu cầu CDC Hà Nội khẩn trương làm rõ thông tin ca nhiễm mới ở Hà Nam, sau khi truy vết được biết bệnh nhân có đi xe của nhà xe Kim Chi đã về đỗ tại bến xe Nước Ngầm…để phối hợp với các đơn vị tiến hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19
Xuất siêu tháng 7 đạt 6,5 tỷ USD
Một thông tin tích cực trong ngày 3/8: Theo Bộ Công Thương, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2020 tăng nhẹ 0,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.
Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 7 tháng có đến 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra rằng, mặc dù thời gian qua xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh nhưng bù lại xuất khẩu sang nhiều thị trường khác lại tăng trưởng rất cao như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… cũng là tín hiệu khả quan cho mặt hàng rau, quả của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước. Theo đó, tính chung 7 tháng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7, Việt Nam xuất siêu 1 tỷ USD nên tính chung 7 tháng cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 6,5 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,98 tỷ USD của 7 tháng năm 2019; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 17,6 tỷ USD.