Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức trong này 3/8 cho thấy, thị trường hàng hóa thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang khá ổn định, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống vẫn hoạt động bình thường, không xảy ra tình trạng khan hàng hay tăng giá.
Tại các chợ truyền thống như Thủ Đức (quận Thủ Đức), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bàn Cờ (quận 3)... nhiều mặt hàng thiết yếu như rau xanh, các loại củ, hoa quả, đường, gạo, muối... đang được bày bán khá nhiều. Giá các mặt hàng này cũng đang giữ ổn định, như gạo dẻo có giá từ 15.000 - 30.000 đồng/kgtùy loại, đường cát có giá từ 15.000 đồng/kg, rau cải xanh có giá 15.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt có giá 60.000 đồng/kg…
Theo tiểu thương tại các chợ, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng, các mặt hàng rau xanh, đường cát, nước mắm, gạo, dầu ăn… không có biến động động về giá và nguồn cung lại khá dồi dào. Theo đó, các loại rau xanh, củ quả nhập chủ yếu từ Đà Lạt và các tỉnh miền Tây đang vào vụ thu hoạch; các mặt hàng gạo, nước mắm, dầu ăn… được các doanh nghiệp trong nước sản xuất ổn định nên nguồn cung cũng phong phú.
Chị Lê Mỹ Trinh (ngụ quận Thủ Đức) cho biết chị không phải lo lắng về việc khan hàng hay hàng hoá tăng giá vì ngay vào cao điểm của đợt 1 dịch bệnh COVID-19 thì các siêu thị, chợ vẫn bày bán hàng hóa bình thường. Hiện nay chị và gia đình chủ yếu chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn và hạn chế đi lại đến những nơi đông người để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
"Vì đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch nên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op có lộ trình rõ ràng cho việc dự trữ hàng hóa và có biện pháp ứng phó kịp thời với những diễn biến cập nhật của dịch bệnh. Hiện nay, hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kích hoạt như đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu luôn được trữ an toàn; các loại khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, gel rửa tay… đều đã được sẵn sàng cho hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile của Saigon Co.op trên cả nước nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng", ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết.
Chiều tối 3/8, báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong tình hình dịch bệnh mới. "Các doanh nghiệp bình ổn thị trường cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% so với ngày thường, sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn, hệ thống phân phối để đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân. Sở cũng đã sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng cao trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn. Do đó, người dân thành phố hãy yên tâm, không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm trong thời điểm hiện nay”, ông Nguyễn Phương Đông nói.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh chưa có tình trạng người dân gom hàng tích trữ gây tăng giá một số sản phẩm thiết yếu. Sở cũng đang tăng cường kiểm tra giá cả hàng hóa, phối hợp với Quản lý thị trường để kiểm soát tình hình hàng hóa tại các siêu thị, chợ truyền thống và chưa phát hiện tình trạng gom hàng, nhất là mặt hàng khẩu trang, đặc biệt là tại chợ thuốc quận 10. Đối với mặt hàng khẩu trang, Sở cũng đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất của thành phố và trong tháng 8 sẽ cung ứng 21 triệu khẩu trang vải, khẩu trang y tế; trên 2 triệu chai nước rửa tay… đảm bảo cung ứng cho người dân dùng trong những tháng tiếp theo mà không lo thiếu hụt.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết, ngay khi dịch bệnh COVID-19 có chuyển biến mới, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Saigon Co.op và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) triển khai ngay các phương thức cung ứng hàng hóa, thực phẩm đầy đủ cho người dân. Trong đó, UBND Thành phố yêu cầu hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đồng thời có kế hoạch duy trì hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.